Nga hứng lũ lụt lịch sử, thiệt hại gần nửa tỉ USD
Lũ lụt kỷ lục nhấn chìm khu vực biên giới Nga và Kazakhstan trong hơn một tuần qua, khiến giới chức hai nước phải ra lệnh sơ tán hàng trăm nghìn người.
Vào tối 5-4 mực nước sông Ural dâng cao nhanh chóng chỉ trong vài giờ đồng hồ, gây vỡ đê chắn sông Ural và nhấn chìm TP Orsk (thuộc vùng Orenburg, Nga). Mực nước dâng cao chỉ trong vài giờ, làm ngập nhiều khu dân cư ở phía nam dãy núi Ural, Siberia, Kurgan của Nga và các khu vực của Kazakhstan gần các con sông Ural và Tobol.
Chính quyền Nga và Kazakhstan đã ban bố tình trạng khẩn cấp khi mực nước sông Ural đạt đỉnh điểm 10,87 m. Tính đến ngày 11-4, gần 12.000 ngôi nhà nằm ở biên giới hai nước này đã bị “nuốt chửng” hoàn toàn khi lưu lượng nước sông Ural vẫn tiếp tục tăng, đe dọa đến cuộc sống của người dân.
Khu dân cư bị ngập lụt ở Orenburg (Nga) hôm 12-4. Ảnh: REUTERS
Đến ngày 12-4, chính quyền Orenburg - khu vực cách thủ đô Moscow 1.200 km về phía đông, ra lệnh sơ tán khẩn cấp hàng nghìn người dân, trong khi giới chức Kazakhstan cho biết đã sơ tán hơn 100.000 người khỏi khu vực nguy hiểm, theo Reuters.
Tổng thống Kazakhstan - ông Kassym-Jomart Tokayev cho biết đây là trận thiên tai lớn nhất trong suốt 80 năm trở lại đây, theo hãng tin Reuters. Thống đốc vùng Orenburg cho biết đây là trận lũ tồi tệ nhất chưa có tiền lệ trong lịch sử khu vực.
Tính đến ngày 12-4, thiệt hại do trận lũ tại Nga ước tính lên tới 428 triệu USD. Nền kinh tế của Nga nói chung bị ảnh hưởng trầm trọng sau thảm họa trên khi Nga là nơi xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới.
Bên cạnh đó, nhà máy lọc dầu TP Orsk có công suất khoảng 6 triệu tấn dầu mỗi năm đã tạm dừng hoạt động, theo Reuters.
Nguyên nhân do đâu?
Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga giải thích rằng lý do xảy ra lũ lớn là do đất bị úng nước, đóng băng vào mùa đông và sau đó tan nhanh, tạo nên lũ lụt khi xuân đến. Năm nay, sự xuất hiện của đợt nắng nóng kéo dài đã khiến băng tan nhanh hơn bình thường, theo tờ New York Times.
Một báo cáo của Cơ quan giám sát Khí tượng và Môi trường Nga vào năm 2022 cảnh báo rằng khu vực Orenburg có nguy cơ hứng chịu nhiều trận lũ lụt lớn do vị trí nằm tại vùng Volga, vốn là nơi có địa hình tương đối thấp, theo tờ The Moscow Times.
Bên cạnh đó, theo một chuyên gia khí tượng Nga, thảm họa ở Orsk được xem là ví dụ điển hình cho biến đổi khí hậu toàn cầu, gây ra điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Trong nghiên cứu của Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ vào năm 2009, nhiệt độ nóng lên khiến sông băng tan nhanh, có thể gây nên tác động tới Nga trong thời gian dài.
Tuy nhiên, vẫn chưa có kết luận chính xác nào cho thấy biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng tới tình hình lũ lụt ở Nga bởi vì lũ mùa xuân vẫn là một hiện tượng theo mùa xảy ra hàng năm tại đất nước này, theo Reuters.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Vài tiếng trước khi vụ vỡ đê xảy ra vào tối 5-4, hai vết nứt trên thân đê chắn sông Ural đã được phát hiện. Ngay sau đó, lệnh sơ tán đã được ban hành ở khu vực biên giới Nga và Kazakhstan. Tuy nhiên, nước sông lên nhanh đã gây ra những hậu quả nặng nề.
Cộng thêm ảnh hưởng của mực nước dâng, đê chắn sông không thể chứa nổi lượng nước khổng lồ, dẫn đến xảy ra thảm họa vỡ đê.
Một nhân chứng kể lại với The Moscow Times rằng mực nước dâng lên từ mắt cá chân lên tới eo chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Cho đến sáng 6-4, nhiều quận tại Orsk bị “nuốt chửng”. Một ngày sau, mực nước tại nơi này đạt kỉ lục 9,7 m, trong khi đê có thể chịu được tối đa 5,5 m.
Người dân chèo thuyền bơm hơi qua khu dân cư bị ngập lụt ở Orenburg (Nga) hôm 12-4. Ảnh: REUTERS
Trước tình trạng trên, Ủy ban điều tra vùng Orenburg đã mở cuộc điều tra hình sự sau khi đê bị vỡ. Các nhà chức trách Orenburg cho rằng nguyên nhân khiến đê vỡ là do việc bảo trì đê không đạt yêu cầu.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời công tố viên địa phương rằng con đê được hoàn thành vào năm 2010. Các cơ quan giám sát kỹ thuật nhiều lần báo cáo về những vi phạm bảo trì nhưng vẫn không có nhiều cải thiện.
Năm 2020, Cơ quan giám sát Môi trường, Công nghệ và Hạt nhân Nga (Rostekhnadzor) đã phát hiện 38 hành vi vi phạm bảo trì con đê, theo tờ The Washington Post.
Trước đó, năm 2014, Cơ quan giám sát Tài chính Nga mở cuộc điều tra về việc các nhà thầu xây dựng con đê đã chiếm dụng 1,3 triệu USD ngân sách nhà nước.
Chuyên gia Oleg Dyukarev nói với tờ Izvestia rằng: “Sau khi kiểm tra, tôi phát hiện có vi phạm về khối lượng công việc thực tế được thực hiện. Nói đơn giản, công việc chỉ hoàn thành trên giấy tờ, còn thực tế thì không”.
Trước thảm họa 2 ngày, con đê một lần nữa được kiểm tra và giới chức địa phương nói rằng không có bất cứ nguy cơ sụp đổ nào, mặc dù mực nước dâng ngày càng cao.
Người dân chèo thuyền qua khu vực bị ngập lụt ở Orenburg (Nga) hôm 12-4. Ảnh: REUTERS
Chính quyền địa phương ngay sau đó đã bồi thường 500 tới 1.000 USD cho mỗi hộ gia đình bị thiệt hại tài sản, tuy nhiên người dân địa phương đã phẫn nộ vì chi phí này còn quá ít so với căn nhà ngập lụt của họ.
Nga hợp tác Kazahkstan khắc phục lũ lụt Ông Vladimir Yakushev – đặc phái viên của Tổng thống Nga Putin tại khu vực liên bang Urals nói rằng Kazakhstan cần phải chịu trách nhiệm chung vì đã không phối hợp cùng Nga thoát nước hiệu quả, theo Reuters. Ngược lại, các quan chức Kazakhstan phản bác lại rằng phần lớn lượng nước đến từ Nga – nơi có nhiều con sông chảy qua biên giới chung giữa hai quốc gia. Người dân nước này còn nỗ lực làm xuyên đêm để gia cố đê điều. Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Kazakhstan - ông Tokayev đã điện đàm hôm 9-4 để trao đổi về việc đối phó với tình hình lũ lụt, kế hoạch sơ tán người dân và hỗ trợ người dân sau thảm họa thiên tai. Người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov cho biết thêm rằng xuyên suốt cuộc điện đàm hai lãnh đạo đã vạch ra kế hoạch để theo dõi tình hình và thực hiện các biện pháp để ứng phó với thiên tai. |
Nguồn: [Link nguồn]
Hơn 4.000 người ở tỉnh Orenburg (phía tây nam Nga) đã phải sơ tán khẩn cấp do lũ lụt.