Nga có 'vũ khí không ngờ' có thể làm Ukraine không kịp trở tay
Hộ chiếu Nga cấp hàng loạt cho cư dân Donbass sẽ là yếu tố quyết định liệu Nga có đổ quân can thiệp vào vùng này hay không.
Ngày 17-4, Bộ Ngoại giao Ukraine bất ngờ yêu cầu một quan chức ngoại giao cấp cao tại Đại sứ quán Nga ở thủ đô Kiev có 72 giờ, tính từ ngày 19-4 (giờ địa phương), để rời khỏi nước này. Đây là động thái đáp trả của phía Ukraine sau khi Nga trước đó cùng ngày cũng ra lệnh trục xuất một nhân viên Lãnh sự quán Ukraine tại TP St.Petersburg với cáo buộc tìm cách tiếp cận trái phép nguồn cơ sở dữ liệu của các cơ quan hành pháp Nga.
Binh sĩ Ukraine trong một lần tuần tra ở TP Luhansk thuộc vùng Donbass (Đông Ukraine) gần biên giới Nga. Ảnh: REUTERS
Diễn biến này đến trong bối cảnh Moscow vẫn tiếp tục dồn lượng lớn binh sĩ và khí tài quân sự tới biên giới giáp Đông Ukraine và triển khai nhiều tàu chiến đến Biển Đen. Căng thẳng giữa hai nước nhiều khả năng vẫn sẽ kéo dài.
Nga, Ukraine và câu chuyện hộ chiếu
Hiện nhiều chuyên gia vẫn cảnh báo rằng khả năng bùng nổ chiến tranh tổng lực giữa Nga và Ukraine ở Donbass vẫn rất cao. Tuy nhiên, để có thể đưa quân vào Donbass thì Moscow phải có lý do chính đáng, nếu không muốn bị Kiev cáo buộc là xâm lược và lý do này đã xuất hiện dưới một hình thức: Tấm hộ chiếu Nga.
Theo bài viết mới đây của chuyên gia Peter Dickinson thuộc tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), hai năm qua Moscow đã tiến hành cấp khoảng 650.000 hộ chiếu cho một lượng lớn cư dân Ukraine tại khu vực do phe ly khai kiểm soát ở Donbass. Những người này sau đó sẽ có cơ hội được nhập tịch Nga. Hồi năm 2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng lên tiếng giải thích động thái này là vì mục đích nhân đạo và không vi phạm tinh thần của hai thỏa thuận Minsk đã xác lập.
Tuy nhiên, ông Dickinson cho rằng mọi chuyện không đơn giản như cách giải thích của người đứng đầu Moscow. Một khi Nga cấp hộ chiếu cho người dân tại vùng lãnh thổ ly khai ở Đông Ukraine cũng đồng nghĩa rằng Nga nhận về nghĩa vụ pháp lý bảo hộ những người dân này ở Ukraine bằng biện pháp chính trị, bằng công cụ pháp lý quốc gia và quốc tế; và còn cả bằng hành động quân sự.
Trên thực tế, Moscow trong tháng qua không hề giấu giếm khả năng sẽ can thiệp để bảo vệ cái mà nước này gọi là “những cư dân nói tiếng Nga trong khu vực”. Đơn cử, ngày 8-4, ông Dmitry Kozak, Phó Chánh Văn phòng tổng thống Nga, từng cảnh báo rằng Moscow chắc chắn sẽ điều quân đội bảo vệ các cư dân ở Donbass và một cuộc chiến giữa Nga và Ukraine sẽ là hồi kết của Kiev.
Việc cấp hộ chiếu cho cư dân Donbass cũng được đánh giá là một bước đi rất cao tay của Nga, giúp nước này tăng ảnh hưởng trong khi lại khiến Ukraine rất khó xử. Dù Kiev có đối phó bằng chính sách “có đi có lại”, đồng ý cấp hộ chiếu Ukraine cho cư dân Nga thì cũng chỉ rất hạn chế, vì sẽ không có mấy người Nga xin được cấp hộ chiếu Ukraine, trong khi rất nhiều người Ukraine hiện muốn có hộ chiếu Nga.
Hai kịch bản có thể xảy ra
Với các thông tin trên, chuyên gia Dickinson dự đoán sẽ có hai kịch bản xảy ra liên quan tới một cuộc chiến trong tương lai ở Donbass.
Kịch bản thứ nhất, Moscow sẽ đưa quân vào sáp nhập vùng Donbass vào lãnh thổ Nga tương tự như việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, trên danh nghĩa bảo vệ những người đã được cấp hộ chiếu.
Tuy nhiên, để thực hiện điều này, Nga sẽ phải trả cái giá vô cùng đắt đỏ về chính trị và quân sự, cũng như có nguy cơ bị phương Tây cấm vận thời gian dài. Hơn nữa, động thái đó có thể không nhận được sự ủng hộ của người dân Nga giống như sự kiện Crimea.
Kịch bản thứ hai mà ông Dickinson đánh giá khả thi hơn là quân đội Nga sẽ tiến vào Donbass với vai trò là lực lượng gìn giữ hòa bình để bảo vệ cư dân trong vùng chiến sự rồi xác lập hiện diện lâu dài ở đây. “Thông thường, một lực lượng nước ngoài một khi đã hiện diện thường trực trên lãnh thổ một quốc gia khác sẽ rất khó để bị đánh bật ra” - ông Dickinson nhận xét.
Nga phải có trách nhiệm xuống thang căng thẳng. Chúng tôi muốn một tiến trình chính trị để giải quyết căng thẳng ở một số khu vực của Ukraine nhằm đảm bảo sự hòa bình và ổn định cho người dân nước này. Tôi hoàn toàn ủng hộ đối thoại với Nga trong những cuộc thảo luận cởi mở, hòa nhã và tôn trọng lẫn nhau. Tổng thống Pháp EMMANUEL MACRON trả lời phỏng vấn đài CBS hôm 18-4 |
Sẽ là ác mộng đối với Ukraine nếu Nga đưa quân vào Donbass Theo tờ The Guardian, bất kỳ kịch bản nào mà quân đội Nga đổ quân vào Donbass cũng sẽ là ác mộng đối với Ukraine bởi chênh lệch lớn về sức mạnh quân sự. Kể từ khi chiến sự ở Donbass bùng phát vào năm 2014, Kiev đã nhanh chóng thúc đẩy chi tiêu quốc phòng và tìm kiếm sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế, và trên thực tế cũng đã đạt được một số cải thiện về chất lượng huấn luyện binh sĩ và khí tài. Tuy nhiên, quá trình hiện đại hóa này lại gặp nhiều hạn chế, chẳng hạn trong việc cải thiện máy bay không người lái (UAV), thiết bị liên lạc an toàn và xe tăng chiến đấu. Hơn nữa, phần lớn trang thiết bị của quân đội Ukraine là từ thời Liên Xô. Nếu Nga ra tay tổng lực thì nước này có thể áp dụng nhiều chiến thuật khác nhau, mở các cuộc công kích sử dụng không quân, đặc nhiệm và lính dù, cùng tác chiến điện tử. Quân đội Nga so với giai đoạn 2014-2015 cũng đã tiến bộ hơn rất nhiều với kinh nghiệm huấn luyện, chiến đấu, đã triển khai mới các đội hình chiến thuật dọc theo biên giới với Ukraine, cũng như mở rộng năng lực hậu cần. Ukraine có thể rơi vào thế bất lợi nếu bị công kích từ hướng Crimea và từ phía bắc, nơi Nga đã xây dựng được một căn cứ chỉ cách biên giới Ukraine vài trăm kilomet. Nơi đây Nga có xe tăng, pháo và thậm chí cả tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Lúc đó, Ukraine chỉ có thể gây được thiệt hại nhiều nhất có thể trong các đợt giao tranh đầu tiên rồi rút lui để thực hiện chiến tranh du kích. |
Nguồn: [Link nguồn]
Một cựu sỹ quan cấp tướng của Lực lượng vũ trang Ukraine đã nêu điều kiện để quân đội Kiev sẵn sàng tiến hành tấn...