Nga lại ngừng bơm khí đốt, châu Âu hồi hộp chờ đến ngày 3/9?
Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom ngày 31/8 xác nhận đã ngừng cấp khí đốt cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1, khiến các nước phương Tây một lần nữa đặt câu hỏi rằng liệu khí đốt có được bơm trở lại hay không.
Một số nước châu Âu như Đức cáo buộc Nga sử dụng năng lượng làm "vũ khí".
Nord Stream 1 là đường ống chính cung cấp khí đốt cho châu Âu. Trong hơn một tháng qua, đường ống này chỉ hoạt động 20% công suất tối đa do trục trặc kỹ thuật, theo giải thích từ phía Nga, khiến nhiều nước châu Âu chật vật tìm cách tích trữ khí đốt cho mùa đông.
Theo thông báo từ Gazprom, việc bơm khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 đã ngừng hoàn toàn cho đến 1 giờ ngày 3/9 (giờ GMT).
Khác với 10 ngày bảo trì trước đây, hoạt động bảo trì lần này do chính Gazprom thực hiện chứ không phải công ty Nord Stream AG - đơn vị trực tiếp phụ trách đường ống.
Gazprom nói đợt bảo trì kéo dài 3 ngày lần này là cần thiết để kiểm tra và bảo dưỡng tuabin nén khí duy nhất còn lại của đường ống.
Các nước châu Âu lo ngại Moscow có thể kéo dài thời gian ngừng bơm khí đốt, cáo buộc Nga "vũ khí hóa năng lượng". Moscow đã bác bỏ cáo buộc này.
Những hạn chế với nguồn cung khí đốt khiến châu Âu càng chìm sâu vào khủng hoảng. Giá khí đốt bán buôn ở châu Âu hiện đã tăng 400% so với mức giá của tháng 8/2021, tạo ra một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, buộc các nước phải chi hàng tỷ đồng để giảm bớt gánh nặng.
Ở Đức, tỉ lệ lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong gần 50 năm qua, trong khi mức chi tiêu của người tiêu dùng Đức dự kiến sẽ đạt mức thấp kỷ lục mới trong tháng thứ 3 liên tiếp, khi các hộ gia đình sẽ phải trả hóa đơn năng lượng cao hơn.
Ngay cả khi Nord Stream 1 mở lại vào ngày 3/9 như cam kết, rất ít các chuyên gia phương Tây lạc quan rằng châu Âu có thể nhận đủ lượng khí đốt của Nga vào năm sau.
Gazprom cũng tuyên bố sẽ giảm nguồn cung khí đốt cho tập đoàn năng lượng Engie của Pháp vì tranh cãi về hợp đồng, từ mức 17% tổng nguồn cung hàng năm cho công ty xuống còn dưới 4%.
Klaus Mueller, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Năng lượng Đức, nói đường ống Nord Stream hoạt động trở lại theo kế hoạch vào ngày 3/9 sẽ giúp Đức đảm bảo an ninh nguồn cung, nhưng không ai biết rõ hậu quả sẽ lớn như thế nào nếu sau thời hạn này mà không có khí đốt được bơm qua đường ống.
Ông Mueller nói Đức đang tích trữ khí đốt vượt kế hoạch nhưng vẫn chưa đủ để có thể vượt qua mùa đông năm nay. Do đó, Đức vẫn phải chờ đợi Nga tiếp tục bơm khí đốt.
Helen Thompson, giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Cambridge, cho biết cú sốc năng lượng đã cho thấy châu Âu phụ thuộc vào năng lượng Nga nhiều như thế nào trong những thập kỷ qua.
"Những khó khăn này không phải bây giờ mới xuất hiện, mà là do phương Tây vẫn loay hoay không tìm được nguồn cung cấp năng lượng khác ngoài Nga", bà Thompson nói.
Các nhà phân tích tại Goldman Sachs tin rằng Nga sẽ không ngừng hoàn toàn việc bơm khí đốt cho châu Âu.
"Ngừng cấp khí đốt hoàn toàn khiến Nga mất yếu tố bất ngờ trong việc đối phó với châu Âu bằng quân bài năng lượng. Nga có thể ngắt đường ống trong vài ngày, rồi lại mở trong 1 khoảng thời gian và cứ ngắt mở như vậy liên tục để tạo sự sự biến động thị trường và gia tăng áp lực chính trị với châu Âu", các nhà phân tích nhận định, theo Reuters.
Nguồn: [Link nguồn]
Giá năng lượng toàn cầu tăng vọt hoàn toàn có lợi cho Moscow, các nhà phân tích nhận định.