Nga chế tạo máy bay siêu âm hạt nhân đầu tiên thế giới?
Khó khăn nhất với chế tạo máy bay siêu âm tàng hình là vật liệu vì khi vượt bức tường âm thanh, áp suất và nhiệt độ tác động lên thân máy bay sẽ vô cùng lớn.
Nga tự tin tuyên bố đã làm chủ công nghệ chế tạo vật liệu làm máy bay siêu âm tàng hình.
Một số trang báo ở Nga khẳng định các kĩ sư ở nước này đã tìm ra một loại vật liệu phù hợp với máy bay siêu âm tàng hình.
Kết quả này sẽ giúp Nga tự sản xuất được những cỗ máy chiến tranh siêu hạng giúp tấn công hạt nhân từ trên không. Các nhà khoa học vũ trụ đang phát triển loại vật liệu mới chịu được áp lực và nhiệt độ cao khi di chuyển với vận tốc gấp nhiều lần tốc độ âm thanh.
Thông tin được một quỹ nghiên cứu nhà nước công bố, khẳng định Nga sẽ là nước tiên phong trong vật liệu độ bền cao.
Phá vỡ hàng rào âm thanh và đạt vận tốc 6.000km/giờ sẽ khiến vật liệu chế tạo máy bay chịu sức ép và nhiệt độ vô cùng lớn. Trước đây, Nga từng tuyên bố kế hoạch chế tạo máy bay ném bom tàng hình với tốc độ siêu âm hoàn thành trong năm 2020.
Các mẫu PAK-DA có thể bay với vận tốc nhanh hơn mọi máy bay hiện có, tấn công bất kì mục tiêu nào ở Trái đất với thời gian ít hơn 2 giờ bằng đầu đạn hạt nhân hủy diệt.
Để có được khả năng siêu âm, trở ngại lớn nhất là thiết kế và vật liệu chế tạo. “Có nhiều tiến bộ đạt được trong lĩnh vực này và Nga đang là nước tiên phong về vật liệu máy bay”, quỹ nghiên cứu tuyên bố.
Các kĩ sư từ Mỹ, Australia, Anh và Trung Quốc đang cố gắng phát triển máy bay siêu âm di chuyển với tốc độ Mach 5 (gấp 5 lần âm thanh), xấp xỉ 6.100 km/giờ.
Tiêm kích đánh chặn tầm xa của Nga có tốc độ vượt bức tường âm thanh.
Tại Australia, máy bay Scramjet đang được thử nghiệm với động cơ chở theo nhiên liệu hydro và hút oxy trong không khí để đốt cháy nhiên liệu. Nhóm nghiên cứu hy vọng máy bay có thể đạt Mach 7.
Ngoài ra, chương trình phát triển máy bay siêu âm của Anh do tập đoàn BAE Systems chế tạo được đánh giá là tuyệt mật nhất hiện nay. Cỗ máy chiến đấu 200 triệu bảng Anh dự kiến sẽ là máy bay hiện đại nhất của Không quân Hoàng gia Anh.
Nhóm kĩ sư Trung Quốc cũng đang cố gắng phát triển máy bay siêu âm có thể chở khách lên không gian vào năm 2030.
Ngoài trở ngại vật liệu, các nhà nghiên cứu phải tìm cách vượt qua rào cản thông tin liên lạc. Máy bay siêu âm sẽ bị bao phủ bởi một bong bóng plasma siêu nóng, ngăn cản mọi tín hiệu điện từ và khiến phương tiện mất liên lạc với trạm chỉ huy.
Theo tờ Sputnik của Nga, các nhà nghiên cứu ở nước này có hơn 40 phòng thí nghiệm để giải quyết vấn đề liên lạc. Ở Trung Quốc, nhà khoa học định dùng một lớp thông tin chồng nhau để gửi tín hiệu qua bong bóng plasma.