Nếu Ukraine chọn trung lập, xung đột với Nga có thể chấm dứt?
Suốt nhiều năm, Ukraine đã thể hiện mong muốn gia nhập NATO. Tuy nhiên, trong cuộc xung đột với Nga, Ukraine có thể đã nhận ra rằng, khả năng đó gần như bằng không và trung lập là con đường tốt hơn cả.
Trung lập là điều kiện chấm dứt xung đột với Ukraine mà Nga nhiều lần nhấn mạnh (ảnh: AP)
Từ năm 2019, việc gia nhập NATO đã được ghi nhận trong hiến pháp Ukraine. Điều này đồng nghĩa với việc nước này không thể đi theo con đường trung lập như Nga mong muốn.
Theo quy định của luật quốc tế, quốc gia trung lập sẽ không tham gia, can thiệp vào xung đột quân sự ở nước khác, không gây chiến, tham chiến trừ trường hợp tự vệ, không tham gia các liên minh quân sự, không ký kết hiệp ước dẫn đến xung đột vũ trang, không cung cấp tài chính, vũ khí, phương tiện phục vụ chiến tranh, không cho phép các bên xung đột ở nước khác tuyển mộ nhân viên quân sự, không cho phép nước khác lập căn cứ quân sự, hậu cần trên lãnh thổ của mình.
Thụy Sĩ và Áo là 2 ví dụ điển hình về một quốc gia theo đường lối trung lập thành công trên thế giới.
Fotios Moustakis – phó giáo sư nghiên cứu chiến lược chính trị tại Đại học Plymouth (Anh) – cho rằng, nếu Ukraine từ bỏ ý định gia nhập NATO và chọn con đường trung lập, nước này sẽ chịu ảnh hưởng lớn về an ninh từ Nga.
Giao tranh ở Ukraine vẫn diễn ra cam go ở nhiều thành phố (ảnh: Daily Mail)
“Trong Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Bucharest vào tháng 4.2008, Nga đã tuyên bố việc Gruzia và Ukraine trở thành thành viên NATO là sai lầm và đe dọa tới lợi ích cốt lõi của Nga. Chiến dịch quân sự tại Ukraine là cách Nga hiện thực hóa tuyên bố trên”, ông Moustakis nói.
“Nếu những lợi ích cốt lõi không được phương Tây xem trọng, Nga buộc phải giáng đòn Ukraine. Nga đang làm điều đó. Họ cho thấy việc ngăn Ukraine gia nhập NATO là lợi ích sống còn”, ông Moustakis nói thêm.
Tuy nhiên, ông Moustakis cho rằng, Nga không mong muốn “tái lập Liên Xô” bằng chiến dịch quân sự ở Ukraine.
“Nga không mong muốn chiếm đóng hoàn toàn Ukraine. Họ đã nhiều lần khẳng định điều đó. Dựa trên lập trường và khả năng thực tế của Nga, trung lập đối với Ukraine là liều thuốc chữa bách bệnh để giải quyết khủng hoảng”, ông Moustakis nhận định.
Đồng quan điểm trên, Graham Gill – giáo sư tại Đại học Sydney (Úc) – cho rằng, để duy trì hòa bình và ổn định, Ukraine đôi khi cần từ bỏ một số lý tưởng của mình.
“Đối với tình hình Ukraine hiện tại, trung lập không chỉ là lựa chọn thực tế mà còn thực dụng”, ông Graham Gill nối.
Tổng thống Ukraine Zelensky mới đây đã thừa nhận Ukraine không thể gia nhập NATO (ảnh: CNN)
Sau hơn 2 tuần Nga mở chiến dịch quân sự, Ukraine đã không còn mặn mà với tư cách thành viên NATO.
Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với giới chức quân đội vào ngày 15.3, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, nước này không thể gia nhập NATO.
"Ukraine không phải quốc gia thành viên NATO. Chúng tôi hiểu điều đó. Suốt nhiều năm qua, chúng tôi luôn nghe rằng những cánh cửa rộng mở, nhưng cũng phải hiểu rằng Ukraine không thể gia nhập liên minh. Đó là thực tế và cần được chấp nhận", ông Zelensky nói.
Katharine AM Wright – giảng viên cao cấp về chính trị quốc tế tại Đại học Newcastle (Anh) – cho rằng, mặc dù vẫn có nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ, nhưng trung lập là “chìa khóa” tốt nhất giúp Ukraine chấm dứt chiến dịch quân sự của Nga.
“Nếu lựa chọn trung lập, Ukraine sẽ cần tìm đến các đối tác an ninh bên ngoài NATO. Họ có thể tìm đến các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc như Trung Quốc, Pháp, Anh hoặc Mỹ để bảo đảm an ninh”, chuyên gia Wright nhận xét.
Nguồn: [Link nguồn]
Có những “mâu thuẫn cơ bản” giữa các bên trong cuộc đàm phán hôm 15.3, một nhà ngoại giao của phái đoàn Ukraine tiết lộ. Tuy nhiên, hai bên dường như đã có phần điều chỉnh...