Nếu Trung-Ấn giao tranh ở biên giới, nước nào sẽ thắng?
Nếu như căng thẳng biên giới khiến Trung Quốc và Ấn Độ phải dùng đến các biện pháp quân sự thì New Delhi đang sở hữu lực lượng hùng hậu hơn cả về quân số và chất lượng.
Hệ thống pháo 155mm của Ấn Độ khai hỏa.
Theo trang mạng Swarajya (Ấn Độ), căng thẳng trên cao nguyên Doklam nhiều khả năng sẽ không dẫn đến chiến tranh toàn diện, nhưng một cuộc đụng độ ngắn ở khu vực biên giới thì hoàn toàn có thể xảy ra.
Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là liệu Ấn Độ hay Trung Quốc có chống đỡ được đòn tấn công chớp nhoáng của đối phương ở đường kiểm soát thực tế (LAC) hay đường biên giới quốc tế ở Sikkim hay không.
Trang mạng Swarajya ngày 26.7 đã đưa ra đánh giá về lực lượng quân sự hai nước ở biên giới để trả lời câu hỏi này.
Bộ binh
Mặt trận phía đông
Quân đội Ấn Độ hiện có 12 sư đoàn chuyên tác chiến vùng núi ở mặt trận phía đông. Mỗi sư đoàn có khoảng 15.500 quân chiến đấu và 8.000 quân hậu cần.
Trong số này có 3 sư đoàn đóng quân gần ngã ba biên giới Trung Quốc, Ấn Độ, Bhutan. Đây là một trong những điểm nóng tranh chấp lãnh thổ hiện nay. 3 sư đoàn có nhiệm bảo vệ tuyến đường duy nhất nối liền Ấn Độ với các bang ở vùng đông bắc.
Ngược lại, Trung Quốc chỉ có hai lữ đoàn bộ binh cơ giới và một lữ đoàn bộ binh thiết giáp đóng gần biên giới Ấn Độ. Các đơn vị này đều tập trung ở khu vực Tây Tạng.
Xe tăng T-72 Ấn Độ trong một cuộc duyệt binh.
Mặt trận phía tây
Ở mặt trận phía tây, Ấn Độ có một sư đoàn bộ binh và một sư đoàn chuyên tác chiến vùng núi. Sư đoàn thiết giáp Ấn Độ có tới hơn 100 xe tăng T-72 để bảo vệ khu vực trải dài từ Tây Tạng đến tuyến phòng thủ ở Chushul.
Sau chiến tranh biên giới năm 1962, Ấn Độ tăng cường quân phòng thủ ở Ladakh, sẵn sàng đưa xe tăng đổ bộ đường không xuống các cứ điểm ngay khi xung đột nổ ra.
Trung Quốc hiện duy trì một sư đoàn bộ binh thiết giáp ở phía bắc cao nguyên Askai Chin, vùng lãnh thổ Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát kể từ sau chiến tranh năm 1962.
Do đó, xét về quân số ở cả mặt trận phía tây và phía đông, Ấn Độ đều chiếm ưu thế rõ rệt so với Trung Quốc.
3 quân đoàn chủ lực của Trung Quốc thuộc quân khu Tây Bộ hiện đều đóng quân ở xa biên giới Trung-Ấn. Nhưng Bắc Kinh những năm qua không ngừng nâng cao cơ sở hạ tầng, đảm bảo khả năng đưa hàng trăm ngàn quân đến tiền tuyến ở biên giới chỉ trong 3-5 ngày.
3 quân đoàn Trung Quốc một khi đặt chân đến biên giới sẽ khiến quân Ấn Độ mất đi lợi thế vốn có. Ngược lại, cơ sở hạ tầng phục vụ chiến tranh của New Delhi chưa thể sánh bằng Bắc Kinh. Nhiều dự án xây đường sá và đường sắt đã bị trì hoãn trong nhiều năm.
Không quân
Ấn Độ hiện sở hữu 31 sân bay quân sự gần biên giới Trung Quốc. 9 đặt tại mặt trận phía tây và 22 sân bay ở mặt trận phía đông.
Phòng tuyến Ấn Độ ở biên giới Trung Quốc (Ảnh: IHS Jane’s năm 2016).
Tất cả các sân bay này sẽ là bàn đạp vững chắc để không quân Ấn Độ chi viện cho lực lượng phòng thủ ở biên giới nếu chiến tranh nổ ra.
Trong những năm qua, Ấn Độ cũng nâng cao năng lực vận tải đường không, xây dựng các bãi đáp hiện đại (ALG) để đưa xe tăng đến nơi trọng yếu ở vùng núi.
Không quân Trung Quốc hiện có 9 sân bay lớn ở quân khu Tây Bộ. Đây sẽ là các sân bay sử dụng cho chiến dịch oanh tạc Ấn Độ. Sân bay gần nhất của Trung Quốc chỉ cách khu vực tranh chấp Arunachal Pradesh khoảng 30km. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có nhiều bãi đáp cho trực thăng và đường bay chiến thuật rải rác khắp khu vực.
Điểm đáng lưu ý là sân bay của không quân Trung Quốc ở Tây Tạng đều đặt tại nơi cao hơn mực nước biển 4.500 mét. Theo Swarajya, không khí loãng sẽ khiến các chiến đấu cơ không thể mang theo lượng vũ khí lớn như thiết kế ban đầu.
Các sân bay quân sự Trung Quốc thiếu nơi trú ẩn cho máy bay, khiến nơi này thành mục tiêu oanh tạc dễ dàng của Ấn Độ.
Ở chiến khu Tây Bộ, Trung Quốc hiện duy trì 4 sư đoàn máy bay chiến đấu, một sư đoàn máy bay vận tải và một sư đoàn máy bay ném bom.
Binh sĩ Ấn Độ-Trung Quốc trong một cuộc tập trận chung.
Swarajya nhận định, không quân Ấn Độ đang chiếm ưu thế “sân nhà” trước không quân Trung Quốc. Tuy nhiên, ưu thế này đang suy giảm nhanh chóng vì Trung Quốc đang ngày càng đẩy mạnh mạng lưới phòng không ở Tây Tạng.
Đến năm 2025, Trung Quốc sẽ sở hữu nhiều sân bay quân sự hơn Ấn Độ trong khu vực.
Có thể nói, sức mạnh quân sự Trung Quốc nhìn chung vượt trội hơn Ấn Độ trên mọi lĩnh vực. Nhưng ở khu vực dọc biên giới, Ấn Độ đang duy trì quân số cũng như khí tài quân sự hơn hẳn Trung Quốc.
Do vậy, nếu xảy ra một cuộc xung đột ngắn ở biên giới thì đó nhiều khả năng sẽ là đợt tấn công chiến thuật của Ấn Độ hơn là khả năng Trung Quốc gây chiến.
Trung tướng Ấn Độ về hưu, E.S.L Narasimhan từng nói: “Khu vực căng thẳng ở Sikkim là nơi Ấn Độ sẽ tấn công, chứ không phải Trung Quốc".
Mâu thuẫn biên giới lên tới đỉnh điểm khi 80.000 quân Trung Quốc tràn vào Ấn Độ, mở đầu chiến tranh biên giới Trung-Ấn...