Nga đang xoay trục sang phương Đông

Sự kiện: Tin tức Nga

Điều này phần nào được thể hiện trong các sáng kiến tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) ở Nga và Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan vào tháng 9/2022.

Trên thực tế, chiến lược xoay trục châu Á của Nga không phải là mới mà có từ những năm cuối cùng của Liên Xô. Nhưng quan hệ xấu đi của Nga với phương Tây do cuộc xung đột tại Ukraine chính là gốc gác cho quá trình đẩy nhanh chiến lược này vào thời điểm hiện tại. Dù các lệnh trừng phạt của phương Tây không bẻ gãy được ý chí của Kremlin tại Ukraine, chúng đã ảnh hưởng đến thặng dư ngân sách của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Giới chức Nga đang cố gắng duy trì ổn định kinh tế trong nước. Dù thặng dư thương mại của Nga chứng kiến vài mức tăng kỷ lục kể từ tháng 3/2022, khoảng cách tăng thêm đó đã thu hẹp lại trong mùa hè vừa qua. Vào tháng 8/2022, doanh thu của Nga từ dầu khí ghi nhận mức thấp nhất trong 14 tháng qua. Trong bối cảnh ấy, công nghiệp năng lượng được xác định đóng vai trò tiên phong trong ổn định nền kinh tế Nga. Ngành “hydrocarbon” chiếm tới 30-40% ngân sách Nga, trong khi các ngành khác chật vật do sự trừng phạt của phương Tây. Không phải ngẫu nhiên chính phủ Nga đang xây dựng kế hoạch thực hiện các thuế mới đối với việc sản xuất và xuất khẩu dầu khí. Mục tiêu là thu được 1.400 tỷ ruble (khoảng 23 tỷ USD) từ các nhà xuất khẩu hàng hóa vào năm 2023.

Trung Quốc và Ấn Độ là các đối tác hàng đầu của Nga. Theo các dữ liệu, các nước này bảo đảm dòng chảy doanh thu đều đặn sang Nga do họ phụ thuộc vào các nguồn năng lượng nhập khẩu và thuận tiện cho họ. Năng lượng là chủ đề trung tâm trong Hội nghị thượng đỉnh SCO ở Uzebekistan vừa qua. Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết hỗ trợ các nước SCO xử lý vấn đề “năng lượng và lương thực” bắt nguồn từ các “lỗi” của các “nền kinh tế đứng đầu thế giới”. Mặc dù Ấn Độ sẽ ngày càng quan trọng đối với Nga, hiện nay Trung Quốc vẫn là đối tác số 1 của Nga trong nỗ lực hướng Đông về mặt năng lượng.

Kể từ đầu năm 2022, Bắc Kinh đã tái bảo đảm với Moscow việc mua liên tục dầu khí, than đá và điện với tổng trị giá lên tới 43,68 tỷ USD. Nhập khẩu dầu khí và than đá Nga vào Trung Quốc tăng tương ứng ở mức 17%, 52% và 6% từ tháng 4 đến tháng 6/2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng này có thể còn cao hơn nữa khi các tàu vận tải của Nga có thể lách luật để che giấu nguồn gốc xuất khẩu nhằm tránh lệnh trừng phạt.

Về khí đốt vận chuyển qua đường ống, Nga hiện là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ 2 cho Trung Quốc, với tổng xuất khẩu năm 2022 dự kiến sẽ lên tới 17 tỷ mét khối, bằng 60% của năm ngoái (2021). Điều này khả thi nhờ vào tuyến khí đốt Power of Siberia được đưa vào hoạt động vào năm 2019, đặc biệt là sau khi Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đồng ý trong diễn đàn EEF tiến hành thanh toán việc mua bán này bằng đồng rúp và đồng nhân dân tệ.

Chỉ vài tuần trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký một hợp đồng cung cấp 10 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, đưa khí đốt từ Viễn Đông Nga tới các tỉnh Đông Bắc của Trung Quốc trong 30 năm thông qua một đường ống dẫn khí mới - Tuyến Viễn Đông.

Tại Vladivostok, người đứng đầu Điện Kremlin tuyên bố rằng, Gazprom của Nga và CNPC của Trung Quốc đã nhất trí về “tất cả các thông số chính” liên quan đến dự án Năng lượng Siberia 2 (50 tỷ mét khối mỗi năm), trong đó khí đốt trung chuyển qua Mông Cổ để tới thị trường khí đốt Trung Quốc. Khí đốt được vận chuyển này sẽ lấy từ chính các mỏ khí mà Gazprom phát triển để duy trì xuất khẩu khí sang Liên minh châu Âu (EU) trong vài thập niên tới. Lượng khí được đưa tới Trung Quốc đã bằng gần 1/3 lượng mà Gazprom xuất khẩu sang châu Âu trong năm 2021. Cuộc chiến năng lượng giữa Nga và châu Âu chắc chắn đã thúc đẩy các xu hướng nói trên.

Theo dữ liệu từ S&P Global Commodities at Sea, kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng nổ, các nước châu Á chiếm tỷ trọng lớn hơn trong kim ngạch xuất khẩu nhiên liệu của Nga. Theo các nhà quản lý đầu tư Morgan Stanley, vào tháng trước, Ấn Độ và Trung Quốc đã nhập 2,7 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm của Nga mỗi ngày, cao hơn 54% so với một năm trước.

Trong 5 tháng sau xung đột Ukraine, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đã nhập khẩu tổng cộng 5,5 tỷ USD nhiên liệu hóa thạch từ Nga. Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) ước tính Nhật Bản đã mua 2,6 tỷ USD than, dầu và khí đốt của Nga. Trong khi đó, Hàn Quốc và Đài Loan lần lượt mua 1,7 tỷ USD và 1,2 tỷ USD các mặt hàng này.

Điều đáng nói là cả ba nền kinh tế này đều ủng hộ Ukraine, nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể để loại bỏ mua nhiên liệu hóa thạch của Nga. Theo CREA, nhiều khả năng 3 quốc gia và vùng lãnh thổ này sẽ trở thành nhà nhập khẩu hàng đầu của Nga khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực ở những nơi khác.

Phó Giám đốc phụ trách Chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson, Washington, bà Shihoko Goto cho biết không giống như Mỹ, Đông Á vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng, bao gồm cả nguồn cung từ Nga. Dù không phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga như châu Âu, nhưng phần lớn các nước châu Á vẫn chưa thể tự cung tự cấp năng lượng.

Song bà Goto cho biết các quốc gia như Nhật Bản đang tìm cách đa dạng hóa các nguồn năng lượng của họ trong dài hạn. “Đất nước Mặt Trời mọc” đang thăm dò khả năng xây dựng thêm các lò phản ứng hạt nhân, ngoài khởi động các lò phản ứng đã đóng cửa trước đó do thảm họa Fukushima năm 2011. Là quốc đảo nghèo tài nguyên, Nhật Bản cũng rất dễ bị tổn thương trước những cú sốc trên thị trường năng lượng toàn cầu. Quốc gia này có tỷ lệ tự cung tự cấp năng lượng thấp nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), với mức 11,2% vào năm 2020.

Ông Ryo Hinata-Yamaguchi, trợ lý dự án tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Tiên tiến của Đại học Tokyo, cho hay chưa có giải pháp thay thế ngắn hạn nào đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga. “Do đó, chính phủ và các lĩnh vực liên quan muốn tránh gặp phải những gián đoạn đó”, ông nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Putin: Phương Tây đang dần thất bại, tương lai thế giới nằm ở châu Á

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok, ông Putin khẳng định quyền lực của phương Tây đang suy giảm trong khi vai trò của các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khổng Hà (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN