Nga lần đầu phóng tên lửa chiến lược vào Ukraine: "Tín hiệu cảnh báo nghiêm trọng"
Ukraine không có khả năng phát hiện hay đánh chặn tên lửa chiến lược mà Nga sử dụng trong cuộc tập kích ở thành phố Dnipro vào ngày 21/11. Đối với phương Tây, vụ phóng tên lửa cho thấy Nga không hề nói suông về khả năng leo thang xung đột.
Khoảnh khắc các đầu đạn của tên lửa tầm trung nga lao xuống thành phố Dnipro hôm 21/11. Nguồn: X/Gerashchenko_en.
Theo báo Mỹ New York Times (NYT), đây dường như là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, một cường quốc hạt nhân sử dụng vũ khí ở cấp độ chiến lược trong một cuộc xung đột.
Tên lửa đạn đạo tầm trung mà Nga phóng vào Ukraine không mang đầu đạn hạt nhân, nhưng là một trong số các vũ khí chiến lược của Nga có khả năng gắn đầu đạn hạt nhân.
Thông điệp răn đe mạnh mẽ nhất
Trước đây, Nga từng nhiều lần cảnh báo nguy cơ xung đột leo thang nếu phương Tây can thiệp trực tiếp vào xung đột ở Ukraine. Việc Ukraine phóng tên lửa ATACMS và Storm Shadow do phương Tây cung cấp vào lãnh thổ Nga được coi là “giọt nước tràn ly”.
Lần này, Nga không chỉ cảnh báo suông mà phóng một tên lửa chiến lược với khả năng mang đầu đạn hạt nhân để tập kích nhà máy sản xuất vũ khí ở Ukraine.
“Đây là dấu hiệu xung đột leo thang đến mức độ nguy hiểm”, Tatiana Stanovaya, chuyên gia tại Trung tâm Carnegie Russia Eurasia, nói với NYT. “Tôi thực sự tin rằng tình hình hiện nay rất nguy hiểm”.
Trong thông điệp tối 21/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga “không muốn khôi phục hòa bình” khi tập kích Ukraine bằng một loại vũ khí mới. Lầu Năm Góc khẳng định Mỹ không muốn đối đầu với Nga nhưng sẽ tiếp tục duy trì hỗ trợ Ukraine. Các nước phương Tây hiện chưa lên tiếng bình luận.
Các quan chức Ukraine và phương Tây cho biết, việc Nga sử dụng tên lửa tầm trung lấy từ kho vũ khí chiến lược là động thái đáng chú ý. Nga có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào ở Ukraine bằng vũ khí thông thường. Nhưng lần này, Moscow lựa chọn sử dụng vũ khí chiến lược. Các chuyên gia nhận định, thông qua việc phóng tên lửa, Nga đã gửi thông điệp răn đe mạnh mẽ tới Ukraine và phương Tây.
Fabian Rene Hoffmann, chuyên gia am hiểu về vũ khí tại Đại học Oslo ở Na Uy, nhận định: “Điều Nga muốn nói với chúng ta ngày hôm nay là tên lửa đêm qua không mang đầu đạn hạt nhân. Nhưng nếu phương Tây không dừng leo thang, các cuộc tấn công trong tương lai có thể sẽ bao gồm việc sử dụng đầu đạn hạt nhân”.
Phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov nói Nga không có nghĩa vụ phải thông báo với Mỹ trước khi phóng tên lửa Oreshnik vì đây không phải tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Nhưng thông điệp được gửi đi tự động 30 phút trước vụ phóng, ông Peskov nói, đề cập loại tên lửa này nằm trong kho vũ khí chiến lược cùng với các mẫu ICBM khác của Nga. Lầu Năm Góc đã xác nhận việc Nga báo trước về vụ phóng.
Ukraine hoàn toàn bất lực
Tên lửa đạn đạo RS-24 Yars của Nga khai hỏa trong một cuộc tập trận. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Không quân Ukraine cho biết tên lửa được Nga phóng từ vùng Astrakhan, cách vị trí mục tiêu ở Ukraine khoảng 1.000km. Ivan Kyrychevskyi, một nhà phân tích quân sự Ukraine, nói Nga đã phóng tên lửa Oreshnik từ một xe phóng di động tại bãi thử Kapustin Yar.
“Ukraine không có radar có thể phát hiện và theo dõi loại tên lửa đó của Nga khi nó bay vào khoảng không vũ trụ, cũng không có cách nào đánh chặn khi tên lửa lao thẳng xuống mục tiêu”, ông Kyrychevskyi nói. “Các đối tác phương Tây có lẽ nắm bắt vụ phóng tên lửa của Nga tốt hơn chúng tôi”.
Theo các chuyên gia, video quay ở thành phố Dnipro cho thấy Nga sử dụng tên lửa mang nhiều đầu đạn độc lập (MIRV). Các đầu đạn này lao xuống mục tiêu theo phương gần như thẳng đứng, khác với các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo thông thường.
Quân đội Mỹ có khả năng đánh chặn tên lửa tương tự khi nó bay ở khoảng không vũ trụ. Nhưng một khi tên lửa đã tách đầu đạn và tái nhập khí quyển thì không có cách nào ngăn chặn.
Tom Karako, giám đốc dự án phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, cũng đưa ra nhận định tương tự. “Đánh chặn tên lửa chiến lược của Nga là điều rất khó khăn nếu không muốn nói là gần như không thể”, ông Karako nói.
“Nga đã gửi tín hiệu cảnh báo nghiêm trọng tới Ukraine và phương Tây. Đây là tín hiệu cảnh báo rất sắc bén”, ông Karako nói.
Roman Kostenko, Chủ tịch ủy ban Quốc phòng và Tình báo thuộc Quốc hội Ukraine, thừa nhận Kiev không có cách nào đối phó hay ngăn chặn loại vũ khí mới của Nga. “Chúng tôi không có cách nào có thể ngăn chặn loại vũ khí này’, ông Kostenko nói.
Theo Lầu Năm Góc, tên lửa Oreshnik được Nga phát triển từ nguyên mẫu RS-26 Rubezh. RS-26 là tên lửa tạo ra mối đe dọa chiến lược đối với châu Âu vì khả năng tấn công các mục tiêu của NATO ở Tây Âu. Thời gian để loại tên lửa này bay tới Tây Âu là hơn 10 phút, gần như không thể kịp đánh chặn. “Vũ khí kiểu như vậy của Nga nhằm mục đích răn đe các nước Tây Âu trong việc hỗ trợ các nước giáp biên giới Nga, trong trường hợp này là Ukraine, chuyên gia Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury có trụ sở tại California, Mỹ, nhận định.
Hiện chưa rõ Ukraine có tiếp tục sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga hay không vì có khả năng cao là Nga sẽ tiếp tục đáp trả mạnh mẽ.
Theo NYT, Ukranie hiện vẫn chưa công bố thiệt hại sau vụ tập kích của Nga. Một số cư dân địa phương xác nhận cơ sở chế tạo vũ khí Yuzhmash đã bị đánh trúng. Toàn bộ khu vực nhà máy đã bị phong tỏa nghiêm ngặt. Mọi hình ảnh về hư hại bên trong đều được coi là tuyệt mật.
Nguồn: [Link nguồn]
Ông Zelensky cho rằng đây là bước leo thang lớn về "quy mô và mức độ tàn khốc" của cuộc xung đột.