Nga có mạnh tay nã tên lửa đáp trả Mỹ ở Syria?

Nga gần như chắc chắn sẽ có động thái đáp trả việc Mỹ phóng tên lửa vào Syria trong vài tuần tới, nhưng nhiều khả năng không nhằm trực tiếp nhắm vào quân đội Mỹ.

Nga có mạnh tay nã tên lửa đáp trả Mỹ ở Syria? - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng ra lệnh phóng tên lửa hành trình nhằm vào các mục tiêu khủng bố ở Syria.

Chuyên gia quốc phòng Dave Majumdar mới đây đã đưa ra nhận định trên tờ National Interest, về những động thái sắp tới của Nga sau khi Tổng thống Mỹ Trump nã 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Syria ở tỉnh Homs.

Động thái của Điện Kremlin cho đến nay mới chỉ dừng lại ở việc ngừng kênh liên lạc Nga-Mỹ mà hai bên nhất trí thành lập năm 2015 để tránh đụng độ. Nga cũng cam kết nâng cao khả năng phòng không của quân đội Syria, tránh sự việc tương tự lặp lại trong tương lai.

Chuyên gia Dave Majumdar đánh giá, Moscow sẽ có động thái đáp trả quân sự trong vòng vài tuần tới.

Cụ thể, Nga sẽ không trực tiếp phóng tên lửa nhằm vào các lực lượng Mỹ, mà sẽ chuyển cơn "thịnh nộ" sang những nhóm nổi dậy do Washington hậu thuẫn ở Syria.

Các chiến đấu cơ Nga có thể tăng cường ném bom vào phần lãnh thổ ít ỏi còn lại mà phe nổi dậy đang kiểm soát, tạo điều kiện cho quân đội Syria chiếm lại các mục tiêu quan trọng, giống như những gì đã diễn ra trong chiến dịch vây hãm Aleppo.

Nga có mạnh tay nã tên lửa đáp trả Mỹ ở Syria? - 2

Xe tăng Nga diễu hành trên Quảng trường Đỏ.

Tác giả Majumdar dẫn lời giáo sư tại trường đại học Kinh tế Moscow, Vasily Kashin cho biết, “Nga sẽ giáng đòn trả đũa vào các lực lượng nổi dậy thân Mỹ, đưa thêm lực lượng đến Syria và tổ chức thêm nhiều cuộc tập trận thị uy NATO ở châu Âu”.

Bằng cách làm suy yếu lực lượng nổi dậy thân phương Tây, Nga sẽ đảm bảo rằng, Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn giữ quyền lực, bảo vệ lợi ích cốt lõi của Moscow trong khu vực.

“Điều này sẽ loại bỏ ảnh hưởng của Mỹ tại Syria và thậm chí có thể sẽ gây ra nhiều tổn thất cho đội ngũ tình báo của Washington", ông Kashin nhấn mạnh.

Theo ông Kashin, về cơ bản phản ứng của Nga sẽ tương tự vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi cường kích Su-24 của Nga cuối năm 2015.

Không tấn công trực tiếp vào Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng bằng các đợt không kích dữ dội các nhóm vũ trang thân Ankara tại Syria, Moscow đã gây thiệt hại lớn cho các hoạt động đặc biệt và nguồn lực tình báo của Thổ Nhĩ Kỳ.

Một trong những động thái quân sự đầu tiên của Nga gần đây là việc điều tàu hộ vệ tên lửa Đô đốc Grigorovich tới Địa Trung Hải, áp sát hai tàu khu trục Mỹ từng phóng tên lửa hành trình vào Syria.

Nga có mạnh tay nã tên lửa đáp trả Mỹ ở Syria? - 3

Binh sĩ Nga trong một buổi lễ duyệt binh.

Tình hình càng trở nên phức tạp nếu Mỹ muốn lật đổ chính quyền Assad. Trên thực tế, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Nikki Haley đã nhắc đến khả năng sử dụng vũ lực buộc ông Assad từ chức.

Nếu Mỹ sẵn sàng mở chiến dịch lật đổ Tổng thống Syria, Nga sẽ đáp trả mạnh mẽ nhất, theo ông Kashin. "Đặc biệt, trong trường hợp Mỹ trực tiếp giao chiến với lực lượng Nga ở Syria, Moscow sẽ dùng tên lửa hành trình oanh tạc các lực lượng quân sự của Washington ở khắp Trung Đông. Cuộc xung đột sẽ leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện".

Một quan chức cấp cao của không quân Mỹ cũng cho rằng nếu Mỹ tấn công hệ thống phòng không S-400 và S-300V4 của Nga bố trí tại Syria, chiến tranh toàn diện Nga-Mỹ là khó tránh khỏi.

Nga có mạnh tay nã tên lửa đáp trả Mỹ ở Syria? - 4

Mỹ tấn công tổ hợp phòng không Nga đồng nghĩa với việc kích hoạt chiến tranh.

"Bạn đang nói về việc tiêu diệt hoặc ngăn chặn khí tài quân sự Nga, điều khiển bởi quân nhân Nga. Điều đó có nghĩa là nổ ra chiến tranh toàn diện giữa Nga-Mỹ," quan chức này nói.

Chính quyền Donald Trump hiện mới chỉ gửi đi những thông điệp chưa rõ ràng về việc liệu Mỹ có mở rộng chiến dịch quân sự chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad hay không.

Olga Oliker, giám đốc chương trình Nga và Âu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định nếu Mỹ lựa chọn leo thang cuộc xung đột tại Syria, đặc biệt là hướng tới mục tiêu lật đổ ông Assad, hậu quả có thể rất nghiêm trọng.

“Hệ thống phòng không Nga, Syria đã không khai hỏa, để cho Mỹ nã tên lửa hơn là làm gia tăng khả năng leo thang xung đột”, chuyên gia Oliker nói. “Có thể nói, Nga đã sẵn sàng để tạo khoảng cách với Assad, nhưng nếu Mỹ muốn can thiệp mạnh hơn chống Syria, Moscow chắc chắn sẽ đứng về phía chính quyền Damascus”.

Và khi đó, mục tiêu lật đổ ông Assad sẽ không hề dễ dàng như cách Mỹ xâm lược Iraq năm 2003, Oliker nhận định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - NI ([Tên nguồn])
An ninh thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN