Nga dễ dàng kiểm soát Kherson, chuyện gì đã xảy ra?
Trong khi quân đội Ukraine tuyên bố phản công Nga ở Kherson, nhiều người dân ở thành phố này nói họ từng bị giới chức Kiev “bỏ rơi”.
Thị trấn Chonhar trên bản đồ (ảnh: CNN)
Theo Aljazeera, sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, Ukraine đã đóng cửa tất cả các tuyến đường sắt kết nối với bán đảo. Cầu Chonhar ở thị trấn Chonhar (thuộc Kherson) trở thành tuyến đường lớn nhất cho hàng nghìn người và ô tô di chuyển mỗi ngày từ Crimea đến Kherson.
Chonhar – cây cầu được gọi là “cửa sau Crimea” – cùng một số cây cầu khác băng qua eo Perekop (eo đất hẹp nối Crimea với lục địa Ukriane) bị quân đội Ukraine đặt thuốc nổ (thời điểm đặt thuốc nổ cụ thể không được tiết lộ). Các binh sĩ đã nhận lệnh phá sập cây cầu trong trường hợp Nga tấn công Kherson từ Crimea. Nhưng đã không có điều gì xảy ra với những cây cầu.
Sáng ngày 24/2 (giờ địa phương), quân đội Nga từ Crimea tràn vào Kherson. Hàng chục nghìn binh sĩ, hàng trăm xe tăng, xe bọc thép Nga nhanh chóng kiểm soát tất cả vị trí quan trọng của Kherson, quân đội Ukraine chống cự yếu ớt và rút lui hoặc đầu hàng.
“Nếu họ cho nổ cầu Chonhar thì đã không có chuyện gì xảy ra”, Olena – cư dân Kherson – nói với Aljazeera.
Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, lực lượng ở Kherson phải đối mặt với quân đội Nga đông hơn họ “15 lần”. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Ukraine không giải thích vì sao cầu Chonhar không bị đánh sập dù điều này đã được lên kế hoạch từ trước.
Binh sĩ Nga ở Kherson (ảnh: Aljazeera)
Kherson thuộc vùng châu thổ sông Dnipro – con sông dài thứ 4 châu Âu. Với những nhánh sông và kênh tưới tiêu chằng chịt, địa hình ở vùng này không dễ di chuyển. Hệ thống giao thông ở Kherson bao gồm rất nhiều cây cầu, trong đó Antonovsky là cây cầu quan trọng hàng đầu khi kết nối Kherson với các khu vực xung quanh.
Khi quân đội Ukraine rút lui, cầu Antonovsky không bị phá hủy. Điều này giúp quân đội Nga nhanh chóng tỏa ra các thành phố lân cận ở miền nam Ukraine. Việc Nga duy trì lực lượng rất lớn ở Crimea dường như cũng không được giới chức quân sự Kherson báo cáo đầy đủ cho Kiev.
“Tôi nghĩ chắc chắn rằng họ sẽ phá hủy những cây cầu quan trọng, nhưng than ôi…”, một người dân ở Kherson trả lời Aljazeera với điều kiện giấu tên.
Theo Aljazeera, Nga chỉ mất 1 tuần để kiểm soát hoàn toàn Kherson – tỉnh có dân số khoảng 300.000 người. Kherson trở thành đô thị lớn nhất Nga kiểm soát được ở Ukraine vào đầu tháng 3 (ngày 2/3).
Trước đó, Kiev rõ ràng có thể lường trước việc Kherson sẽ trở thành một trong những mục tiêu đầu tiên bị tấn công, nếu Nga mở chiến dịch quân sự.
Ngay sau khi Kherson bị Nga kiểm soát, Tổng thống Ukraine Zelensky đã kết tội phản quốc đối với Serhiy Kryvoruchko – lãnh đạo Cơ quan An ninh (SBU) ở Kherson – cùng trợ lý Ihor Sadokhin.
2 quan chức này bị cáo buộc tạo điều kiện cho Nga dễ dàng tiến vào Kherson, khiến tỉnh này thất thủ chóng vánh.
“Họ đầu hàng ngay trong những ngày đầu tiên”, Halyna – cư dân ở Kherson – nói về lực lượng Ukraine ở tỉnh này.
Kherson – tỉnh có vị trí chiến lược ở miền nam Ukriane (ảnh: CNN)
Ihor Romanenko, cựu Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, cho rằng, cần có cuộc điều tra chi tiết về nguyên nhân khiến binh sĩ ở Kherson không phá hủy những cây cầu quan trọng hồi đầu tháng 3.
“Không nghi ngờ gì nữa, mọi sự chuẩn bị đã đổ bể. Một số người phải chịu trách nhiệm. Sẽ phải có những phiên tòa xét xử công khai”, ông Romanenko nói.
Sau khi Nga kiểm soát Kherson và chính quyền mới thân Moscow được thành lập, kịch bản Kiev giành lại được khu vực chiến lược này được cho là khó xảy ra, theo Aljazeera.
“Bằng một số vũ khí tầm xa được viện trợ, quân đội Ukraine đã có thể tấn công mục tiêu Nga ở Khersson, nhưng tôi không nghĩ họ có thể tái kiểm soát tỉnh này. Để tái kiểm soát Kherson, quân chủ lực Ukraine cần vượt sông Dnipro và giao tranh trong thành phố. Họ cần rất nhiều điều kiện, không chỉ là pháo hay tên lửa”, Gartzonikas – cựu chỉ huy một sư đoàn thiết giáp của quân đội Hy Lạp – nhận định.
Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, ông vừa có chỉ đạo để các bí mật quân sự của quân đội Ukraine không bị tiết lộ ra ngoài.
Nguồn: [Link nguồn]