New Delhi biến thành 'pháo đài' trước Hội nghị thượng đỉnh G20

Trước khi lãnh đạo các nước giàu mạnh nhất thế giới đến New Delhi để dự Hội nghị thượng đỉnh G20, Ấn Độ triển khai máy bay chiến đấu trực quanh thủ đô, vẽ tranh tường trên đường hầm và xua đuổi đàn khỉ khỏi các tòa nhà chính phủ.

Cảnh sát New Delhi chặn đường trong cuộc diễn tập trước hội nghị hôm 3/9. (Ảnh: Bloomberg)

Cảnh sát New Delhi chặn đường trong cuộc diễn tập trước hội nghị hôm 3/9. (Ảnh: Bloomberg)

Hội nghị này là khoảnh khắc được chờ đợi từ lâu đối với Ấn Độ. Thủ tướng Narendra Modi đang nỗ lực định vị quốc gia như một siêu cường mới nổi, với tầm ảnh hưởng có thể điều hướng những căng thẳng địa - chính trị của thế giới, xử lý tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm lại, giá lương thực và năng lượng tăng cao.

Vào cuối tuần này, ông sẽ thể hiện điều đó khi chào đón Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Rishi Runak và các nhà lãnh đạo khác đến dự diễn đàn toàn cầu quan trọng nhất của năm.

Việc đảm bảo thành công của thượng đỉnh G20 không chỉ cần ngoại giao thông minh. Trong nhiều tháng qua, các quan chức Ấn Độ nỗ lực tìm ra cách tốt nhất để bảo đảm an toàn cho New Delhi, một thành phố đông đúc và ô nhiễm với 20 triệu dân, nơi những pháo đài thời Mugul cổ đại nằm ngay sát các tuyến đường cao tốc chật kín xe buýt, xe hơi và xe kéo.

Tâm điểm cần bảo vệ là trung tâm New Delhi, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh từ ngày 9-10/9. Khu vực rộng 16,5 dặm vuông vốn là công viên được cắt tỉa cẩn thận, đặt những tượng đài bằng đá sa thạch và nhà gỗ thấp tầng dành cho giới thượng lưu.

Để giảm bớt giao thông, chính quyền yêu cầu các trường học, ngân hàng, hầu hết doanh nghiệp tư nhân và nhiều cơ quan chính phủ đóng cửa. Đường nối với các bang lân cận cũng sẽ bị tạm đóng, trong khi hơn 100.000 cảnh sát và nhân viên an ninh được điều xuống đường bảo đảm trật tự. Pháo hạng nặng, camera sử dụng trí tuệ nhân tạo, thiết bị gây nhiễu và chó đánh hơi sẽ được sử dụng trong dịp này.

Khu vực nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20. (Ảnh: Bloomberg)

Khu vực nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20. (Ảnh: Bloomberg)

Michael Kugelman, giám đốc Viện Nam Á tại Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington, cho rằng có rất nhiều mối đe dọa đối với Thủ tướng Modi trong dịp thượng đỉnh G20. Lịch sử của Ấn Độ trải dài qua các đế chế và những sự kiện mang tính bước ngoặt đối với tiểu lục địa, từ các cuộc phân chia đến bạo loạn tôn giáo.

Cảnh sát sẽ phải ngăn các nhà hoạt động và biểu tình liên quan đến những vấn đề nóng, trong đó có đợt bạo lực sắc tộc bang Manipur thuộc miền đông bắc và đụng độ ở một số thị trấn lân cận thủ đô.

Việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 thành công có thể nâng cao danh tiếng của ông Modi với tư cách là một nhà lãnh đạo có năng lực. Đó cũng là cơ hội cho đảng Bharatiya Janata cầm quyền trong 5 cuộc bầu cử cấp bang sẽ diễn ra trong năm nay và một cuộc bầu cử toàn quốc dự kiến diễn ra vào mùa hè năm sau.

“New Delhi cực kỳ coi trọng vai trò chủ tịch của mình và gắn vai trò này không chỉ với các lợi ích quốc gia cốt lõi và các mục tiêu chính sách đối ngoại mà cả chính trị trong nước”, Kugelman nhận định.

Địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay rất hoành tráng. Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ gặp nhau tại trung tâm triển lãm và hội nghị đã được tân trang lại, với diện tích lớn hơn nhà hát Opera Sydney của Úc, sử dụng thiết kế của Aedas, công ty đã tạo ra Vịnh Marina nổi tiếng của Singapore. Toàn bộ quá trình cải tạo mất 4 năm rưỡi với chi phí 27 tỷ rupee (326 triệu USD).

Những tấm áp phích in hình Thủ tướng Modi và logo G20 trải dọc các con đường. Các tác phẩm điêu khắc, đài phun nước và hoa trang trí bùng binh, cây được giăng đèn để trở nên sáng rực vào ban đêm. Những cây cầu vượt và cầu đường sắt xám xịt, buồn tẻ cũng trở nên sáng sủa nhờ đèn và tranh tường mô tả những vị thần Hindu cùng các động tác khiêu vũ.

Chính quyền còn cố gắng loại những loài động vật hoang dã phiền phức khỏi tầm ngắm. Để xua đuổi hàng nghìn con khỉ nhỏ lảng vảng gần các văn phòng chính phủ và ăn trộm thức ăn của người đi bộ, giới chức cho đặt trên vỉa hè những hình cắt kích thước thật của loài voọc mặt đen lớn.

Một hình cắt kích thước thật của loài voọc mặt đen lớn được treo ven đường để xua khỉ. (Ảnh: Bloomberg)

Một hình cắt kích thước thật của loài voọc mặt đen lớn được treo ven đường để xua khỉ. (Ảnh: Bloomberg)

Trước khi thượng đỉnh diễn ra, chính quyền đã tính đến mọi nguy cơ rủi ro có thể tưởng tượng được. Theo lệnh của cảnh sát New Delhi, khinh khí cầu bị cấm bay phía trên thành phố cho đến ngày 12/9. Dù lượn cũng bị cấm.

Để bảo vệ các nhà lãnh đạo đến New Delhi, các lực lượng vũ trang sẽ triển khai đội biệt kích, lính bắn tỉa, đội xử lý bom, đội phát hiện chất nổ, công nghệ chống máy bay không người lái, đội phản ứng nhanh với các mối đe dọa hóa học và hạt nhân, máy bay giám sát tầm xa, và máy bay chiến đấu, Bloomberg dẫn lời những người nắm được kế hoạch cho biết.

Dependra Pathak, chỉ huy lực lượng cảnh sát đặc biệt về luật pháp và trật tự của New Delhi, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Để ngăn chặn các cuộc biểu tình và tụ tập, nhiều cơ quan trong nước cung cấp cho chúng tôi thông tin theo thời gian thực”.

Từ ngày 8/9, việc tiếp cận New Delhi sẽ đặc biệt khó khăn. Dù tàu điện ngầm của thành phố vẫn hoạt động nhưng cảnh sát giao thông sẽ cấm hầu hết hoạt động di chuyển khác gần quốc hội và các cơ quan chính phủ. Khu vực tập trung khách sạn 5 sao được chọn làm nơi nghỉ của các nhà lãnh đạo sẽ bị phong tỏa.

Sợ khỉ quấy phá thượng đỉnh G-20, Ấn Độ dùng đến ”người khỉ”

Ấn Độ lo ngại những “đội quân khỉ” có thể tấn công đoàn xe chở nguyên thủ các nước tới dự Hội nghị thượng đỉnh G-20.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang - Bloomberg ([Tên nguồn])
Tin tức Ấn Độ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN