Nga cấp tập vá lỗ hổng an ninh sau vụ 3 sân bay bị tập kích
Tổng thống Vladimir Putin triệu tập cuộc họp khẩn với Hội đồng An ninh Nga để thảo luận về khả năng phòng thủ, sau khi 3 sân bay nằm sâu trong lãnh thổ Nga bị tập kích.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối ngày 6/12 đã triệu tập một cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga để thảo luận về khả năng phòng thủ trong nước, không lâu sau khi Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine tiến hành tập kích một loạt căn cứ quân sự nằm sâu trong lãnh thổ nước này.
Cột khói bốc lên từ sân bay ở Kursk. Ảnh: Drive
Thông tin chi tiết về cuộc họp không được Điện Kremlin công bố, nhưng FoxNews dẫn lời các quan chức Nga khẳng định Moscow đang tìm cách củng cố "an ninh nội địa".
Cuộc họp được mô tả là đã diễn ra vài giờ sau khi sân bay quân sự của Nga ở thành phố Kursk, cách biên giới Ukraine khoảng 90km, bị tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) hôm 6/12, khiến một kho dầu bốc cháy nhưng không gây thương vong.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga ngày 5/12 cáo buộc Ukraine sử dụng UAV từ thời Liên Xô tập kích hai căn cứ không quân Dyagilevo và Engels, khiến 3 kỹ thuật viên Nga thiệt mạng, 4 quân nhân bị thương, một số máy bay bị hư hại.
Hình ảnh được cho là một chiếc Tu-22 của Nga hư hại sau đợt tập kích mới nhất nhắm vào sân bay Dyagilevo. Ảnh: Không quân Ukraine/Twitter
Các sân bay Dyagilevo và Engels đều nằm sâu trong biên giới Nga và là nơi bố trí các loại máy bay ném bom chiến lược Tu-160, Tu-95MS và Tu-22 của Moscow. Quân đội Nga cùng ngày đã phóng tên lửa nhằm vào 17 mục tiêu ở Ukraine để đáp trả.
Ukraine không chính thức thừa nhận đứng sau các vụ việc. Tuy nhiên, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine, viết trên Twitter rằng, "nếu thứ gì đó được phóng vào không phận nước khác, sớm muộn sẽ có những vật thể bay không xác định lao về điểm xuất phát của chúng".
Từ Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định, Mỹ "không tạo điều kiện cho Ukraine tấn công ra ngoài biên giới" và cũng "không khuyến khích Ukraine tấn công ra ngoài biên giới". Quan chức Mỹ cũng cho biết nước này chỉ gửi khí tài để Ukraine phòng thủ.
Một tổ hợp vận hành Tu-141 của Ukraine. Ảnh: GettyImages
Một số nguồn tin quân sự tin rằng, loại vũ khí được sử dụng trong các vụ tập kích mới nhất nhắm vào các căn cứ Dyagilevo và Engels là mẫu Tu-141 Strizh chạy bằng động cơ phản lực, ban đầu được Liên Xô chế tạo như một UAV trinh sát.
Sau khi Liên Xô tan rã, Tu-141 ngừng hoạt động ở Nga bởi thiết kế cũ, song Ukraine được cho là vẫn niêm cất và vận hành một vài tổ hợp loại này. Khi chiến sự nổ ra ở miền Đông Ukraine năm 2014, Tu-141 từng được phát hiện bay trên bầu trời gần khu vực biên giới Nga.
Ở giai đoạn đầu chiến sự, một chiếc Tu-141 từ Ukraine cũng bay một mạch qua Romania, Hungary và rơi ở Croatia, 3 nước thành viên NATO, mà không gặp phải phản ứng nào. Sự cố này đã khiến NATO lục đục, khi các nước đặt câu hỏi về năng lực phòng không chung của khối.
Nguồn: [Link nguồn]
Vụ tấn công vào sân bay vùng Kursk xảy ra chỉ một ngày sau khi 2 sân bay quân sự của Nga ở vùng Ryazan và vùng Saratov bị máy bay không người lái (UAV) tấn công, gây thương vong.