Nga đình chỉ hiệp ước hạt nhân quan trọng với Mỹ: NATO nói gì?
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, ít kiểm soát vũ khí hơn sẽ khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn.
Vũ khí hạt nhân là trung tâm trong chiến lược quân sự của Nga (ảnh: RT)
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 21/2 ở Brussels, ông Stoltenberg cho rằng, Nga nên xem xét lại quyết định đình chỉ hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START với Mỹ.
“Tôi lấy làm tiếc về quyết định đình chỉ New START của Nga. Nhiều vũ khí hạt nhân hơn và ít kiểm soát vũ khí hơn chỉ khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn”, ông Stoltenberg nói.
“Tôi kêu gọi Nga xem xét lại quyết định của mình”, ông Stoltenberg nói, nhấn mạnh rằng New START là một trong những thỏa thuận kiểm soát vũ khí lớn cuối cùng của thế giới.
Họp báo chung với ông Stoltenberg còn có ông Josep Borrell – Đại diện cấp cao EU về Chính sách An ninh và Đối ngoại.
Theo ông Josep Borrell, quyết định đình chỉ hiệp ước New START của Nga cho thấy Moscow đang gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh toàn cầu sau Chiến tranh Lạnh.
Trước đó, trong Thông điệp Liên bang hôm 21/2, Tổng thống Nga Putin tuyên bố, Moscow không hủy bỏ New START mà chỉ “tạm thời rút khỏi” hiệp ước này. Ông Putin cảnh báo Nga có thể tiến hành các vụ thử hạt nhân nếu Mỹ có hành động tương tự.
Ông Putin cho biết, hiệp ước New START được ký kết khi “Nga và Mỹ không coi nhau là đối thủ”. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, Mỹ không chỉ ra “tối hậu thư” với Nga mà NATO cũng muốn can dự vào hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân.
“Đầu tháng 2, NATO yêu cầu chúng tôi quay lại thực hiện hiệp ước New START, bao gồm cả việc cho phép họ thanh sát các cơ sở. Điều này là vô lý. Chúng tôi biết rằng phương Tây đã giúp Kiev tấn công các hạ tầng chiến lược ở Nga. Vậy mà họ lại muốn thanh sát các cơ sở của chúng tôi?”, ông Putin nói.
Mỹ và Nga là 2 nước sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân nhất thế giới. Mỗi bên có khoảng 7.000 đầu đạn hạt nhân, theo Reuters.
Năm 2010, Tổng thống Mỹ và Nga lúc đó là ông Barack Obama và ông Dmitry Medvedev đã ký hiệp ước New START. Thay thế hiệp ước START (1991), New START yêu cầu Mỹ - Nga giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân và cho phép kiểm tra kho vũ khí hạt nhân của nhau.
Năm 2021, Nga và Mỹ ký thỏa thuận gia hạn New START thêm 5 năm. Tuy nhiên, do xung đột ở Ukraine, quan hệ giữa Moscow và Washington ngày càng căng thẳng.
Trong bài phát biểu hôm 21/2 ở Ba Lan (vài giờ sau khi ông Putin đọc Thông điệp Liên bang), Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố: “Không ai có thể nghi ngờ về điều này. Sự ủng hộ của chúng tôi dành cho Ukraine sẽ không dao động. NATO không bị chia rẽ và chúng tôi không mệt mỏi”.
Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ "tạm thời rút khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới) với Mỹ".
Nguồn: [Link nguồn]