Nếu ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ 2024, liệu Trung Quốc có được lợi?

Chuyên san Foreign Policy chỉ ra 5 lý do Trung Quốc sẽ được lợi nếu ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ 2024.

Từ góc độ cạnh tranh lâu dài giữa Bắc Kinh với phương Tây, việc ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ 2024 có thể sẽ có lợi cho TQ, ít nhất là trong lĩnh vực kinh tế, theo chuyên san Foreign Policy.

Ông Trump sẽ khoét sâu sự chia rẽ giữa Mỹ và châu Âu?

Bắc Kinh luôn mong muốn làm tăng sự ngờ vực giữa Mỹ và châu Âu bởi đó là cách tốt nhất để ngăn chặn sự xuất hiện của các chính sách xuyên Đại Tây Dương gây bất lợi cho lợi ích của TQ, chẳng hạn như Mỹ và châu Âu cùng hạn chế xuất khẩu.

Cựu tổng thống Donald Trump tại một sự kiện tranh cử hôm 10-2 tại ĐH Coastal Carolina, bang South Carolina. Ảnh: THE WASHINGTON POST

Cựu tổng thống Donald Trump tại một sự kiện tranh cử hôm 10-2 tại ĐH Coastal Carolina, bang South Carolina. Ảnh: THE WASHINGTON POST

Hồi năm 2018, ông Trump đã nói rằng ông nghĩ “Liên minh châu Âu (EU) là kẻ thù, như những gì họ làm với chúng tôi (Mỹ) trong thương mại” và hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump thay đổi quan điểm này.

Nếu đắc cử Tổng thống, ông Trump có thể sẽ khởi động lại các cuộc chiến thương mại với châu Âu, chẳng hạn như việc tiến hành áp thuế 10% trên diện rộng. Và cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và EU có thể sẽ ngăn chặn sự hợp tác giữa hai bên trong việc gây tổn hại đến TQ, theo Foreign Policy.

Ông Trump có thể dỡ các lệnh trừng phạt Nga

Chính sách đối ngoại của ông Trump là điều khó đoán. Tuy nhiên, có một điều bất biến là ông Trump có khuynh hướng lấy lòng Tổng thống Nga Vladimir Putin. Điều này thể hiện rõ nhất trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga ở Phần Lan năm 2018, khi ông Trump cho rằng ông tin tưởng ông Putin hơn các cơ quan tình báo của Mỹ, theo Foreign Policy.

Nếu sự ngưỡng mộ của ông Trump dành cho ông Putin vẫn còn nguyên vẹn, ông Trump hoàn toàn có thể quyết định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga ngay khi ông nhậm chức.

Tình huống đó không chỉ làm Moscow hài lòng mà còn có lợi cho Bắc Kinh. Dù lãnh đạo TQ và Nga đã có những tuyên bố về tình hữu nghị không giới hạn nhưng thực tế là các công ty TQ vẫn thận trọng trong các giao dịch với Nga. Mặc dù xuất khẩu của TQ sang Nga đã tăng vọt kể từ năm 2022, nhưng đây vẫn ở mức cơ bản thấp và cho đến nay có rất ít bằng chứng cho thấy các công ty TQ đang đẩy nhanh việc đầu tư vào Nga.

Điều này là do lo ngại rằng Washington có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với Moscow, tức là nhằm vào các nước làm ăn với Nga, buộc các công ty trên toàn thế giới phải lựa chọn giữa khách hàng Mỹ và Nga.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (lúc còn đương nhiệm) với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga năm 2018 tại Helsinki, Phần Lan. Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng thống Mỹ Donald Trump (lúc còn đương nhiệm) với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga năm 2018 tại Helsinki, Phần Lan. Ảnh: GETTY IMAGES

Trong trường hợp đó, hầu hết công ty TQ sẽ chọn gắn bó với thị trường Mỹ và ít quan tâm đến việc phát triển mối quan hệ với các doanh nghiệp Nga bởi khả năng cao là sẽ phải sớm từ bỏ. Nếu ông Trump dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Moscow, các công ty TQ sẽ được gỡ vướng.

Ông Trump sẽ giúp TQ thúc đẩy các kênh tài chính thay thế

TQ từ lâu đã tìm cách tự bảo vệ mình khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ thông qua việc phi đô la hóa, tạo ra các lựa chọn thay thế cho hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT do phương Tây kiểm soát hoặc thanh toán xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ.

Tuy nhiên, TQ không thể tự mình đạt được chiến lược này. Để cơ chế tài chính của TQ có thể thay thế cơ chế tài chính lâu đời của phương Tây, các đối tác thương mại của Bắc Kinh cũng cần phải lựa chọn giải pháp thay thế do Bắc Kinh khởi xướng. Đích đến này dường như khá gập ghềnh khi hầu hết công ty và ngân hàng thấy không cần thiết phải từ bỏ SWIFT, vốn hoạt động rất trơn tru, để thử một giải pháp thay thế quy mô nhỏ hơn nhiều của TQ.

Nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump có thể thay đổi ý nghĩ này. Minh chứng là trường hợp của nhà sản xuất nhôm Rusal (Nga) năm 2018 đã bị chính quyền ông Trump áp lệnh trừng phạt mà không có bất kỳ cảnh báo nào, dù sau đó Mỹ đã phải rút lại lệnh trừng phạt do tác động toàn cầu quá lớn.

Bài học rút ra là dưới thời ông Trump, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra và bất kỳ ai cũng có thể bị trừng phạt mà không được cảnh báo trước. Do đó, nhiều quốc gia sẽ tìm cách tự bảo vệ mình khỏi các lệnh trừng phạt như vậy và cách tốt nhất để làm điều đó là chuyển sang các cơ chế tài chính thay thế của Bắc Kinh.

TQ sẽ ở thế thượng phong khi tìm nguồn cung nguyên liệu thô

Cho đến nay, TQ là nước dẫn đầu trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng về việc tiếp cận các nguyên liệu thô có vai trò quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, như coban, đồng, than chì, lithium và niken. Chẳng hạn, TQ hiện kiểm soát khoảng 50 đến 70% hoạt động tinh chế nguồn cung lithium toàn cầu.

Nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump (nếu có), sẽ không giúp Mỹ thuyết phục được các nền kinh tế đang phát triển hợp tác với Washington để cung cấp các nguyên liệu thô quan trọng. Nhiều quốc gia giàu khoáng sản sẽ lo ngại rằng những lời hứa từ ông Trump sẽ không chắc chắn, khi ông bất ngờ quyết định rút khỏi nhiều thỏa thuận quốc tế.

Ngoài ra, thái độ không coi trọng các nền kinh tế đang phát triển, khả năng hạn chế nhập cư và những lời lẽ không mấy tốt đẹp về Hồi giáo của ông Trump sẽ khó làm cho mối quan hệ giữa Mỹ với các nước đang phát triển ở châu Phi, Đông Nam Á hay Nam Mỹ trở nên tốt hơn. Khi như thế, TQ sẽ tiếp tục thúc đẩy lợi ích của mình tại các nền kinh tế mới nổi bằng cách thể hiện mình là một đối tác đáng tin cậy, tách biệt vấn đề chính trị với kinh doanh.

Hưởng lợi từ việc kiểm soát xuất khẩu công nghệ sạch của Mỹ

Hạn chế xuất khẩu là công cụ quan trọng để Washington thực hiện chiến lược giảm thiểu rủi ro kinh tế để tránh phụ thuộc vào TQ. Các biện pháp này nhắm đến các công nghệ có ứng dụng lưỡng dụng, chẳng hạn như chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và công nghệ lượng tử.

Xe điện đang sạc ở một trạm sạc tại thị trấn Liễu Châu, Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: BLOOMBERG

Xe điện đang sạc ở một trạm sạc tại thị trấn Liễu Châu, Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: BLOOMBERG

Cho đến nay, công nghệ sạch không nằm trong danh sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ nhưng nếu ông Trump đắc cử thì điều này có thể thay đổi. Đảng Cộng hòa đã nói rõ rằng đảng sẽ có lập trường diều hâu hơn đối với TQ và tìm cách áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu cho nhiều lĩnh vực hơn chính quyền ông Biden đã làm, có thể bao gồm công nghệ sạch, như năng lượng tái tạo và công nghệ pin.

Từ phía TQ, việc Mỹ kiểm soát xuất khẩu công nghệ sạch sẽ là tin vui. Trong ngắn hạn và trung hạn, các biện pháp như vậy sẽ ít có tác động đến các công ty TQ vì các doanh nghiệp này đã dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực như pin mặt trời, tua-bin gió và xe điện.

Về lâu dài, các doanh nghiệp TQ thậm chí có thể được hưởng lợi từ những biện pháp đó. Trong khi các công ty Mỹ sẽ có ít doanh thu hơn và buộc phải cắt giảm ngân sách nghiên cứu và phát triển (R&D) vì gặp rào cản trong việc tiếp cận thị trường lớn nhất thế giới, thì các doanh nghiệp TQ, sẽ có thể tăng gấp đôi hoạt động nghiên cứu, vượt qua các công ty Mỹ bằng cách phát triển thế hệ tiếp theo của các thiết bị công nghệ sạch.

Nguồn: [Link nguồn]

Donald Trump tuyên bố, ngay ngày đầu tiên nhậm chức, ông sẽ thực hiện “chiến dịch trục xuất” chưa từng có trong lịch sử Mỹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐỨC HIỀN ([Tên nguồn])
Donald Trump Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN