Nga cung cấp vắc-xin Covid-19 miễn phí cho người dân
Hãng tin TASS cho biết vắc-xin Covid-19 với tên gọi “Sputnik V” của Nga sẽ được cung cấp miễn phí cho người dân nước này.
Theo TASS, vốn đầu tư cho quá trình phát triển vắc-xin "Sputnik V" sẽ được bù đắp bằng ngân sách của chính phủ. Cho đến nay, Nga vẫn chưa công bố giá bán vắc-xin ở thị trường nước ngoài.
Hôm 11-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố thông tin gây chấn động, đó là vắc-xin Covid-19 đầu tiên trên thế giới - "Sputnik V" - đã sẵn sàng sử dụng và hoạt động khá hiệu quả.
Ông chủ Điện Kremlin nói rằng vắc-xin giúp hình thành khả năng miễn dịch ổn định chống lại virus SARS-CoV-2, đồng thời cho biết một trong những cô con gái của ông đã tiêm phòng vắc-xin này.
Vắc-xin Covid-19 với tên gọi “Sputnik V” của Nga sẽ được cung cấp miễn phí cho người dân nước này.
Trong một thông cáo báo chí của chính phủ, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko khẳng định vắc-xin "hiệu quả, có độ an toàn cao và không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng". Nó sẽ mang lại khả năng miễn dịch trong vòng 2 năm đối với virus SARS-CoV-2. Tạp chí khoa học Science (Mỹ) cho rằng ước tính đó dường như dựa trên vắc-xin mà Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya (trụ sở ở Moscow) sản xuất bằng công nghệ tương tự.
Giấy chứng nhận đăng ký của Nga cung cấp một số thông tin chi tiết về vắc-xin "Sputnik V": do Công ty Binnopharm ở TP Zelenograd – Nga sản xuất và sản lượng dự kiến đạt 1,5 triệu liều/năm.
Thông tin thêm về hai thử nghiệm vắc-xin được đăng tải trên trang web ClinicalTrials.gov (Viện Y tế Quốc gia Mỹ điều hành). Theo đó, "Sputnik V" gồm hai mũi tiêm sử dụng các phiên bản adenovirus khác nhau.
Một số chuyên gia vắc-xin từng bày tỏ lo ngại về vắc-xin Covid-19 sử dụng adenovirus 5 bằng cách này. Vào năm 2007, các nhà nghiên cứu phải ngừng thử nghiệm vắc-xin phòng chống HIV, trong đó sử dụng adenovirus 5 để chuyển gen cho protein bề mặt của virus đó, sau khi phát hiện nó làm tăng khả năng lây nhiễm.
Năm 2017, Viện Gamelaya được chính phủ Nga chấp thuận kế hoạch sản xuất vắc-xin sử dụng adenovirus 5 để cung cấp gen protein bề mặt từ virus gây bệnh Ebola. Các nhà nghiên cứu đã dùng cách thức tương tự cho một loại vắc-xin phòng chống Hội chứng hô hấp Trung Đông. Nó vẫn đang được phát triển và đã bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu.
Giấy chứng nhận đăng ký "Sputnik V" của Bộ Y tế Nga gây tranh cãi vì vắc-xin mới chỉ thử nghiệm trên 76 người. Người phát ngôn của Bộ Y tế Nga nói với Science Insider rằng "Sputnik V" - do Viện Gamelaya phát triển – dành cho "một số ít công dân thuộc các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm cả nhân viên y tế và người già". Tuy nhiên, giấy chứng nhận quy định vắc-xin không thể được sử dụng rộng rãi cho đến ngày 1-1-2021, có lẽ là sau khi hoàn tất các thử nghiệm lâm sàng lớn hơn.
Vắc-xin “Sputnik V” của Nga. Ảnh: RDIF
Nhiều nhà khoa học trên thế giới cũng cảnh báo chứng nhận này là quá sớm và không phù hợp vì vắc-xin của Gamaleya vẫn chưa hoàn thành thử nghiệm cho thấy nó an toàn và hiệu quả trên quy mô rộng rãi.
Luật sư Svetlana Zavidova, người đứng đầu Hiệp hội Các tổ chức nghiên cứu lâm sàng ở Nga, đã gửi đơn tới Bộ Y tế Nga, yêu cầu hoãn đăng ký vắc-xin "Sputnik V" cho đến khi hoàn tất các thử nghiệm thích hợp. Bà thay mặt nhóm nghiên cứu lâm sàng viết: "Đăng ký cấp tốc sẽ không biến Nga trở thành người dẫn đầu trong cuộc đua này mà chỉ khiến người dùng cuối – những công dân Nga - gặp phải nguy hiểm không đáng có".
Ngược lại, Phó Trưởng khoa gây mê và hồi sức tại Bệnh viện 52 TP Moscow, Sergei Tsarenko, nhấn mạnh: "Cho đến nay, khả năng kháng lại căn bệnh này (Covid-19) chỉ có thể được hình thành nếu một người mắc bệnh và hồi phục. Nhưng có một lựa chọn an toàn hơn, đó là chủng ngừa. Có một loại vắc-xin hiệu quả và an toàn do các chuyên gia Viện Gamaleya tạo ra. Viện này giống như ‘hãng Mercedes' trong ngành công nghiệp ô tô".
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ đang theo dõi tiến độ phát triển vắc-xin Covid-19 của Nga, đồng thời cảnh báo tiến bộ trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh này không nên ảnh hưởng đến sự an toàn.
Người phát ngôn của WHO, Tarik Jasarevic, nói với các phóng viên tại Geneva rằng WHO đang thảo luận với nhà chức trách Nga về vắc-xin Covid-19 và tuyên bố bất kỳ loại vắc-xin nào cũng cần được xem xét và đánh giá nghiêm ngặt.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar phản ứng trước thông báo phê duyệt vắc-xin Covid-19 "đầu tiên trên thế giới" của Nga: "Vấn đề không phải là ai có vắc-xin đầu tiên. Vấn đề là phải có một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả cho người dân Mỹ và thế giới. Cần có dữ liệu minh bạch và dữ liệu này phải đến từ các thử nghiệm giai đoạn ba cho thấy vắc-xin an toàn và hiệu quả".
Hôm 11-8, Đức cũng bày tỏ nghi ngờ về chất lượng và độ an toàn của "Sputnik V", nhấn mạnh rằng vắc-xin chỉ được cấp phép ở Liên minh châu Âu (EU) sau khi thử nghiệm lâm sàng đầy đủ. "Sự an toàn của bệnh nhân là ưu tiên hàng đầu. Không có dữ liệu nào về chất lượng, hiệu quả và độ an toàn của vắc-xin Nga" - một phát ngôn viên của Bộ Y tế Đức nói với RND.
Nguồn: [Link nguồn]
Hôm 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga đã đăng ký loại vaccine phòng Covid-19 đầu tiên trên thế giới có tên gọi...