Nếu Ukraine được dùng tên lửa tầm xa tấn công Nga, xung đột có thể thay đổi ra sao?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, Ukraine có ít nhất 225 mục tiêu tiềm tàng trên đất Nga để tấn công ngay lập tức nếu được Mỹ và phương Tây "bật đèn xanh" cho sử dụng tên lửa tầm xa.

Ông Zelensky ký lên một tên lửa hành trình năm 2023. Ảnh: Alamy

Ông Zelensky ký lên một tên lửa hành trình năm 2023. Ảnh: Alamy

Tại một căn cứ không quân ở ngoại ô thành phố Lipetsk, miền tây nước Nga, các quân nhân đang hăng say tập luyện. Theo tờ Telegraph (Anh), căn cứ này có thể sẽ sớm nằm trong tầm ngắm của quân đội Ukraine nếu Mỹ và Anh đồng ý gỡ bỏ các hạn chế sử dụng vũ khí tầm xa cho Kiev.

Mặc dù không có quyết định nào như vậy được đưa ra trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Anh tới Ukraine trong tuần này, nhưng đó là điều có thể đang được cân nhắc và xảy ra ở một thời điểm nào đó trong tương lai. Mỹ và phương Tây trước đây từng dỡ bỏ một số hạn chế cho Ukraine trong việc nhận và sử dụng vũ khí mà họ cung cấp.

Theo Telegraph, nếu Mỹ và phương Tây "bật đèn xanh" cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công vào các mục tiêu quân sự sâu trong lãnh thổ Nga, diễn biến của cuộc xung đột sẽ thay đổi.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), tổ chức tư vấn có trụ sở ở Mỹ, cho rằng có ít nhất 225 mục tiêu tiềm tàng trong lãnh thổ Nga mà Ukraine có thể tấn công ngay lập tức nếu được sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây.

Các mục tiêu này bao gồm sân bay quân sự, căn cứ huấn luyện, trung tâm hậu cần và các cơ sở sản xuất quân sự.

Ông Zelensky đã nhiều lần kêu gọi phương Tây dỡ bỏ các lệnh hạn chế về vũ khí cung cấp cho Kiev. Chuyến thăm hôm 11/9 của Ngoại trưởng Mỹ và Ngoại trưởng Anh tới Kiev cũng được cho là để thảo luận vấn đề này với ông Zelensky.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa Storm Shadow (Anh, Pháp) và ATACMS (Mỹ) không phải giải pháp tối ưu.

"Chúng ta không nên quá kỳ vọng vào việc đó", Matthew Savill, giám đốc khoa học quân sự thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), nói với Telegraph. "Tôi e rằng một số cuộc nói chuyện về việc đảo ngược tình thế hoặc các bình luận kiểu đó chỉ đang thổi phồng những gì tên lửa Storm Shadow có thể làm được".

Ngoài ra, cũng có những nghi ngờ về số lượng tên lửa Storm Shadow còn trong kho vũ khí của Ukraine khi nước này bắt đầu sử dụng chúng từ mùa xuân năm ngoái.

Nhà phân tích quốc phòng an ninh Colby Badhwar cho biết, Anh hiện không còn sản xuất tên lửa Storm Shadow với số lượng lớn. Vì vậy, nếu không còn nhiều tên lửa này trong kho, Ukraine sẽ phải lựa chọn mục tiêu kỹ lưỡng để tránh lãng phí.

Một vấn đề nữa là tầm hoạt động của tên lửa Storm Shadow và ATACMS. Trong khi 2 tên lửa này đều có thể tấn công mục tiêu ở cách xa hơn 300km, giới chức tình báo Mỹ cho rằng Nga đã chuyển 90% chiến đấu cơ ra khỏi phạm vi này của tên lửa phương Tây.

Trong trường hợp được phương Tây cho phép thoải mái sử dụng vũ khí tầm xa, Ukraine có thể được hưởng lợi về chính trị và chiến thuật.

Theo Telegraph, quyết định dỡ bỏ các lệnh hạn chế vũ khí của phương Tây (nếu được đưa ra) sẽ gửi đi một tín hiệu rằng phương Tây không còn e ngại sự trả đũa của Nga. Việc Mỹ, Anh và Pháp cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công vào đất Nga cũng có thể khích lệ Đức làm điều tương tự với tên lửa Taurus.

Một số vũ khí khác cũng có thể được cung cấp cho Ukraine như tên lửa JASSM do Mỹ sản xuất, có thể giúp quân đội Ukraine tấn công mục tiêu ở Nga trong phạm vi 305km. Có khoảng 30 căn cứ không quân Nga nằm trong phạm vi này.

Kể từ đầu xung đột, Ukraine đã chứng minh khả năng tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga bằng việc sử dụng UAV do Kiev tự sản xuất. Tuy nhiên, các UAV này không thể mang đầu đạn hay lượng thuốc nổ đủ để xuyên phá các cấu trúc kiên cố của Nga.

Dù có thời điểm để chiến đấu cơ và đạn dược ngoài trời, nhưng quân đội Nga phần lớn vẫn sử dụng các boongke được gia cố bằng bê tông dày để bảo vệ trang thiết bị quân sự.

Theo Telegraph, tên lửa Storm Shadow có thể xuyên phá các boongke như vậy. Đó là lý do vì sao các quan chức Ukraine đang cố thuyết phục Thủ tướng Anh Keir Starmer dỡ bỏ các lệnh hạn chế với Ukraine trong việc sử dụng loại tên lửa này.

Tên lửa ATACMS. Ảnh: Babel News

Tên lửa ATACMS. Ảnh: Babel News

Tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất lại được sử dụng theo cách khác.

ATACMS là tên lửa đạn đạo được trang bị bom chùm, có thể rải hàng nghìn quả bom nhỏ nhằm vào một mục tiêu. Loại tên lửa này phù hợp để vô hiệu hóa các sân bay hoặc tấn công vào các khu vực tập trung đông các lực lượng Nga.

Theo Telegraph, để thực sự hiệu quả, việc phóng tên lửa tầm xa phải kết hợp với các bước tiến của lực lượng bộ binh Ukraine trên thực địa.

"Nếu Ukraine không có các bước tiến lớn trên thực địa, áp lực của nước này lên hậu phương của Nga là chưa đủ", Matthew Savill, giám đốc khoa học quân sự thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), nói.

Các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine được phát động trước cuộc phản công thất bại vào hè năm ngoái không hiệu quả vì quân đội Ukraine không thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ mặt đất của Nga.

Các cuộc tấn công xuyên biên giới vào Nga cũng chỉ cho phép Ukraine tận dụng lợi thế trên bộ ở một số khu vực nhất định của chiến trường.

Các cuộc thảo luận kéo dài về việc có nên cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga hay không cũng có những tác động nhất định.

Các cuộc họp ở Washington và chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ, Anh tới Kiev như một dấu hiệu cho thấy quyết định của phương Tây (cho phép Kiev dùng vũ khí tầm xa tấn công Nga) có thể được công khai. Điều đó có nghĩa là yếu tố bất ngờ không còn.

Điện Kremlin ngày 11/9 tuyên bố sẽ đáp trả "thích đáng" nếu Mỹ cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa.

Nguồn: [Link nguồn]

Truyền thông Nga đưa tin, Ukraine đã thực hiện cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Lugansk, hệ thống phòng không Nga đã ngay lập tức được kích hoạt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Telegraph, Guardian ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN