Nếu Mỹ tiếp tục đình trệ viện trợ vũ khí, Ukraine có còn hy vọng nào khác?
Theo giới chuyên gia, dù ông Trump hay ông Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay, việc Washington viện trợ cho Ukraine cũng vẫn gặp khó khăn.
Ukraine đang thiếu hụt đạn dược trên chiến trường. Ảnh: Reuters
Trong tình cảnh thiếu đạn dược và mất kiểm soát nhiều vùng, Ukraine đã nhiều tháng không nhận được vũ khí từ Mỹ. Dòng hỗ trợ quân sự quan trọng từ Washington đã tạm dừng vào tháng 12/2023, sau khi Lầu Năm Góc tuyên bố đã hết tiền để viện trợ bổ sung cho Kiev.
Tuần trước, Washington tiết lộ, quỹ viện trợ bổ sung không chỉ cạn kiệt mà còn bị rút "quá tay" 15 tỷ USD.
Gói viện trợ bổ sung trị giá 60 tỷ USD đã được Thượng viện Mỹ thông qua vào tháng 2. Tuy nhiên, gói này vẫn bị đảng Cộng hòa (nắm Hạ viện) chặn lại.
Ukraine gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng, viện trợ của Mỹ càng lâu tới, thì càng nhiều binh sĩ Ukraine thiệt mạng và lãnh thổ Ukraine bị Nga kiểm soát.
Tuần trước, Nhà Trắng thông báo đã có 300 triệu USD tiền tiết kiệm ngoài dự kiến từ các hợp đồng của Lầu Năm Góc. Số tiền này được sử dụng để viện trợ quân sự khẩn cấp cho Ukraine.
Tuy nhiên, cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan thừa nhận, số tiền trên chỉ đủ trong "vài tuần". Các nhà phân tích cho rằng đây chỉ là "muối bỏ biển" trong tình cảnh Ukraine đang mòn mỏi chờ khoản viện trợ lớn được phê duyệt.
Khi Ukraine đang tận dụng từng quả đạn pháo, tình hình nước này sẽ ra sao nếu Mỹ tiếp tục đình trệ viện trợ quân sự?
"Cuộc chiến" viện trợ mới chỉ bắt đầu
Theo ABC News, Mỹ là nước cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ukraine.
Washington cam kết viện trợ an ninh hơn 44,9 tỷ USD cho Kiev kể từ khi ông Biden nắm quyền, trong đó có 44,2 tỷ USD kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra năm 2022.
Nhưng kể từ khi Hạ viện Mỹ có tân chủ tịch, Matthew Sussex, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, thuộc Đại học Quốc gia Úc cho rằng, việc tài trợ cho Ukraine ngày càng bị chính trị hóa.
"Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson kiên quyết từ chối đưa khoản viện trợ 60 tỷ USD cho Ukraine ra bỏ phiếu ở Hạ viện, trừ khi khoản viện trợ này bao gồm gói hỗ trợ việc bảo vệ biên giới của Mỹ", giáo sư Sussex nói. "Nếu Washington tiếp tục đình trệ khoản viện trợ đó, tình hình của Ukraine sẽ rất ảm đạm".
"Nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay, gói viện trợ 60 tỷ USD có thể là khoản viện trợ lớn cuối cùng dành cho Ukraine", vị giáo sư của Đại học Quốc gia Úc nói. "Ông ấy sẽ cắt hoàn toàn nguồn viện trợ của Mỹ cho Ukraine. Ngay cả khi ông Biden giành chiến thắng, Tổng thống Mỹ đương nhiệm cũng sẽ gặp khó khăn trong việc viện trợ này".
Mỹ đã gửi cho Ukraine những vũ khí nào?
Theo ABC News, Ukraine đã nhận được hệ thống phòng không Patriot, xe tăng chiến đấu Abrams, hệ thống HIMARS, tàu phòng thủ bờ biển, hệ thống radar và giám sát tiên tiến, UAV, hàng triệu viên đạn pháo cùng nhiều vũ khí khác.
Tháng 5/2023, Mỹ chấp thuận cho các nước phương Tây cung cấp cho Ukraine chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, do công tác đào tạo phi công và hậu cần, các chiến đấu cơ F-16 vẫn chưa thể cất cánh ở Ukraine, ít nhất tới hè năm nay.
Một số vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Ukraine đóng vai trò then chốt trong cuộc xung đột. Ngay từ đầu, tên lửa Javelin và Stinger đã mang lại lợi thế phòng thủ cho Ukraine.
Hệ thống tên lửa HIMARS với công nghệ cao và tầm bắn xa, giúp Ukraine có lựa chọn khi nhắm vào các mục tiêu lớn, cố định. Tên lửa này từng được sử dụng để phá hủy cầu Antonivsky vào tháng 7/2022, làm gián đoạn mạch tiếp tế quan trọng của quân đội Nga tại thành phố Kherson.
Sau đó, hệ thống phòng không của UKraine được trang bị thêm các lớp năng lực với sự xuất hiện của tên lửa Patriot tầm xa và 12 hệ thống tên lửa đất đối không NASAMS. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố, NASAMS có tỉ lệ thành công 100% trong việc đánh chặn tên lửa Nga.
Hệ thống tên lửa NASAMS. Ảnh: KONGSBERG
Ukraine cần gì lúc này?
Ngoài việc rất cần đạn pháo, giáo sư Sussex cho rằng, Ukraine sẽ được hưởng lợi nhiều từ các hệ thống phòng không, rocket, tên lửa HIMARS và UAV.
Theo các tài liệu mà Reuters thu thập được, tháng 12/2023, Ukraine đã gửi cho Mỹ một danh sách vũ khí mong muốn, trong đó có hệ thống phòng không tầm cao (ThAAD), chiến đấu cơ F-18 Hornet và trực thăng tấn công Apache.
Danh sách này còn bao gồm các loại vũ khí mà Ukraine đã được cung cấp hoặc cam kết cung cấp như xe tăng Abrams, hệ thống tên lửa ATACMS, pháo cỡ nòng 155mm, UAV và chiến đấu cơ F-16.
Chris McInnes, nhà phân tích người Úc, cho rằng, ở thời điểm này, Ukraine có thể chiến đấu hiệu quả hơn với sức mạnh từ không quân và các loại tên lửa tầm xa như Taurus của Đức nếu được cung cấp.
"Tôi không nghĩ đó là các vũ khí quyết định thắng thua trong cuộc xung đột nhưng nó sẽ là lựa chọn tốt hơn cho người Ukraine. Nga sẽ phải cân nhắc thêm khi đối phó với các vũ khí trên. Nhưng chỉ có F-16 thôi là chưa đủ, Ukraine cần phải được cung cấp vũ khí phù hợp để sử dụng với chiến đấu cơ này", ông McInnes nhận định.
Ukraine được cho là đã gửi danh sách vũ khí mong muốn cho Mỹ, trong đó có tên lửa HIMARS. Ảnh: US Army
EU đang ở đâu?
Theo ABC News, Mỹ rất khó có thể đáp ứng danh sách dài các vũ khí mà Ukraine mong muốn.
Tháng trước, Christoph Trebesch, người đứng đầu Cơ quan Theo dõi Viện trợ Ukraine, cho rằng, để thay thế hoàn toàn viện trợ quân sự từ Mỹ cho Ukraine trong năm 2024, châu Âu phải tăng gấp đôi mức độ và tốc độ hỗ trợ vũ khí hiện tại.
Trong khi đó, nhà phân tích người Úc McInnes cho biết, tình hình với người Ukraine "ngày càng khó khăn hơn" khi họ chờ đợi đợt viện trợ quân sự lớn tiếp theo.
"Với tốc độ chiến đấu hiện tại, họ sẽ hết đạn nếu Mỹ không hỗ trợ", ông McInnes nói.
Giáo sư Sussex cho biết, nhiều sự chú ý hơn đã đổ dồn về các nước châu Âu trong việc hỗ trợ Ukraine.
Tháng trước, Ủy ban châu Âu cho biết, các nước thành viên EU đã cung cấp hơn 30 tỷ USD hỗ trợ quân sự Ukraine trong hơn 2 năm qua.
Đức là nhà cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine lớn thứ 2 sau Mỹ, cung cấp 19 tỷ USD hỗ trợ trên chiến trường. Theo sau là Anh với 9,9 tỷ USD.
Tháng 3/2023, EU đưa ra sáng kiến nhằm cung cấp 1 triệu quả đạn pháo cho Ukraine trong 12 tháng. Nhưng một năm sau, họ mới chỉ giao được một nửa con số này.
Một sáng kiến do Séc dẫn đầu hiện cũng nhằm mục đích tăng cường nguồn cung cấp đạn dược cho Kiev vào tháng 6 năm nay.
Tom Corben, một nhà nghiên cứu trong chương trình quốc phòng và chính sách đối ngoại của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ, cho biết, sản xuất là một vấn đề lớn. Ông Corben cho rằng, việc các nước xây dựng năng lực công nghiệp trong thời bình là rất khó khăn.
"Tôi đã ước tính, nếu các nước châu Âu đặt hàng số lượng lớn đạn pháo 155mm hoặc tên lửa tấn công chính xác cho Ukraine ngay hôm nay, thì sẽ mất khoảng 10 đến 20 tháng để có đủ số đạn dược, vũ khí đó bàn giao cho Ukraine. Kiev không còn nhiều thời gian để chờ đợi", ông Corben nói.
Chiến đấu cơ F-16, một trong những vũ khí Ukraine mong muốn các đồng minh phương Tây cung cấp. Ảnh: ABC News
Sự hỗ trợ của Mỹ vẫn quan trọng
Tuần trước, các nước EU đã đồng ý cung cấp 5 tỷ euro viện trợ cho Ukraine như một phần trong kế hoạch cải tổ quỹ hỗ trợ do EU điều hành.
"Ukraine cần thêm vũ khí và thiết bị. Chúng tôi sẽ cung cấp đủ số lượng cho họ", Hadja Lahbib, Ngoại trưởng của Bỉ - quốc gia giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, tuyên bố.
Ngày càng có nhiều lời kêu gọi châu Âu phải làm nhiều hơn nữa, đặc biệt trong chiến lược tìm kiếm đạn dược. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa ra cảnh báo rõ ràng với các thành viên NATO ở châu Âu rằng họ chưa làm đủ để hỗ trợ Ukraine.
"Các đồng minh cần phải đưa ra quyết định cần thiết để tăng cường cung cấp thêm đạn dược cho Ukraine", ông Stoltenberg nói. "Đó là thông điệp của tôi tới các nước thành viên NATO".
Nhà nghiên cứu Corben cho rằng, để Ukraine có thể có khởi sắc ở tiền tuyến, nước này vẫn cần nguồn hỗ trợ quân sự đáng tin cậy từ Mỹ.
Tròn 2 năm kể từ ngày xung đột Nga-Ukraine bùng phát, liệu cuộc chiến này sẽ kết thúc theo kịch bản nào? Một thỏa thuận hòa bình hay một cuộc chiến tranh hạt nhân?
Nguồn: [Link nguồn]