Nếu Triều Tiên dùng hạt nhân, hậu quả sẽ khốc liệt thế nào
Một khi Mỹ mở chiến dịch tấn công phủ đầu Triều Tiên, Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ đáp trả bằng vũ khí hạt nhân nhằm vào Hàn Quốc, Nhật Bản và cả căn cứ Mỹ trong khu vực.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh minh họa.
Theo National Interest, một trong những lý do những chính quyền Mỹ trước đây tránh can thiệp vào tình hình Triều Tiên là bởi sức mạnh hủy diệt mà Bình Nhưỡng có thể dùng đến nếu chiến tranh nổ ra.
Người dân Hàn Quốc và Nhật Bản chính là những nạn nhân chủ yếu một khi Washington kích động Bình Nhưỡng đến chiến tranh.
“Nếu chiến tranh nổ ra, không có cách nào Mỹ có thể ngăn chặn thiệt hại khủng khiếp ở Hàn Quốc và khả năng Nhật Bản bị tàn phá đáng kể”, Vasily Kashin, chuyên gia thuộc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga nói với National Interest.
“Điều này sẽ trở thành thảm họa nhân đạo, một cơn địa chấn đối với nền kinh tế thế giới. Hàn Quốc hiện có 24-25 lò phản ứng nằm trong nhà máy điện hạt nhân. Trong khi đó, Triều Tiên lại có đến hàng trăm tên lửa, rất khó để đánh chặn”, ông Kashin nhận định.
Các tên lửa trong kho vũ khí của Bình Nhưỡng đủ khả năng đánh trúng hầu hết các mục tiêu trên đất Hàn Quốc và Nhật Bản. Sau cuộc duyệt binh ngày 15.4, tên lửa Triều Tiên thậm chí đã đủ khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Mỹ và đồng minh.
Xe tăng Hàn Quốc tuần tra gần Khu Phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên.
“2.000 quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên luôn sẵn sàng khai hỏa, bao gồm tên lửa KN-02, Scud và Nodong”, giáo sư Jeffrey Lewis đến từ viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury nói.
Triều Tiên đã mở rộng tầm bắn đối với các tên lửa Scud lên tới 1.000km, trong khi tên lửa đạn đạo Nodong có thể đánh trúng mục tiêu cách 1.200km. Ông Lewis nói, tên lửa Bình Nhưỡng có thể gặp trục trặc kỹ thuật nhưng vẫn đủ số lượng tên lửa có thể gây ra thiệt hại đáng kể đối với Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trong tương lai, Triều Tiên vẫn tiếp tục chế tạo loại tên lửa Scud cải tiến để gia tăng số tên lửa sẵn sàng chiến đấu. “Chi phí chế tạo tên lửa Scud rẻ hơn Nodong rất nhiều nên đây sẽ là xương sống trong lực lượng tên lửa chiến lược Triều Tiên”, ông Lewis giải thích.
Trong trường hợp chiến tranh nổ ra, Triều Tiên nhiều khả năng sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để khỏa lấp nhược điểm từ vũ khí thông thường. Khí tài quân sự thông thường của Triều Tiên kém hơn Mỹ và đồng minh rất nhiều, nhưng vũ khí hạt nhân lại mạnh tương đương.
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Scud của Triều Tiên.
“Ngay từ những ngày đầu nổ ra chiến tranh, Triều Tiên đã sẵn sàng giáng đòn hạt nhân nhằm vào lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản”, ông Lewis nói. Báo Mỹ ước tính, con số người thiệt mạng nếu Triều Tiên dùng đòn hạt nhân có thể lên đến hàng triệu người.
Hiện chưa rõ Triều Tiên sở hữu bao nhiêu vũ khí hạt nhân nhưng chắc chắn là Bình Nhưỡng đã nắm trong tay loại vũ khí hủy diệt này.
Hơn nữa, Bình Nhưỡng sắp hoàn thiện khả năng thu nhỏ vũ khí hạt nhân để lắp vừa vào các tên lửa đạn đạo. “Đó là mục đích của vụ thử hạt nhân lần 5 vào năm ngoái, để tạo ra một vũ khí hạt nhân thu nhỏ tiêu chuẩn, gắn trên mọi đầu đạn tên lửa”, ông Lewis giải thích.
Giới chuyên gia chưa xác định chính xác số vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên sở hữu . “Rất khó để nói”, ông Lewis nhận định. “Hơn con số 10, ít hơn 100. Nhưng có lẽ là gần 10 hơn 100”.
Đòn tấn công hạt nhân sử dụng đội tàu ngầm bí mật của Triều Tiên là nỗi khiếp sợ với Hàn Quốc và Nhật Bản.