Nga dồn lực cho "bom hạt nhân tương lai" như thế nào?

Năm 2023, ông Putin so sánh việc phát triển trí tuệ nhân tạo giống như việc phát minh ra bom hạt nhân - một sự kiện thay đổi căn bản tiến trình lịch sử.

Một robot hình người do Nga phát triển. Ảnh: Independent

Một robot hình người do Nga phát triển. Ảnh: Independent

Động lực đằng sau sự quan tâm của Nga với AI

Theo Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), có nhiều động lực thúc đẩy giới lãnh đạo quân sự và chính trị Nga tập trung vào trí tuệ nhân tạo (AI), dù Moscow đang có xung đột với Kiev. AI được coi là nguồn lực cho cả quá trình hiện đại hóa quân sự nhanh chóng và cũng có thể là lỗ hổng mà đối phương có thể khai thác.

Khi phát động chương trình cải cách quân sự quy mô lớn vào năm 2008, giới chức Nga cho rằng sẽ mất quá nhiều thời gian để bắt kịp phương Tây về mặt quân sự nếu làm theo cách thông thường. AI và các chương trình công nghệ đột phá mới nổi (EDTs) dường như mở ra con đường có khả năng thu hẹp khoảng cách đó.

Giới chức Nga cũng cho rằng các xu hướng như sự phát triển của các hệ thống vũ khí tự động có AI hỗ trợ cũng như sự kết hợp giữa con người và máy học (machine learning), giữa mạng và AI, cùng các khái niệm và cơ cấu lực lượng mới sẽ làm thay đổi quỹ đạo và tính chất chiến tranh trong tương lai.

Các xu hướng trên dường như có khả năng làm suy yếu các "trụ cột" cơ bản của an ninh quốc tế như răn đe, kiểm soát vũ khí và cân bằng chiến lược. Vì vậy, việc giành được hay mất vị thế trong cuộc cạnh tranh về công nghệ quân sự tiên tiến dường như có tác động đến việc phân bổ quyền lực và tầm ảnh hưởng của Nga.

Năm 2023, ông Putin đã so sánh việc phát triển AI giống như việc phát minh ra bom hạt nhân - một sự kiện thay đổi căn bản tiến trình lịch sử. Điều đó cho thấy, giới lãnh đạo Nga rất chú trọng phát triển AI. 

Giới lãnh đạo Nga cũng dự đoán, đổi mới quốc phòng, đặc biệt là AI, sẽ tạo ra công nghệ lưỡng dụng (phục vụ cả mục đích dân sự và quân sự), vừa có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Nga, vừa có thể tạo ra các công nghệ mà phương Tây ngừng cung cấp cho Moscow. Điều này vô cùng quan trọng trong bối cảnh Nga bị phương Tây trừng phạt nặng nề liên quan đến xung đột ở Ukraine.

Theo Vasilii Yelistratov, người đứng đầu Bộ phận AI thuộc Bộ Quốc phòng Nga, việc chuyển giao quân sự - dân sự diễn ra theo cả 2 chiều. Tương tự như vậy, German Gref, giám đốc điều hành của ngân hàng nhà nước lớn nhất tại Nga Sberbank và một người giữ vai trò chủ chốt trong việc phát triển AI của Nga, tuyên bố, việc ứng dụng AI có thể làm tăng GDP của Nga thêm 1% vào năm 2025.

Ông Gref chỉ ra rằng, năng suất lao động của Sberbank tăng lên nhờ triển khai AI. Tháng 7/2023, tại Diễn đàn Công nghệ tương lai, ông Putin hứa sẽ chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế và hệ thống quản trị quốc gia sang một mô hình quản lý mới dựa trên AI và Big Data (dữ liệu lớn), nhằm tăng năng suất lao động.

Những tuyên bố đó một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc phát triển AI với tương lai của quân đội và đất nước Nga.

Nga đang phát triển AI như thế nào?

Theo Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), cách tiếp cận của Nga trong đổi mới quốc phòng dựa trên mô hình truyền thống "từ trên xuống" (top-down), do nhà nước định hướng.

Mục tiêu của cách tiếp cận là tận dụng những tiến bộ trong lĩnh vực dân sự thông qua hợp tác quân sự - dân sự. Bằng cách này, Nga đặt mục tiêu tối đa hóa khả năng tiếp cận nhân tài, nguồn lực và ý tưởng, từ đó rút ngắn thời gian từ khi hình thành đến khi thực hiện trọn vẹn ý tưởng đó. Cách tiếp cận của Nga phần nào có sự tương đồng với hợp tác quân sự - dân sự của Mỹ hoặc mô hình hợp nhất quân sự - dân sự Trung Quốc.

Cơ sở hạ tầng Nghiên cứu và Phát triển (R&D) quốc phòng do Tổng cục Phát triển Đổi mới (GUIR), thuộc Bộ Quốc phòng Nga, điều phối. Cơ sở hạ tầng R&D của Nga gồm hàng trăm viện nghiên cứu, phòng thiết kế và trung tâm thử nghiệm, thực hiện nghiên cứu ứng dụng phục vụ nhu cầu của quân đội cũng như ngành công nghiệp quốc phòng. 

Để tăng cường hơn nữa vai trò của Bộ Quốc phòng Nga với tư cách là cơ quan triển khai AI, một bộ phận AI chuyên biệt đã được thành lập vào năm 2021. Ngoài ra, Nga còn thành lập một số trung tâm và phòng thí nghiệm AI tại các tổ chức học thuật hàng đầu ở nước này.

Binh sĩ Nga đứng cạnh phương tiện mặt đất không người lái chiến đấu Marker. Ảnh: CNA

Binh sĩ Nga đứng cạnh phương tiện mặt đất không người lái chiến đấu Marker. Ảnh: CNA

Hệ thống trên được bổ sung thêm "các trung tâm đổi mới căn bản" với vai trò là nơi tạo ra các ý tưởng và công nghệ lưỡng dụng. Quỹ Nghiên cứu Nâng cao, được thành lập năm 2012, tập trung vào phát triển các công nghệ lưỡng dụng mới và có khả năng đột phá như phương tiện không người lái (phương tiện mặt đất không người lái chiến đấu Marker, xe tăng không người lái Udar), hệ thống tự chủ và tự động ra quyết định, chất siêu dẫn...

Năm 2018, Nga thự hiện dự án Era Technopolis, tìm cách phát triển công nghệ cho quân đội Nga với sự hợp tác của cả hai khối quân sự và dân sự.

Tính tới năm 2023, có hơn 100 đơn vị tham gia hợp tác trong dự án Era, bao gồm các nhà sản xuất vũ khí hàng đầu như Kalashnikov, Sukhoi, Sozvezdie cùng hàng chục trường đại học dân sự và viện nghiên cứu. 

Theo RUSI, Era có 16 lĩnh vực phát triển được ưu tiên, bao gồm AI, robot, tàu vũ trụ nhỏ, hệ thống thông tin và viễn thông... Ông Andrey Morozov, Phó giám đốc phụ trách hoạt động khoa học và giáo dục của Era, cho rằng, công nghệ AI không phải là một sản phẩm mà là một nền tảng có liên quan tới hầu hết các chương trình công nghệ đột phá mới nổi (EDTs) của quân đội Nga.

Nga ưu tiên gì trong phát triển AI quốc phòng?

Một trong các ưu tiên phát triển AI quốc phòng của Nga là khả năng chỉ huy, kiểm soát, liên lạc và ra quyết định bằng AI. Ảnh: TASS

Một trong các ưu tiên phát triển AI quốc phòng của Nga là khả năng chỉ huy, kiểm soát, liên lạc và ra quyết định bằng AI. Ảnh: TASS

Theo RUSI, Nga có nhiều chương trình tương tự các chương trình được phát triển ở Mỹ và Trung Quốc, dù thường có quy mô nhỏ hơn. Tính đến tháng 9/2022, Tổng cục Phát triển Đổi mới Nga đã hỗ trợ hơn 500 dự án, trong đó có 222 dự án được lên kế hoạch hoàn thành và triển khai vào năm 2022.

Trong danh sách dài các dự án, có thể nhận thấy một số lĩnh vực ưu tiên như: Chỉ huy, kiểm soát, liên lạc và ra quyết định; phương tiện không người lái; vũ khí hạt nhân và vũ khí có độ chính xác cao; phòng không, cảnh báo sớm, tác chiến điện tử; các hoạt động mạng.

Dưới đây là một số ví dụ cho thấy các lĩnh vực mà Moscow đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng AI.

Trong số các ưu tiên hàng đầu, có cải thiện khả năng chỉ huy, kiểm soát, liên lạc và ra quyết định bằng AI. Đây được xem là ưu tiên quan trọng để đạt được và duy trì ưu thế thông tin.

Tại cuộc họp của Ban lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga vào tháng 12/2022, ông Putin kêu gọi tích hợp công nghệ AI ở "mọi cấp độ ra quyết định" trong quân đội. Trung tâm Quản lý Quốc phòng Nga, được thành lập năm 2014 để cung cấp cấu trúc chỉ huy và kiểm soát chung, được cho là đã áp dụng AI để hỗ trợ thu thập thông tin, phân tích và đưa ra quyết định.

Đáng chú ý, ông Putin cũng đề cập đến kinh nghiệm từ chiến trường ở Ukraine. Đánh giá của Tổng thống Nga cho thấy, các hệ thống vũ khí hiệu quả nhất là các hệ thống hoạt động nhanh và gần như ở chế độ tự động".

Các hệ thống không người lái cũng được ưu tiên áp dụng AI. Trước khi xung đột Ukraine nổ ra, Nga có hơn 100 phương tiện không người lái thực hiện nhiều nhiệm vụ ở các giai đoạn nghiên cứu, phát triển và triển khai khác nhau. Nhiều trong số này được thử nghiệm ở Syria và giờ đang làm nhiệm vụ ở Ukraine.

UAV Lancet-3 là một ví dụ. Theo nhà sản xuất, loại vũ khí này có tính tự động cao nhờ sử dụng cảm biến, cho phép xác định vị trí và tấn công mục tiêu mà không cần con người điều khiển. Thậm chí, UAV này có khả năng quay trở lại chỗ người kiểm soát nếu không phát hiện mục tiêu.

Theo giới chức Nga, AI và các yếu tố tự động cũng đang được áp dụng trong hệ thống dẫn đường của các loại vũ khí khác như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat. Ông Vasilii Yelistratov, người đứng đầu Bộ phận AI thuộc Bộ Quốc phòng Nga, tuyên bố, AI "hiện diện trong tất cả các loại vũ khí, đặc biệt là vũ khí có độ chính xác cao".

Nga cũng được cho là đang sử dụng các công nghệ như vậy trong các hệ thống vũ khí thử nghiệm như các phương tiện không người lái dưới nước.

----------------------

Do có nhiều tin tức thời sự nóng nên tuyến bài sẽ tạm dừng vào ngày 20/5 và đăng lại vào 10h ngày 25/5. Bài viết sẽ nói về vai trò của AI trong việc thực hiện mục tiêu đầy tham vọng của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA): Chuyển đổi thành một quân đội "đẳng cấp thế giới" vào năm 2050.

Ông Putin từng nhận định, quốc gia đầu tiên phát triển AI sẽ "thống trị" thế giới. Gần đây, các cường quốc như Nga, Mỹ và Trung Quốc cũng đều dành sự quan tâm đặc biệt đến công nghệ này, nổi bật là trong quân sự. Tuy nhiên, không ít chuyên gia cảnh báo, AI không phải là công nghệ có thể sử dụng "vô tội vạ".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Tác động của AI tới chiến tranh tương lai Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN