Nga đưa ra điều kiện quay lại hiệp ước hạt nhân New START với Mỹ
Hãng thông tấn Nga (TASS) dẫn lời ông Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov ngày 15/6 cho biết, Moscow hiện vẫn giữ quyết định đình chỉ hiệp ước New START. Hai bên đã tổ chức một vài cuộc thảo luận về vấn đề này trong những tháng gần đây, nhưng không đạt bất kỳ tiến triển rõ rệt nào.
“Trong quá trình đối thoại, các bên đã tái khẳng định quan điểm không tương thích và đối lập của mình”, ông Ryabkov nói, đồng thời khẳng định lập trường của Nga đối với New START vẫn không thay đổi và việc nối lại thỏa thuận này chỉ có thể thực hiện được nếu Mỹ thay đổi thái độ một cách quyết liệt.
“Nga vẫn đình chỉ New START. Bất kỳ sự đảo ngược nào đối với quyết định này chỉ có thể chấp nhận được nếu Mỹ sẵn sàng từ bỏ đường lối thù địch cơ bản đối với Nga”, ông Ryabkov nói thêm.
Các tổ hợp tên lửa Nga trong cuộc duyệt binh tại Moscow. Ảnh: Reuters
Vị quan chức cũng cho biết, trong các cuộc đàm phán về New START, phía Mỹ cũng khẳng định sẵn sàng duy trì “các giới hạn về số lượng” đối với các đầu đạn do hiệp ước áp đặt. Ngoài ra, hai bên vẫn cam kết thông báo cho nhau về các vụ phóng tên lửa đạn đạo chiến lược trên biển và trên đất liền.
Hiệp ước New START là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng giữa Nga và Mỹ, được ký kết vào năm 2010. Theo hiệp ước, hai quốc gia được yêu cầu giảm kho vũ khí hạt nhân xuống còn tổng cộng 700 tên lửa, 800 bệ phóng và 1.550 đầu đạn đã triển khai cùng một số cam kết thanh sát lẫn nhau.
Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến những hoạt động thanh tra bị gián đoạn. Cả Washington và Moscow đều đổ lỗi cho nhau vì đã không tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đó.
Tới tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẽ ngừng tham gia hiệp ước New START với Mỹ, song ông cam kết Nga vẫn sẽ tuân thủ các điều khoản trọng tâm trong hiệp ước.
Các chuyên gia cảnh báo một thế giới không có các cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân là một thế giới nguy hiểm và bất ổn hơn nhiều với những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra. Chính vì thế, các bên cần theo đuổi mọi nỗ lực để tránh được kết cục này, mà trên hết là xây dựng lòng tin để quay trở lại bàn đối thoại.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Nga hoan nghênh đề nghị tổ chức đàm phán hạt nhân từ Mỹ, nhưng mong muốn các đề xuất “cụ thể hơn”.
Nguồn: [Link nguồn]