Nga - EU chẳng chịu nhường nhau
"Nhân tố bí ẩn" có thể làm phá sản đề xuất áp giá trần lên khí đốt Nga của Liên minh châu Âu chính là quốc gia thành viên của khối - Hungary
Trong ngày 9-9, Bộ trưởng Năng lượng thuộc các nước Liên minh châu Âu (EU) họp khẩn để bàn về biện pháp xử lý cuộc khủng hoảng đang trút "bão giá" lên các hộ gia đình và doanh nghiệp châu lục này.
Cuộc họp dự kiến bàn về 5 biện pháp mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đề xuất hôm 7-9, giữa thời điểm mà bà nhấn mạnh là "tình trạng thao túng giá trên thị trường khí đốt đã lây sang thị trường điện năng".
Các biện pháp mà bà Leyen đưa ra, theo các chuyên gia, là "đi dây" giữa can thiệp vào thị trường tự do và bảo đảm an ninh năng lượng.
Biện pháp thứ nhất - tiết kiệm điện - đề xuất thiết lập một "mục tiêu bắt buộc" đối với việc hạn chế sử dụng điện trong các giờ cao điểm - nhiều khả năng là giảm ít nhất 10%. Trước đó, các nước thành viên EU đã cam kết giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt trong mùa đông nhưng chỉ mới trên cơ sở tự nguyện.
SwissWinds, trang trại điện gió cao nhất của châu Âu (ở độ cao 2.500 m), ở Gries - Thụy Sĩ Ảnh: REUTERS
Biện pháp thứ hai, theo trang Euronews, là áp giá trần đối với phần doanh thu tăng thêm của những công ty sản xuất điện bằng năng lượng tái tạo, hạt nhân và than (tức không dùng khí đốt), bởi những công ty này hiện có chi phí sản xuất thấp hơn nhiều.
Ảnh hưởng bởi căng thẳng gia tăng giữa Nga và EU, giá dầu thế giới đã nhích lên hôm 8-9, một ngày sau khi rớt xuống mốc thấp nhất trong 7 tháng qua do dữ liệu không khả quan về thương mại Trung Quốc. Theo trang Livemint, giá dầu Brent giao tháng 11 có thời điểm tăng 0,9% so với phiên trước, lên mức 88,79 USD/thùng, còn giá dầu WTI giao tháng 10 tăng 0,98%, lên 82,74 USD/thùng.
Với biện pháp thứ ba, các công ty đã đạt lợi nhuận cực cao trong những tháng gần đây nhờ giá dầu và giá khí đốt leo thang sẽ phải trả một "khoản đóng góp đoàn kết" - cụm từ mà bà Ursula von der Leyen dùng thay cho "thuế lợi nhuận tăng thêm", theo đài DW. Biện pháp thứ tư nhằm ổn định thị trường điện bằng cách hỗ trợ tài chính cho các nhà cung cấp điện.
Gây tranh cãi nhất là biện pháp thứ năm: Áp giá trần đối với khí đốt Nga để ngăn nước này thu thêm lợi nhuận. Theo bà Ursula von der Leyen, trong nhiều tháng qua, Tập đoàn Gazprom của Nga đã giảm dần lượng khí đốt đến châu Âu và vào tuần trước đã khóa đường ống Nord Stream 1 mà chưa hẹn ngày mở lại. Hệ quả là khí đốt Nga hiện chỉ còn chiếm 9% tổng lượng nhập khẩu khí đốt của EU, so với mức 40% của một năm trước.
Ngay trước khi EC công bố biện pháp này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đích thân đe dọa dừng toàn bộ hợp đồng năng lượng hiện hữu nếu đối phương thực hiện bước đi như vậy.
Kênh CNBC dẫn lời ông chủ Điện Kremlin ở Diễn đàn Kinh tế miền Đông tại Vladivostok hôm 7-9: "Chúng tôi sẽ không cung cấp khí đốt, dầu, than, dầu sưởi ấm… Chúng tôi sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì nếu việc này đi ngược lại lợi ích của chúng tôi".
"Chúng tôi chỉ cần làm một việc duy nhất, như trong câu chuyện dân gian Nga, là khiến cho đuôi sói bị đóng băng" - Tổng thống Nga nói. Tờ báo Nga Pravda giải thích ẩn ý của ông Putin bằng cách kể lại câu chuyện một con cáo lừa sói thả đuôi xuống một cái lỗ trên sông băng để câu cá. Kết quả là con sói bị dân làng đánh nhừ tử, dù nó thoát được nhưng cái đuôi phải nằm lại giữa sông băng.
Trong khi đó, nữ chủ tịch EC trấn an bằng cách cho biết 13 nước thành viên EU hiện không còn nhận khí đốt từ Nga và Na Uy đã thay Nga trở thành nước cung cấp khí đốt hàng đầu cho toàn khối.
"Nhân tố bí ẩn" có thể làm phá sản đề xuất áp giá trần lên khí đốt Nga chính là Hungary. Tuần trước, Hungary thông báo hợp đồng mới với Gazprom nhằm mua thêm 5,8 triệu m3 khí đốt mỗi ngày. Nhờ đó, theo DW, giá điện của Hungary đã giảm so với năm ngoái trong khi giá điện tại các nước Baltic tăng gấp 4 lần.
Thêm dấu hiệu suy thoái toàn cầu Dữ liệu mới nhất từ tổ chức tài chính S&P Global Market Intelligence (Mỹ) đã cho thấy một dấu hiệu khác của suy thoái kinh tế toàn cầu, giữa lúc nhu cầu tiêu dùng giảm, chi phí sinh hoạt và lạm phát tăng. Theo nhóm nghiên cứu, giá cước vận tải biển tiếp tục giảm do khối lượng giao dịch thương mại toàn cầu chậm lại khi nhu cầu về hàng hóa giảm. S&P Global Market Intelligence hôm 7-9 cho biết: "Mức độ tắc nghẽn tại các cảng giảm nhiều trong khi lượng hàng đến cũng giảm. Đây là những lý do chính khiến giá cước giảm đáng kể". Chi phí vận chuyển container và tàu chở hàng rời đã giảm trong 3 tháng qua. Các mô hình dự báo của S&P Global Market Intelligence chỉ ra giá cước vận tải biển dự kiến giảm khoảng 20%-30% trong năm nay trước khi phục hồi nhẹ vào năm 2024. Công ty của Mỹ cũng dự báo bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách "Zero Covid-19" của Trung Quốc hoặc Nga - Ukraine đạt thỏa thuận ngừng bắn đều có thể giúp giá cước vận tải biển tăng trở lại. Trong khi đó, nông dân ở châu Âu đang giảm sản lượng trong mùa đông này do giá năng lượng cao, tạo thêm sức ép lên nguồn cung cấp lương thực toàn cầu vốn đang rơi vào khủng hoảng. Châu Âu hiện đối mặt với rủi ro thiếu hụt năng lượng vào mùa đông khi Nga đã thông báo ngưng hoạt động đường ống dẫn khí đốt quan trọng đến lục địa già, đẩy giá năng lượng tăng mạnh và kéo theo chi phí sản xuất lương thực. Theo Business Insider, nhà sản xuất cà chua hàng đầu của Thụy Điển Nordic Greens Trelleborg cho biết họ không trồng vụ đông năm nay vì sẽ lỗ với giá điện cao như hiện tại. Đây là lần đầu tiên Nordic Greens Trelleborg ngừng sản xuất. Tương tự, một số nhà kính trồng thực phẩm ở Hà Lan sẽ dừng hoặc giảm quy mô sản xuất trong mùa đông, theo Reuters hôm 7-9. Hà Lan là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, vì vậy việc giảm sản lượng nông sản sẽ ảnh hưởng đến các lô hàng xuất khẩu. Theo Ủy ban châu Âu, giá bơ và sữa bột cũng bị đẩy lên cao, lần lượt tăng 80% và 55% vào cuối tháng 8 so với cùng kỳ năm trước. Xuân Mai |
Bà Ursula von der Leyen – Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) – tuyên bố, để giảm áp lực kinh tế trong bối cảnh giá khí đốt tăng vọt, EU sẽ áp giá trần đối với khí đốt xuất...
Nguồn: [Link nguồn]