Nga cứng rắn chưa từng thấy với Ukraine: Mục đích thực sự của ông Putin?

Ukraine từng là một phần không thể tách rời của Nga trong lịch sử, ngày nay có xu hướng xích lại gần hơn với phương Tây, dẫn đến nguy cơ về một cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến 2.

Theo quan điểm của Tổng thống Nga Putin, người Nga, người Ukraine và người Belarus có chung một dân tộc.

Theo quan điểm của Tổng thống Nga Putin, người Nga, người Ukraine và người Belarus có chung một dân tộc.

Căng thẳng Nga – Ukraine đang leo thang đến mức cao nhất, chỉ cần một biến cố nhỏ cũng có thể khiến xung đột bùng phát. Nhân sự kiện này, mời bạn đọc cùng điểm lại các dấu mốc quan trọng kể từ cuộc “cách mạng Maidan” ở Ukraine năm 2014 và cùng đánh giá viễn cảnh về một cuộc đụng độ quân sự.

Trong cuộc bầu cử gần nhất, người Ukraine đã thể hiện rõ quan điểm muốn thấy một tương lai cùng châu Âu. Nhưng một mặt quốc gia này phải đối mặt với nạn tham nhũng và rạn nứt giữa các địa phương, mặt khác là những phản ứng cứng rắn từ Nga.

Giới chức tình báo Mỹ ước tính Nga tập trung hơn 175.000 quân ở biên giới Ukraine, cùng hàng ngàn xe tăng, pháo tự hành, các các hệ thống tên lửa phòng không.

Những hành động gây hấn của Nga với Ukraine tạo ra cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất ở châu Âu kể từ Chiến tranh Lạnh, thậm chí có thể thổi bùng cuộc chiến lớn nhất kể từ Thế chiến 2.

Vì sao Ukraine trở thành trung tâm của xung đột?

Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFG) có trụ sở ở Mỹ, Ukraine từng là thành phần quan trọng của Liên Xô - đối thủ lớn nhất của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh.

Ukraine là nước đông dân và hùng mạnh thứ hai trong khối 15 nước thuộc Liên Xô, chỉ xếp sau Nga. Ukraine là trung tâm sản xuất nông nghiệp, quốc phòng, là nơi đặt Hạm đội Biển Đen và được tin tưởng cất giữ vũ khí hạt nhân thời Liên Xô.

Việc Ukraine rời Liên Xô năm 1991 được coi là một sự kiện gây chấn động. 3 thập kỷ kể từ khi độc lập, Ukraine muốn xây dựng con đường tự chủ, trong khi có xu hướng ngả về phương Tây.

Điều này tạo ra mâu thuẫn sắc tộc sâu sắc. Người Ukraine ở phía Tây muốn xích lại gần phương Tây, trong khi người Ukraine nói tiếng Nga ở phía đông vẫn muốn duy trì quan hệ gần gũi với Nga.

Ukraine trở thành chiến trường vào năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và hỗ trợ phe ly khai ở vùng Donbas (miền đông Ukraine).

Cho đến nay, hơn 14.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài 7 năm và là cuộc xung đột đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ cuộc chiến vùng Balkan vào những năm 1990.

Nga có lợi ích gì ở Ukraine?

Người biểu tình Ukraine trèo lên một tượng đài trong cuộc cách mạng lật đổ chính phủ thân Nga năm 2014.

Người biểu tình Ukraine trèo lên một tượng đài trong cuộc cách mạng lật đổ chính phủ thân Nga năm 2014.

Nga có mối liên hệ văn hóa, kinh tế và chính trị sâu sắc với Ukraine. Có quan điểm nói Ukraine là trung tâm của nước Nga trong lịch sử, thúc đẩy hình ảnh Nga trên toàn cầu. 

Người Nga và Ukraine chung sống lâu đời từ hàng trăm năm, ngôn ngữ không có nhiều khác biệt. Kiev, thủ đô Ukraine, từng được coi là “trung tâm của các thành phố Nga”, ảnh hưởng ngang với Moscow hay St. Petersburg, trong giai đoạn thế kỷ thứ 8 và thứ 9.

Trong một tuyên bố vào tháng 7.2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói người Nga, người Belarus và người Ukraine ngày nay đều là hậu duệ của Kievan Rus, một liên bang được thành lập bởi Vương triều Rurik vào thế kỷ thứ 9. 

Ukraine từng sáp nhập vào Nga bằng "Hiệp định tháng 3" năm 1654, đặt dưới sự cai trị chung của sa hoàng Nga. Có lẽ vì vậy, ngày nay nhiều người Nga cảm thấy có mối liên hệ mật thiết với Ukraine mà họ không cảm thấy đối với các quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác ở Baltics, Caucasus và Trung Á.

Putin nhắc đến điều này trong một bài báo vào giữa năm nay. Ông nói, người Nga và người Ukraine là một dân tộc cùng chia sẻ một "không gian lịch sử và tâm linh duy nhất", và sự xuất hiện của một "bức tường" giữa hai bên trong những năm gần đây là một bi kịch. Kiev cho rằng lập luận của ông Putin là có động cơ chính trị và là một phiên bản lịch sử bị đơn giản hóa quá mức.

Một lý do khiến Nga đặc biệt quan tâm là khoảng 8 triệu người gốc Nga sinh sống ở Ukraine, tập trung ở phía nam và phía đông. Moscow coi Nga có trách nhiệm phải bảo vệ những người này trước sự “đe dọa diệt chủng” của Ukraine.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, có luồng ý kiến ở Nga cho rằng, sự chia cắt Nga-Ukraine là một sai lầm của lịch sử và việc Ukraine ngả về phương Tây là điều không thể chấp nhận được.

Lý do Nga có thể tấn công quân sự Ukraine

Các học giả phương Tây đến nay vẫn chưa thể làm rõ động cơ của Nga khi tập trung một lượng lớn binh sĩ ở biên giới Ukraine.

Một số cho rằng, sự bành trướng của NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh là điều Nga cảm thấy lo ngại.

Năm 2004, NATO kết nạp thêm 5 thành viên, bao gồm 3 quốc gia thuộc Liên Xô cũ (Estonia, Latvia và Litva). 4 năm sau, NATO tuyên bố xem xét cho phép Ukraine và Gruzia gia nhập.

Ukraine ngày càng ngả về phương Tây dưới thời Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Ukraine ngày càng ngả về phương Tây dưới thời Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Năm 2008, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo việc NATO lôi kéo Ukraine là “hành động thù địch nhằm vào Nga”.

Được NATO “tiếp thêm động lực”, Gruzia phát động chiến dịch quân sự vào tháng 8.2008, nhằm đánh bại phe ly khai thân Nga ở Nam Ossetia và Abkhazia. 

Gần như ngay lập tức, Nga tung hơn 70.000 quân vào chiến trường với Gruzia. Sau 12 ngày giao tranh, Gruzia phải rút quân khỏi vùng ly khai, trong khi Nga tuyên bố công nhận hai vùng tự trị trên và đặt căn cứ quân sự dưới danh nghĩa bảo trợ.

Trong cuộc xung đột với Ukraine nổ ra từ năm 2014, tỉ lệ ủng hộ ông Putin tăng vọt lên hơn 80%. Tỉ lệ này đến nay giảm mạnh do tác động từ lệnh trừng phạt phương Tây đối với đời sống xã hội Nga, những khó khăn trong nước và do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Mục đích thực sự của Putin ở Ukraine?

“Đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đưa Nga trở lại vị thế siêu cường ở Á-Âu là mục tiêu tối thượng”, Gerard Toal, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Virginia Tech ở Mỹ, nói. “Mục tiêu cuối cùng không phải là khôi phục Liên Xô, mà là khiến nước Nga vĩ đại trở lại”.

Binh sĩ Nga và Belarus tập trận quân sự năm 2019.

Binh sĩ Nga và Belarus tập trận quân sự năm 2019.

Bằng cách kiểm soát Crimea, Nga nắm trong tay cảng nước ấm quanh năm, mở rộng ảnh hưởng tới Địa Trung Hải, Trung Đông và Bắc Phi. 

Ông Putin từng khẳng định sẽ không chấp nhận để Ukraine trở thành một quốc gia “chống Nga”, vì người Nga và người Ukraine đều chung một dân tộc. Do đó, Nga vẫn bảo trợ cho phe ly khai vùng Donbas.

Ở phía bên kia đại dương, Mỹ coi một Ukraine chống Nga là trung tâm của chiến lược toàn cầu kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Zbigniew Brzezinski từng nói: “Không có Ukraine, Nga vĩnh viễn không bao giờ trở lại thời đế quốc. Ngược lại, đó sẽ là sự trỗi dậy của Nga”, ông Brzezinski nói.

Theo Reuters, cũng có quan điểm cho rằng, việc duy trì tình trạng căng thẳng đối với Ukraine giúp Putin củng cố một thông điệp chính trị ở Nga: Rằng ông là người kiên quyết bảo vệ lợi ích của Nga trong một thế giới bị bao vây bởi kẻ thù và các mối đe dọa. Việc phương Tây phải đoán già đoán non về một cuộc tấn công vào Ukraine đã đặt Nga lên vị trí cao trong chương trình nghị sự quốc tế và khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối thoại với ông Putin trong cuộc gọi điện video vào ngày 7/12.

Những "nước cờ" của Putin cũng có thể tốt cho việc tranh cử thêm hai nhiệm kỳ tổng thống nữa, sau khi nhiệm kỳ hiện tại của ông kết thúc vào năm 2024. Trong một cuộc phỏng vấn phát sóng vào ngày 12.12, ông bày tỏ tiếc nuối về sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, của "nước Nga lịch sử", của "những gì gây dựng hơn 1.000 năm đã bị mất đi phần lớn".

Những tuyên bố như vậy củng cố quan điểm của một số nhà quan sát, rằng Putin coi Ukraine là một "việc chưa hoàn thành", và giống như việc sáp nhập Crimea - hành động khiến ông được ca ngợi ở Nga - bước tiếp theo ông muốn có thể là đưa một phần hoặc toàn bộ Ukraine trở lại dưới sự kiểm soát của Moscow.

____________________________

Tháng 2.2014, không lâu sau khi Tổng thống Ukraine thân Nga bị cách mạng Maidan lật đổ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra một quyết định mang tính lịch sử về việc sáp nhập Crimea. Nga đã hành động mau lẹ và cách thức đầy bất ngờ khiến phương Tây ngỡ ngàng và không kịp trở tay ra sao? Mời độc giả cùng tìm hiểu trong bài kỳ 2 xuất bản lúc 0 giờ 30 phút ngày 19.12.

Nguồn: [Link nguồn]

Viễn cảnh Nga tấn công Ukraine: Mỹ đáp trả quân sự ra sao?

Kể từ tháng 4 năm nay, Nga đã từng bước tập trung một lượng lớn lực lượng gần biên giới Ukraine. Điều này khiến người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN