Nga cảnh báo giá khí đốt tăng tới mức chưa từng có
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, giá khí đốt ở châu Âu có thể tăng chạm mốc 5.000 euro/1.000 mét khối trên thị trường giao ngay, trước khi có xu hướng giảm.
Châu Âu đang phải đối mặt với khủng hoảng năng lượng khi giá khí đốt tăng (ảnh: RT)
“Gửi nguyên thủ và chính phủ các nước thuộc Liên minh châu Âu, liên quan đến tình hình giá khí đốt đã tăng tới mức 3.500 euro/1.000 mét khối, chúng tôi buộc phải cảnh báo rằng, giá khí đốt có thể tăng tới 5.000 euro (cho 1.000 mét khối) vào cuối năm 2022”, TASS hôm 28/8 dẫn lời ông Dmitry Medvedev.
Theo hãng thông tấn Nga, 5.000 euro/1.000 mét khối khí đốt là mức giá cao chưa từng có trên thị trường châu Âu.
Trước đó, hôm 26/8, RT đưa tin giá khí đốt giao ngay trên thị trường châu Âu đã tăng sát mốc 3.500 euro/1.000 mét khối.
Trước đó, Tập đoàn Gazprom (Nga) thông báo, từ ngày 31/8 - 2/9, thiết bị nén khí đốt còn vận hành duy nhất của hệ thống đường ống Nord Stream 1 sẽ được bảo trì định kỳ bởi “chuyên gia Gazprom và đồng nghiệp từ tập đoàn Siemens của Đức”. Trong thời gian này, sẽ không có khí đốt vận chuyển từ Nga tới châu Âu.
Gazprom khẳng định, theo hướng dẫn của Siemens, các hệ thống máy nén khí phải tạm dừng sau mỗi 1.000 giờ hoạt động để kiểm tra tình trạng vỏ máy, hệ thống cung cấp dầu bôi trơn, van an toàn và điều chỉnh lưu lượng.
Sau khi kiểm tra và không phát hiện lỗi kỹ thuật, Nord Stream 1 sẽ vận hành trở lại với công suất 33 triệu m3 khí/ngày, tương đương 20% công suất tối đa.
Trong bối cảnh giá khí đốt tăng cao, kế hoạch đối phó chủ yếu của các nước châu Âu là tăng cường tích trữ và giảm bớt tiêu thụ.
27 nước EU đã nhất trí lấp đầy các kho dự trữ đến mức 85% vào tháng 11, đồng thời cam kết giảm tiêu thụ khí đốt 15% trong những tháng mùa đông. Về phía Nga, các kho dự trữ khí đốt của nước này đã đầy hơn 91%, theo thông báo hôm 26/8.
Giá khí đốt tăng cao từ cuối tháng 2 tới nay khiến giá điện ở nhiều nước châu Âu cũng tăng “phi mã”, theo RT.
Hôm 28/8, Thủ tướng Áo Karl Nehammer đã kêu gọi EU áp đặt mức trần giá điện, đồng thời không để giá khí đốt ảnh hưởng tới giá điện.
“Chúng ta phải ngăn chặn sự cuồng loạn trên thị trường năng lượng. Điều này chỉ có thể làm được nếu EU nhất trí. Tôi kêu gọi 27 nước cùng sát cánh để ngăn bùng nổ giá điện ngay lập tức”, Thủ tướng Áo Karl Nehammer kêu gọi.
Sự tăng hoặc giảm giá điện ở châu Âu phụ thuộc vào giá khí đốt, theo RT. Hiện giá điện ở châu Âu đã tăng khoảng 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
“Chúng ta không thể để Nga kiểm soát giá điện của châu Âu”, ông Karl Nehammer nói.
Giá năng lượng toàn cầu tăng vọt hoàn toàn có lợi cho Moscow, các nhà phân tích nhận định.
Nguồn: [Link nguồn]