Nga “châm lửa” trên biển Đen, đáp trả trừng phạt Mỹ

Hãng thông tấn Nga cho biết Nga sẽ hạn chế hoạt động qua lại của các tàu quân sự và tàu treo cờ nước ngoài ở một số khu vực trên biển Đen cho đến tháng 10, động thái nhanh chóng vấp phải chỉ trích của Ukraine và Liên minh châu Âu (EU).

Thông báo được đưa ra hôm 16-4 trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang trong những tuần gần đây. Hãng tin RIA Novosti dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ: "Từ 21 giờ ngày 24-4 đến 21 giờ ngày 31-10, việc đi qua lãnh hải của Nga đối với các tàu quân sự và các tàu treo cờ nước ngoài sẽ bị tạm dừng".

Theo kênh Al Jazeera, các hạn chế nói trên sẽ ảnh hưởng đến mũi phía Tây của Crimea, đường bờ biển phía Nam của bán đảo từ Sevastopol đến Hurzuf và khu vực ngoài khơi bán đảo Kerch gần Khu bảo tồn thiên nhiên Opuksky.

Chiến đấu cơ Nga bay trên cầu nối Nga và bán đảo Crimea. Ảnh: Reuters

Chiến đấu cơ Nga bay trên cầu nối Nga và bán đảo Crimea. Ảnh: Reuters

Một quan chức cấp cao của EU mô tả động thái này là một "diễn biến rất đáng lo ngại". Quan chức này nói thêm các hạn chế của Nga sẽ làm gia tăng căng thẳng vì Nga đang "thực hiện các biện pháp đơn phương trong không gian quốc tế".

Một trong những khu vực bị ảnh hưởng nằm gần eo biển Kerch, nối Biển Đen với biển Azov và có tầm quan trọng thiết yếu đối với việc xuất khẩu ngũ cốc và thép từ Ukraine.

Eo biển Kerch đã trở thành nơi diễn ra cuộc đối đầu vào năm 2018 sau khi Nga bắt giữ 3 tàu Ukraine ở đó với cáo buộc xâm phạm lãnh hải của nước này.

Bộ Ngoại giao Ukraine cũng đã lên tiếng chỉ trích các hạn chế hàng hải của Nga, đồng thời nhấn mạnh theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển rằng Nga không được cản trở cũng như không được ngăn quá cảnh qua eo biển quốc tế đến các cảng ở biển Azov.

Trong diễn biến liên quan căng thẳng Nga-Ukraine, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov hôm 16-4 tuyên bố Moscow sẽ trục xuất 10 quan chức ngoại giao Mỹ để đáp trả việc Washington trước đó đã có hành động tương tự với 10 quan chức Nga, đồng thời đề nghị đại sứ Mỹ về nước để tham vấn.

Tuy phản ứng của Nga được đưa ra nhanh chóng và các biện pháp nhằm vào lợi ích của Mỹ nhưng động thái của Moscow được cho là vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại và không dập tắt ý tưởng mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga.

Theo hãng tin Reuters, ngoài trục xuất 10 nhà ngoại giao Mỹ, Nga cũng đã cấm 8 quan chức cấp cao còn đương nhiệm và cựu quan chức Mỹ vào nước này với cáo buộc có vai trò trong việc mà Moscow gọi là "đường lối chống Nga".

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov. Ảnh: EPA

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov. Ảnh: EPA

Trong số những quan chức bị cấm gồm có Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray, Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland và Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas.

Nga cũng sẽ chấm dứt hoạt động của các quỹ và tổ chức phi chính phủ của Mỹ ở Nga mà Moscow cho là đã can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

Ông Lavrov cũng đề cập các biện pháp có thể gây "tổn hại" nhằm vào hoạt động kinh doanh của Mỹ tại Nga.

Nguồn: [Link nguồn]

3 tàu pháo Ukraine dọa nổ súng nhằm vào tàu tuần tra Nga

Các tàu hải quân Ukraine đe dọa nổ súng nhằm vào các tàu tuần tra của Lực lượng An ninh Liên bang Nga (FSB), vài giờ trước...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Mai ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN