Nga cảnh báo hậu quả nếu Ukraine không gia hạn vận chuyển khí đốt
Điện Kremlin cho rằng châu Âu phải chịu hậu quả trừ khi Ukraine chấp nhận gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt.
Ukraine đã tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt với Nga (ảnh: Reuters)
Người dân châu Âu sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho năng lượng trừ khi Ukraine tiếp tục thỏa thuận trung chuyển khí đốt với Nga (sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2024), Điện Kremlin cho biết hôm 28/8.
“Vẫn có những tuyến đường khác, nhưng tất nhiên, quyết định như vậy của Ukraine sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của người tiêu dùng châu Âu, những người vẫn muốn mua khí đốt Nga vì an toàn hơn, giá cả phải chăng hơn”, ông Dmitry Peskov – người phát ngôn Điện Kremlin – nói.
Theo ông Peskov, nếu không nhập khí đốt Nga, châu Âu sẽ phải trả nhiều tiền hơn để mua khí đốt từ nước khác, bao gồm cả việc mua khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ. Điều này có thể khiến kinh tế châu Âu trở nên kém cạnh tranh hơn.
“Có những tuyến đường thay thế. Chúng tôi có kế hoạch xây dựng một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Công việc này đang được tiến hành”, ông Peskov nói.
Trước đó, hôm 27/8, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố, Kiev không có kế hoạch gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga.
Hồi tháng 12/2019, Ukraine và Nga đã ký thỏa thuận trung chuyển khí đốt kéo dài 5 năm. Theo đó, khí đốt Nga có thể trung chuyển qua lãnh thổ Ukraine tới các nước EU với lưu lượng 40 – 45 tỷ m3/năm.
Năm 2021, Ukraine đã nhận được khoảng 1 tỷ USD phí trung chuyển khí đốt của Nga.
Năm 2022, do lượng khí đốt trung chuyển thấp hơn (sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga), Ukraine chỉ nhận được khoảng 700 triệu USD phí trung chuyển.
Theo Reuters, nếu không trung chuyển khí đốt qua Ukraine, Nga có thể dẫn khí đốt qua TurkStream (đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ), Bulgaria, Serbia hoặc Hungary vào EU. Tuy nhiên, công suất qua các tuyến đường này không lớn.
Giá nhiên liệu ở châu Âu đã tăng vọt sau khi quân đội Ukraine được cho là đã tiến vào trạm trung chuyển khí đốt Sudzha ở vùng Kursk của Nga.
Nguồn: [Link nguồn]