Nga giải thích lý do không tin tưởng Tổng thống Ukraine Zelensky

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, Moscow đã không còn tin vào những cam kết của Tổng thống Ukraine Zelensky khi ông này từng nhiều lần “nói không giữ lời” trong quá khứ.

Mỹ viện trợ vũ khí tầm xa cho Ukraine gây lo ngại về việc căng thẳng ở Donbass sẽ ngày càng leo thang (ảnh: RT)

Mỹ viện trợ vũ khí tầm xa cho Ukraine gây lo ngại về việc căng thẳng ở Donbass sẽ ngày càng leo thang (ảnh: RT)

Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 1.6, ông Peskov cho biết, Moscow không tin Ukraine sẽ “nghe lời” Mỹ và không dùng những vũ khí tầm xa mà Washington cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.

“Để có sự tin tưởng, phải có những lần trước đó mà những lời hứa được thực hiện. Không may, Kiev hoàn toàn không làm được điều đó”, ông Peskov nói.

“Những hiểu biết của chúng tôi cho thấy, ông Zelensky đã không có lần nào giữ lời trong suốt sự nghiệp chính trị tương đối ngắn của mình”, ông Peskov bình luận.

“Khi tranh cử, ông Zelensky nói sẽ chấm dứt xung đột ở miền đông (Ukraine) một lần và mãi mãi. Điều này đã không được thực hiện. Thỏa thuận Minsk cũng không được thực thi và nó bị chìm vào quên lãng do lỗi của Ukraine. Vì thế, chúng tôi thực sự không còn chút niềm tin nào”, ông Peskov nói thêm.

Trước đó, hôm 31.5, Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố nước này sẽ cung cấp một số loại pháo tầm xa tiên tiến cho Ukraine. Nguồn tin từ Nhà Trắng tiết lộ với CNN rằng, đó là hệ thống pháo cơ động cao (HIMARS) M142 của Mỹ.

“Chúng ta cần nhanh chóng gửi một lượng đáng kể vũ khí và đạn dược cho Ukraine để họ có thể chiến đấu và giành vị thế mạnh nhất có thể trên bàn đàm phán. Đó là lý do vì sao chúng tôi quyết định cung cấp thêm cho Ukraine hệ thống pháo tiên tiến và đạn được”, ông Biden phát biểu.

Đạn pháo tiêu chuẩn của HIMARS có tầm bắn khoảng 80km. Tuy nhiên, loại vũ khí này cũng có thể sử dụng được cả đạn chiến thuật lục quân (ATACMS) tầm xa lên tới 300km. Trước đó, Moscow đã nhiều lần cảnh báo Mỹ có thể “vượt qua lằn ranh đỏ” nếu viện trợ cho Ukraine vũ khí có thể bắn vào một số thành phố trên đất Nga.

Một quan chức quốc phòng Mỹ (giấu tên) nói với Reuters rằng, Washington chỉ gửi HIMARS kèm đạn có tầm bắn khoảng 80km cho Ukraine.

Cùng ngày 31.5, Tổng thống Ukraine Zelensky khẳng định, lực lượng nước này không có kế hoạch tấn công vào lãnh thổ Nga.

“Tôi biết nhiều người ở Mỹ và ai đó trong Nhà Trắng nói rằng, chúng tôi có thể sử dụng HIMARS để tấn công lãnh thổ Nga. Nhưng chúng tôi không định làm điều đó”, ông Zelensky nói.

Hôm 1.6, Mỹ công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 700 triệu USD cho Ukraine. Đây là một phần trong gói viện trợ lớn hơn, trị giá 40 tỷ USD mà Washington cam kết gửi cho Kiev. Mỹ khẳng định, nước này sẽ tiếp tục “dẫn đầu thế giới” trong viện trợ vũ khí cho Ukraine nhằm đối phó Nga.

Báo Nga nêu 3 câu hỏi lớn với Ukraine

Xung đột Nga – Ukraine đã bước sang tháng thứ 4 với những cuộc giao tranh khốc liệt ở phía bắc, phía nam và phía đông Ukraine, nhưng chiến trường quyết định nhất vẫn là Donbass.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – RT ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN