Nga: Chuột hóa "chiến binh" chống khủng bố nhờ chip não
Các nhà khoa học Nga đã tìm ra cách để sử dụng những chú chuột điều khiển từ xa trong cuộc chiến chống khủng bố.
Bằng việc cấy chip vào não một chú chuột, các nhà khoa học Nga đã có thể tạo ra một bản thể chuột được điều khiển từ xa, có thể xâm nhập mọi cơ sở hạ tầng vững chãi nhất và phát hiện ra thuốc phiện hoặc thuốc nổ.
Chuột sở hữu khứu giác nhạy hơn chó rất nhiều lần. Với con chip gắn trong đầu có khả năng giải mã tín hiệu truyền vào não, các nhà khoa học có thể phát hiện ra những thứ nhỏ nhặt nhất mà một chú chuột bình thường sẽ bỏ qua.
Cơ quan an ninh và lực lượng công binh các quốc gia như Colombia, Israel, Hà Lan đã từng sử dụng con chip loại này để gắn vào não chuột, theo tin tình báo Pháp công bố.
Các nhà khoa học Nga đang tìm cách tạo mối liên kết giữa các tín hiệu trong não chuột với mùi vị mà chúng ngửi được. Thời điểm này, các nhà nghiên cứu đang tìm cách hoàn thiện con chip cho phép phát hiện các vật chất nguy hiểm hoặc tới các địa điểm không thể xâm nhập.
Phương pháp mới này có một nhược điểm: cần từ 2 đến 3 tháng để huấn luyện một con chuột trở thành một “chiến binh” thực thụ. Tuy nhiên, vòng đời của chuột chỉ kéo dài chưa đầy 1 năm. Do đó, các nhà khoa học phải huấn luyện chuột liên tục để giúp lực lượng an ninh có những chiến binh chống khủng bố hiệu quả nhất.