Nga đặt Mỹ vào tình thế ‘tiến thoái lưỡng nan’ ở Trung Đông
Tình thế "tiến thoái lưỡng nan" của Mỹ tại Trung Đông hiện nay được giới truyền thông Đức nhận xét rằng có tác động không nhỏ từ phía Nga.
Washington có thể sẽ phải tạm biệt ảnh hưởng của mình ở Trung Đông vì Nga, đây là tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Nhà báo Christian Boehme có bài phân tích về vấn đề này đăng trên tờ Der Tagesspiegel.
Bài báo viết, sự yếu kém của Mỹ trong việc duy trì vị thế của mình trên trường quốc tế ngày càng trở nên rõ ràng hơn, nhất là sau chuyến công du của Tổng thống Joe Biden đến Vương quốc Saudi Arabia.
Tổng thống Mỹ đã tham dự hội nghị thượng đỉnh Hội đồng hợp tác các quốc gia Ả Rập ở Vịnh Ba Tư. Tại đây, ông tuyên bố rằng Washington sẽ vẫn là một đối tác tích cực trong khu vực và sẽ không cho phép Nga và Trung Quốc "chiếm khoảng trống" ở Trung Đông.
Tuy vậy theo giới quan sát, nhà lãnh đạo Mỹ đã bắt đầu quá muộn trong cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng, đặc biệt khi Nga đã ghi dấu chân của mình tại khu vực một cách sâu đậm suốt thời gian qua.
“Điều này (tuyên bố của Tổng thống Biden) nghe có vẻ như thể hiện quyết tâm sắt đá, đánh dấu sự quay trở lại một khu vực mà Mỹ ít chú ý đến trong những năm gần đây. Tuy nhiên, có lẽ đã quá muộn cho điều đó".
"Khoảng trống mà siêu cường số một thế giới tạo ra ở Trung Đông từ lâu đã bị lấp đầy bởi các đối thủ chiến lược. Điểm yếu của Mỹ là rõ ràng khi cả Moskva lẫn Bắc Kinh đều đang gia tăng ảnh hưởng từng ngày".
"Hai quốc gia trên cung cấp vũ khí ở đó, phân phối khí đốt hoặc dầu mỏ, và thành lập những liên minh chống phương Tây. Mỹ chỉ còn lại ở đó như một phần phụ”, ấn phẩm Der Tagesspiegel cho biết.
Rõ ràng là nước Mỹ nhớ đến Trung Đông chỉ vì nguồn tài nguyên dầu mỏ. Nhà phân tích của tờ báo Đức nhấn mạnh rằng Saudi Arabia về lý thuyết có thể giúp Mỹ đối phó với việc giá nhiên liệu tăng, vốn xảy ra cùng với những thứ khác do hiệu lực từ các lệnh trừng phạt chống Nga.
Tuy nhiên, quan hệ căng thẳng giữa Washington và Riyadh liên quan đến các cáo buộc về vấn đề nhân quyền khiến cho việc hợp tác như vậy gần như là không thể..
Ngoài ra, thái độ tôn trọng của chính quyền Nga đối với lợi ích của Saudi Arabia đang thúc đẩy giới lãnh đạo quốc gia Trung Đông tiến tới hợp tác chặt chẽ với Moskva. Trong khi ở chiều ngược lại, Nhà Trắng liên tục cáo buộc Riyadh vi phạm nhân quyền.
“Lý do cho chuyến đi của Tổng thống Biden tiết lộ tình thế tiến thoái lưỡng nan của Washington: Tổng thống Mỹ đến như một người cầu cứu. Điểm đến thực sự trong chuyến công du của ông là Saudi Arabia giàu dầu mỏ".
Nhưng chế độ quân chủ tại vùng Vịnh đã phản đối vị tổng thống 79 tuổi. Thái tử Mohammed Bin Salman lạnh lùng nói rõ với vị khách đến từ Washington rằng 'việc áp đặt các giá trị' là phản tác dụng".
"Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đặt ra những câu hỏi khó chịu. Điều đó khiến cả hai trở thành đối tác đàm phán dễ chịu đối với Thái tử Saudi Arabia", nhà báo người Đức nói rõ.
Theo nhà báo Christian Boehme, tàn dư ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông sẽ nhanh chóng trở thành dĩ vãng. Điều này được chỉ ra bởi thực tế là Tổng thống Vladimir Putin dự định tổ chức một loạt các cuộc họp và đàm phán tại Iran vào ngày 19/7.
Điều này được dự báo sẽ nâng cao hơn nữa tầm quan trọng của Liên bang Nga trong khu vực. Nhà báo Boehme viết: “Chỉ còn một chỗ cho nước Mỹ ở Trung Đông đó là trên băng ghế khán giả".
Nguồn: [Link nguồn]
Món quà Brazil dành cho Nga được nhận xét đã làm phá sản kế hoạch của Liên minh châu Âu nhằm gây áp lực lên Moskva.