Nga dùng vũ khí gì phá hủy vệ tinh, tạo ra 1.500 mảnh vỡ khiến Mỹ “đứng ngồi không yên”?
Rạng sáng ngày 15.11 (giờ địa phương), Nga bắn thẳng một tên lửa vào vũ trụ, phá hủy một vệ tinh bay trong quỹ đạo tầm thấp, tạo ra vô số mảnh vỡ đe dọa tính mạng của các phi hành gia làm việc tại trạm vũ trụ.
Nga bắn thẳng tên lửa vào vệ tinh, tạo ra 1.500 mảnh vỡ. Ảnh minh họa.
Ngay trong ngày 15.11, Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng cáo buộc Nga bắn thẳng tên lửa vào vũ trụ, phá hủy vệ tinh trên quỹ đạo và tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ đủ lớn để theo dõi được, chưa kể vô số những mảnh vỡ nhỏ.
Nhóm phi hành gia trên trạm vũ trụ quốc tế (ISS), bao gồm phi hành gia Mỹ, đã phải sơ tán vào một module do một số mảnh vỡ bay cắt ngang quỹ đạo của trạm. Các mảnh vỡ cũng đe dọa phi hành gia Trung Quốc ở trạm Thiên Cung.
“Hành động nguy hiểm và vô trách nhiệm của Nga gây nguy hại cho sự bền vững lâu dài của không gian vũ trụ và thể hiện rõ tính giả tạo của Nga trong các tuyên bố về phản đối vũ khí hóa vũ trụ. Mỹ sẽ hợp tác với các đồng minh và đối tác để đáp trả hành vi vô trách nhiệm này”, ông Price nhấn mạnh.
Giám đốc NASA, Bill Nelson chỉ trích việc Nga phá hủy vệ tinh là hành động "đáng phẫn nộ" và "vô lương tâm".
Theo Popular Science, vệ tinh bị phá hủy là Kosmos-1408, được Liên Xô phóng vào vũ trụ năm 1982. Đây là vệ tinh có nhiệm vụ thu thập tín hiệu radio trên Trái đất, được xếp vào loại vệ tinh do thám, có thể sử dụng cho mục đích quân sự. Với khối lượng lên tới 2 tấn, Kosmos-1408 bị phá hủy tạo ra đám mây mảnh vỡ khổng lồ.
Đây là lần đầu tiên Nga phóng tên lửa bắn hạ một vệ tình trên quỹ đạo.
Nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho biết, Nga đã sử dụng hệ thống tên lửa chống vệ tinh (ASAT) để phá hủy vật thể bay trên quỹ đạo.
Nga hiện đang thử nghiệm hệ thống ASAT mang tên A-235 PL-19 Nudol, thay thế cho các hệ thống A-135 đã lỗi thời.
Hệ thống này được thiết kế để chuyên bảo vệ thủ đô Moscow khỏi đòn tấn công hạt nhân bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa, nay có thêm khả năng bắn hạ vệ tinh trên quỹ đạo.
Nga từng 10 lần phóng thử tên lửa diệt vệ tinh, nhưng đây là lần đầu tiên quân đội nước này bắn hạ một vệ tinh thực sự.
Hệ thống A-235 được trang bị tên lửa uy lực, được cho là có khả năng bắn hạ các vật thể trong vũ trụ với độ cao tối đa 800km.
Các vệ tinh quay quanh quỹ đạo, bao gồm trạm vũ trụ ISS, hiện quay quanh Trái đất ở độ cao hơn 400km so với mặt đất, nghĩa là nằm trong tầm bắn của tên lửa Nga.
Một khi được khai hỏa, tên lửa đạt tốc độ hơn 20.000 km/giờ, được tính toán để nhắm tới vệ tinh trong vũ trụ theo đường thẳng.
Phản ứng trước những chỉ trích của Mỹ, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định vụ bắn hạ vệ tinh không đe dọa đến trạm vũ trụ ISS cũng như các vệ tinh lân cận.
“Vụ phóng tên lửa diệt vệ tinh thành công tốt đẹp. Các mảnh vỡ không đe dọa hoạt động trong vũ trụ”, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết.
Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ hôm 15-11 cho biết Nga thực hiện thử nghiệm phá hủy một trong các vệ tinh của nước này bằng...
Nguồn: [Link nguồn]