Nga đưa S-400 cùng hàng trăm binh sĩ tới trấn giữ Bắc Cực
Nga dự kiến triển khai hàng trăm binh sĩ cùng hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân S-400 tới 6 căn cứ quân sự mới của nước này tại Bắc Cực, hãng thông tấn nhà nước Itar-Tass đưa tin.
Binh sĩ Nga. Ảnh: DW.
Từ năm 2014, Nga đã công bố kế hoạch luân chuyển các lực lượng vũ trang tới các vùng lãnh thổ ở cực Bắc xa xôi của nước này. Kể từ đó, Nga liên tục mở các cuộc tập trận quy mô xung quanh Bắc Cực đồng thời tiến hành xây dựng hàng loạt căn cứ quân sự mới tại đây.
Ngày 8.12, hãng thông tấn nhà nước của Nga Itar-Tass dẫn nguồn tin từ Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang nước này cho biết, việc xây dựng các căn cứ quân sự mới của Nga ở Bắc Cực sẽ được hoàn tất vào đầu năm tới, 2016.
Các căn cứ này nằm trên các đảo Kotelny, Alexandra, Cape Schmidt, Wrangel, bán đảo Sredniy và làng Rogachevo.
Ngoài ra, nguồn tin còn cho biết thêm rằng, từ nay đến năm 2018, Nga sẽ đẩy mạnh việc trang bị và củng cố các căn cứ mới ở Bắc Cực nhằm tạo ra một lực lượng quân sự di động tự túc tại khu vực này.
Theo đó, hàng trăm binh sĩ Nga sẽ được điều tới 6 căn cứ mới. Đặc biệt, 2 trung đoàn tên lửa phòng không tối tân S-400 Triumph của Nga đã được triển khai tại Bắc Cực.
Hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tối tân S-400 của Nga. Ảnh RT.
Cụ thể, theo Itar-tass, hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tối tân S-400 được triển khai tại quần đảo Novaya Zemlya và thành phố Tiksi, Cộng hòa Yakutia ở Bắc Bắc Dương.
“Hai trung đoàn tên lửa S-400 đã được kích hoạt và triển khai tới quần đảo Novaya Zemlya và thành phố Tiksi, Cộng hòa Yakutia thuộc Nga trong năm nay, trong khuôn khổ chương trình củng cố lực lượng Bắc Cực được thành lập năm 2014 và chương trình của Hạm đội Phương Bắc", Itar-tass dẫn nguồn tin từ Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga.
Theo nguồn tin trên, các khẩu đội tên lửa/súng phòng không Pantsir-S cũng được triển khai cùng với 2 trung đoàn tên lửa S-400 nhằm hỗ trợ năng lực phòng thủ tầm ngắn.
Ngoài ra, Nga còn điều động một tiểu đoàn tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion (NATO gọi là SSC-5) tới Novaya Zemlya để chống đỡ các cuộc tấn công tiềm năng từ biển vào đất liền.