Nga đáp trả lệnh trừng phạt của EU
Moscow tiếp tục mở rộng "danh sách đen" với nhiều cá nhân ở châu Âu.
Tòa nhà Bộ Ngoại giao Nga ở thủ đô Moscow. Ảnh: Sputnik
Đài RT ngày 24/6 đưa tin, Moscow đã mở rộng danh sách cấm du lịch và tuyên bố sẽ có "phản ứng thích hợp" với bất kỳ hành động không thân thiện nào từ EU, sau khi khối này tuyên bố mở rộng các biện pháp trừng phạt đơn phương.
Trong vòng trừng phạt thứ 14 được công bố ngày 24/6, EU đã đưa thêm 69 cá nhân và 47 tổ chức vào "danh sách đen", cũng như đưa ra các biện pháp hạn chế vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng và hệ thống thanh toán ngân hàng của Nga.
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, hành động của EU là "bất hợp pháp xét theo luật pháp quốc tế vì các lệnh trừng phạt được đưa ra nhưng không thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc".
Bộ Ngoại giao Nga nói thêm, các biện pháp này "hoàn toàn vô ích và chỉ làm suy yếu lòng tin của các quốc gia với EU".
Đáp trả động thái mà Nga coi là "không thân thiện" của EU, Moscow mở rộng đáng kể danh sách cá nhân bị cấm vào lãnh thổ Nga. Trong số này có các thành viên của Hội đồng châu Âu, nghị sĩ của các nước thành viên EU và phái đoàn của các quốc gia tại Nghị viện châu Âu.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, lệnh cấm của Moscow còn mở rộng tới một số cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân bị cho là cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine. Ngoài ra, một số người liên quan đến hoạt động truy tố các quan chức Nga, những người ủng hộ tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga và giao cho Ukraine, các nhà hoạt động phi chính phủ tham gia hoạt động chống Nga đều bị đưa vào "danh sách đen" của Moscow.
Danh sách đầy đủ các cá nhân và tổ chức của EU bị Nga trừng phạt chưa được công bố.
Theo đài RT, EU tới nay đã trừng phạt hơn 2.200 cá nhân và tổ chức Nga bị cáo buộc hỗ trợ quân đội Nga hoặc có liên quan đến xung đột ở Ukraine.
Trong một diễn biến khác, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell ngày 24/6 tuyên bố, EU đã phê duyệt việc chuyển 1,4 tỷ euro lợi nhuận từ tài sản bị đóng băng của Nga sang dạng hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Theo ông Borrell, số tiền trên sẽ được giải ngân vào tháng 7 và có thể được sử dụng để mua hệ thống phòng không và đạn dược cho Ukraine, cũng như hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của nước này.
Các nước phương Tây đã phong tỏa số tài sản thuộc quyền sở hữu của Nga trị giá khoảng 300 tỷ USD, trong đó số tài sản trị giá 280 tỷ USD được cố định ở EU.
Các nhà hoạt động Thụy Sĩ được chính đảng có ảnh hưởng nhất hậu thuẫn, đã thu thập đủ số chữ ký cần thiết để kích hoạt một cuộc trưng cầu dân ý về việc khôi phục lại lập trường trung lập của quốc gia.
Nguồn: [Link nguồn]