Nga kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ không tấn công vào phía bắc Syria
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga đã giải thích rõ lý do Moscow kêu gọi Ankara không mở chiến dịch quân sự vào Syria.
Nga kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ không tấn công vào phía bắc Syria sau khi ông Erdogan lặp lại đe dọa mở chiến dịch quân sự nhằm vào nhóm người Kurd mà Ankara coi là khủng bố ở khu vực này. Ảnh minh họa: LPE
Theo trang Al Jazeera, Nga mới đây kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ không tấn công vào khu vực phía bắc Syria sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan lặp lại đe dọa mở chiến dịch quân sự nhắm vào nhóm người Kurd mà Ankara coi là "khủng bố" ở khu vực này.
"Chúng tôi hy vọng Ankara sẽ kiềm chế các hành động có thể gây nguy hiểm và làm xấu thêm tình hình vốn đã khó khăn ở Syria", Maria Zakharova, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, tuyên bố hôm 2/6.
"Một động thái tấn công như vậy mà không được sự cho phép của chính phủ Syria sẽ là vi phạm trực tiếp chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria và có thể khiến căng thẳng leo thang", bà Zakharova nói thêm.
"Chúng tôi hiểu mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về các mối đe dọa với an ninh quốc gia, xuất phát từ khu vực biên giới với Syria, nhưng vấn đề chỉ được giải quyết nếu quân đội Syria được triển khai tới khu vực này", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cho hay.
Theo các điều khoản thỏa thuận năm 2019, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý đảm bảo an toàn cho các tay súng người Kurd rút khỏi các khu vực ở Syria, giáp với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Các lực lượng của Moscow và Ankara sẽ có các cuộc tuần tra chung tại các khu vực này.
Hôm 1/6, ông Erdogan lặp lại đề xuất mở một cuộc tấn công vào phía bắc Syria.
"Chúng tôi đang thực hiện một bước nữa nhằm thiết lập một khu vực an ninh dài 30 km dọc biên giới phía nam. Chúng tôi cũng sẽ khôi phục trật tự ở Tal Rifat và Manbij", ông Erdogan nhắc đến 2 thành phố ở phía bắc Syria.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ còn cho biết, Ankara sau đó sẽ tiến hành "từng bước" ở các khu vực khác.
Suốt 1 tuần nay, ông Erdogan liên tục đe dọa mở chiến dịch quân sự chống lại các tay súng của đảng Công nhân người Kurd (PKK). Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhắm vào YPG - một nhóm gồm người Kurd và người Syria mà Ankara coi là một phần của PKK.
Từ năm 1984, PKK đã thực hiện một cuộc nổi dậy vũ trang chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Al Jazeera, hàng nghìn người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột giữa đôi bên. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ còn cáo buộc YPG tấn công các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.
Nguồn: [Link nguồn]
Từ nay, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được gọi bằng tên mới "Türkiye" trong hội trường của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức khác.