Nếu Trump nã tên lửa ‘thông minh” vào Syria, chuyện gì xảy ra?
Nguy cơ chiến tranh toàn diện đang rõ rệt hơn bao giờ hết, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo nga hãy sẵn sàng vì “tên lửa thông minh” sẽ đến Syria.
Tên lửa hành trình Tomahawk.
Theo ABC News, không chỉ Mỹ mà đồng minh như Anh, Pháp bắt đầu có dấu hiệu chuẩn bị cho cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria. Tàu ngầm Anh được cho là đã vào tầm phóng tên lửa, trong khi Thủ tướng Theresa May triệu tập cuộc họp quốc hội để thảo luận về vấn đề can thiệp quân sự.
Nhà Trắng nói Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa đặt thời hạn chót về khả năng không kích và mọi giải pháp vẫn được mở.
Nhưng nếu ông Trump nã tên lửa “đẹp, mới và thông minh” vào các mục tiêu Syria, chuyện gì sẽ xảy ra?
Một đợt không kích biểu tượng
Giải pháp dễ dàng và khả thi nhất với Mỹ và mở cuộc không kích ngắn, mang ý nghĩa biểu tượng, giống như đợt không kích hồi tháng 4 năm ngoái nhằm vào căn cứ quân sự Syria.
Khoảng 60 tên lửa Tomahawk đã đánh trúng căn cứ Shayrat, nơi máy bay Syria mang theo vũ khí hóa học được cho là đã cất cánh.
Đó cũng là lần đầu tiên Mỹ trực tiếp chống chính quyền Syria. Hệ quả của đợt không kích này khá hạn chế. Nga và Syria không đáp trả đợt tấn công của Mỹ, trong khi một năm đã trôi qua và Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn tại vị, thậm chí còn vững vàng hơn trước.
Khói bốc lên sau đợt không kích của quân chính phủ Syria ở Douma, nơi vừa bị tấn công bằng vũ khí hóa học.
Quân đội Syria đã và đang siết chặt tầm kiểm soát ở nhiều khu vực chiến lược, đẩy phe nổi dậy khỏi các thành trì lâu năm.
Không có lý do gì để không tin rằng điều tương tự có thể xảy ra trong thời gian tới.
Vị thế của Nga và chính phủ Syria hiện đang rất vững chắc. Một đợt không kích hạn chế bằng tên lửa Mỹ cũng sẽ không thể làm thay đổi tình hình.
Để ngăn chặn những phản ứng tương tự của Mỹ, Nga có thể sẽ phải kiềm chế chính phủ Syria mạnh hơn nữa.
“Moscow không có lựa chọn nào khác ngoài việc bảo vệ chế độ Assad và thiết lập lại hòa bình ở Syria”, chuyên gia Joost Hiltermann nhận định.
Không kích quy mô lớn, Nga đáp trả
Một đợt không kích quy mô lớn, mạnh mẽ hơn nhiều lần, gây ra thiệt hại lớn hơn, thậm chí là vô hiệu hóa nhiều công trình quân sự, chính quyền Syria cũng có thể xảy ra.
Điều này có thể làm thay đổi cán cân quân sự trên mặt đất, theo chiều hướng có lợi cho phe nổi dậy và ngăn chặn khả năng vũ khí hóa học còn được sử dụng trong tương lai.
Xe thiết giáp nga lăn bánh trên đường phố Aleppo.
Nhưng bước đi này khiến Mỹ và Nga đối diện với khả năng đụng độ trực tiếp, vốn có thể dẫn đến xung đột bên ngoài biên giới Syria.
“Mọi đợt không kích quy mô lớn, giáng mạnh vào năng lực chiến đấu của quân đội Syria chỉ càng tạo thêm hỗn loạn và khủng hoảng”, Emma Ashford, nhà nghiên cứu tại Viện Cato ở Washington nói.
“Bạn có thể giải quyết vấn đề vũ khí hóa học theo cách này, nhưng chỉ kéo dài thêm chiến tranh”.
Nếu kịch bản này xảy ra, người dân Syria vẫn sẽ phải hứng chịu tổn thất lớn nhất, bao gồm cả về tính mạng.
Chiến tranh toàn diện
Kịch bản tồi tệ nhất mà không ai mong đợi đó là một cuộc chiến tranh toàn diện với sự tham gia của nhiều cường quốc quân sự.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Anh và Pháp đã bày tỏ sự ủng họ rõ ràng với giải pháp quân sự của Mỹ. Trong khi đó, Nga và Iran lại cương quyết bảo vệ chính quyền Assad. Thậm chí một cuộc chiến tranh toàn diện bắt nguồn từ Syria có thể trở thành Thế chiến 3.
Mỹ và đồng minh dường như đã nhận ra bài học ở Libya, khi lật đổ thành công nhà độc tài Muammar Gaddafi, nhưng lại chỉ càng khiến quốc gia này chìm trong bạo lực đẫm máu.
Giải pháp ám sát Tổng thống Syria Bashar al-Assad do đó sẽ không khả thi. “Khoảng trống sức mạnh sau khi Assad bị lật đổ sẽ chỉ càng làm tình hình nội chiến trở nên tồi tệ hơn”, David Alpher, Giáo sư tại Đại học George Mason nhận định.
Đó có thể là lý do mà ông Trump cùng các cố vấn đang hết sức thận trọng khi đưa quyết định leo thang quân sự ở Syria. Mặc dù cảnh báo “tên lửa đang đến” Syria, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa làm bất cứ điều gì cụ thể để củng cố tuyên bố này.
Quân cảng Tartus của Nga ở Syria trống trải đến lạ thường trước lời đe dọa nã tên lửa “đẹp, mới và thông minh”...