Bin Laden tưởng số đã tận, không ngờ Mỹ để sổng và sự trớ trêu của lịch sử
Một trong những tiếc nuối lớn nhất của Mỹ là đã không đạt được mục tiêu trong trận đánh quyết định ở mạng lưới hang động Tora Bora giáp biên giới Afghanistan-Pakistan vào tháng 12.2001.
Mỹ ném bom hỗ trợ Liên minh Phương Bắc trong trận đánh ở Tora Bora, tháng 12.2001.
Trong bài xã luận đăng tải trên tờ Wall Street Journal, tác giả Peggy Noonan nhắc lại một trong những tiếc nuối lớn nhất của người Mỹ, đó là đã bỏ lỡ cơ hội bắt bin Laden, để nước Mỹ không phải trải qua 20 năm chiến tranh ở Afghansitan để rồi phải rút quân hoàn toàn vào ngày 30.8.2021.
“Ngày 7.10.2001, các chiến đấu cơ Mỹ bắt đầu dội bom Taliban và các căn cứ của al-Qaeda trên khắp Afghanistan. Thủ lĩnh al-Qaeda khi đó, bin Laden, là người chịu trách nhiệm gây ra vụ khủng bố ở Mỹ vào ngày 11.9.2001, trong khi chính quyền Taliban ở Afghanistan cung cấp nơi trú ẩn cho khủng bố. Tổng thống Mỹ George W. Bush khi đó đã khẳng định Mỹ sẽ tìm bằng được bin Laden, dù còn sống hay đã chết”, báo Mỹ WSJ viết.
Nhưng bin Laden đã ở đâu? Đến đầu tháng 12.2001, nơi mà trùm khủng bố có thể ẩn náu chỉ “chỉ còn là mạng lưới hang động và đường hầm ở vùng núi phía đông Afghanistan, gọi là Tora Bora”.
Trong nhiều tuần, các chiến đấu cơ Mỹ liên tục dội bom vùng núi ở Tora Bora, có lúc lên tới 100 đợt không kích/ngày. “Mỹ từng ném xuống Tora Bora quả bom nặng tới 6.800kg, lớn đến mức phải đẩy ra khỏi máy bay vận tải C-130 từ khoang chở hàng, làm rung chuyển vùng núi suốt nhiều km”, tác giả Peggy Noonan viết.
Bên trong mạng lưới đường hầm của al-Qaeda ở Tora Bora, Afghanistan.
Các biệt kích Mỹ cũng có mặt, với quân số ít hơn 100, nhưng Mỹ hoàn toàn có thể tăng viện đến khu vực. Bin Laden thậm chí còn nghĩ rằng sẽ không có đường thoát, viết những dòng thông điệp cuối cùng vào ngày 14.12.2001.
Vậy chuyện gì đã xảy ra trong trận Tora Bora, trong 11 ngày giao tranh với Taliban?
Thực tế là Mỹ đã không đưa viện binh tới quyết chiến ở Tora Bora. Kế hoạch điều động lực lượng chốt chặn đoạn vùng núi dẫn sang Pakistan bị hủy bỏ. “Các lực lượng quân đội Mỹ, từ đội ngũ bắn tỉa, cho đến các quân đoàn cơ động như lính thủy đánh bộ, đều không được tham chiến”, tác giả Peggy Noonan viết.
Tham gia trận đánh là khoảng 1.000 tay súng thuộc Liên minh Phương Bắc chống Taliban, được 70 biệt kích Mỹ cùng các lực lượng đặc biệt, đặc vụ CIA hỗ trợ.
Ngày 5.12.2001, các tay súng của Liên minh Phương Bắc bắt đầu kiểm soát các khu vực thấp của mạng lưới hang động ở Tora Bora. Các biệt kích Mỹ tham gia cùng lực lượng địa phương, sử dụng thiết bị laser để chỉ dẫn mục tiêu không kích.
Sự không chắc chắn đã khiến Mỹ bỏ lỡ cơ hội bắt được bin Laden, sớm chấm dứt chiến tranh ở Afghanistan.
Đối mặt với thất bại trước mắt, tàn quân al-Qaeda được cho là đã đàm phán với một số tư lệnh Liên minh Phương Bắc, trì hoãn tấn công để “có thời gian chuẩn bị đầu hàng”.
Trong ngày 16.12.2001, bin Laden và các vệ sĩ đã bí mật rời đi, ngồi trên lưng ngựa biến mất ở vùng biên giới Pakistan, nơi chủ yếu do các bộ lạc kiểm soát.
Một ngày sau, toàn bộ lực lượng Taliban còn lại bị đánh bại, Mỹ đã kiểm tra kỹ mạng lưới hang động nhưng không tìm thấy bin Laden.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Donald Rumsfeld và tướng Tommy Franks, Mỹ muốn chờ cho tân Tổng thống Afghansitan Hamid Karzai tuyên thệ nhậm chức.
“Chúng tôi không muốn quân đội Mỹ trực tiếp giao tranh trước khi ông Karzai lên nắm quyền”, tướng Franks nói. “Chúng tôi muốn xây dựng một Afghanistan ổn định. Ở thời điểm đó, ưu tiên này còn lớn hơn truy tìm bằng được bin Laden”.
Binh sĩ Canada tham gia chiến đấu ở Tora Bora.
Ngoài ra, Washington muốn các lực lượng Afghanistan tự giải quyết nhiệm vụ chiến đấu, nhưng họ đã không làm được.
Tướng Franks cũng nói về việc các thông tin tình báo không thực sự chắc chắn. “Chúng tôi không chắc bin Laden thực sự ở Tora Bora”, tướng Franks nói.
Theo WSJ, các đặc vụ CIA, các thành viên lực lượng Delta, những người trực tiếp có mặt ở Tora Bora, thì biết chắc về sự hiện diện của Taliban. Các nông dân bán lương thực cho al-Qaeda cũng khẳng định như vậy.
“Tất cả các nguồn tin đều cho thấy sự hiện diện của Taliban từ ngày 9-14.12”, báo cáo cho biết. Trong một đoạn ghi âm được công bố vào tháng 2.2003, bin Laden nói về việc sống sót ở Tora Bora: “Chiến đấu cơ bay qua đầu cả ngày lẫn đêm. Các máy bay đổ dung nham lên đầu chúng ta”.
Bin Laden nói với thuộc hạ trong hoàn cảnh đó: “Ta xin lỗi vì để các anh liên quan tới cuộc chiến này. Nếu các anh không thể kháng cự được nữa, ta cho phép các anh đầu hàng”.
Ở Washington, giới lãnh đạo Mỹ đột nhiên bỏ qua bin Laden, bỏ lỡ cơ hội sớm chấm dứt cuộc chiến sau này kéo dài thêm 20 năm, để tập trung vào vấn đề Iraq.
Từ tháng 11.2001, sau khi Liên minh Phương Bắc chiếm thủ đô Kabul từ tay Taliban, Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush đã hỏi Bộ trưởng Rumsfeld về kế hoạch tấn công Iraq.
Bin Laden và "phó tướng" Ayman al-Zawahiri trong một video tuyên truyền của al-Qaeda.
Ông Rumsfeld yêu cầu các lực lượng báo cáo. Kết quả là tướng Franks phải gác lại ưu tiên hỗ trợ các lực lượng Afghanistan để soạn kế hoạch về Iraq.
“Tướng Franks và các cộng sự chuyển hướng tập trung sang chuẩn bị cho cuộc chiến ở Iraq là bước ngoặt khiến chiến thắng cuối cùng của Mỹ ở Afghanistan vuột khỏi tầm tay”, báo cáo của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ năm 2009 viết.
Điều này cũng làm thay đổi tiến trình cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan. Ban đầu, ông Bush muốn đánh bại Taliban và al-Qaeda, buộc bin Laden phải chịu trách nhiệm về vụ khủng bố 11.9. Đến trận đánh ở Tora Bora, sự không dứt khoát của Mỹ giúp bin Laden “biến mất”.
Vì sao Mỹ không truy bắt bin Laden bằng được? Theo tác giả Peggy Noonan, đó là một chuỗi những sai lầm. “Chính quyền Bush không biết chắc về vị trí của bin Laden, bị phân tâm vì kế hoạch ở Iraq, vì không muốn cuộc chiến chống khủng bố sớm kết thúc”, tác giả Peggy Noonan viết. “Có thể họ đã đi đến kết luận rằng chưa nên vội bắt bin Laden, chưa phải lúc này…”
Sau đó 10 năm, tháng 5.2011, Mỹ mới tiêu diệt bin Laden tại Pakistan, khi mà trùm khủng bố đã sống âm thầm trong một khu nhà ở thành phố Abbottabad được 5 năm.
Tác giả Peggy Noonan kết luận, thật khó có thể tưởng tượng ra điều trớ trêu hơn việc Mỹ để vuột bin Laden trong tầm tay, để rồi 20 năm sa lầy tại Afghanistan cho đến khi rút quân hoàn toàn.
Tạp chí Forbes ước tính cuộc chiến ở Afghanistan đã ngốn của Mỹ hơn 2.000 tỉ USD trong giai đoạn từ năm 2001 đến tháng 4.2021. Số tiền này lớn hơn tổng tài sản của các tỷ phú hàng đầu thế giới là Jeff Bezos, Elon Musk, Bill Gates và 30 tỷ phú giàu nhất nước Mỹ cộng lại.
Theo Đại học Brown (Mỹ), hơn 170.000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến ở Afghanistan, bao gồm khoảng 69.000 binh sĩ quân đội Afghanistan, 51.000 dân thường Afghanistan, 51.000 tay súng Taliban và 3.500 binh sĩ liên quân nước ngoài. Sẽ không có những con số ghê gớm như thế này nếu Nếu Mỹ tiêu diệt được bin Laden ngay từ tháng 10.2001 và rút quân ở thời điểm đó.
______________________
Tháng 3.2002, nhận thấy tàn quân al-Qaeda và Taliban tập kết tại một thung lũng cao hơn 2.500 mét so với mực nước biển, quân đội Mỹ đã phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm quét sạch khủng bố khỏi Afghansitan. Cuộc chiến này đã diễn ra như thế nào? Mời độc giả đón đọc bài dài kỳ 3, xuất bản vào 0 giờ 30 phút ngày 13.9.
Nguồn: [Link nguồn]
Đợt ném bom phủ đầu bằng oanh tạc cơ B-2, nối tiếp là oanh tạc cơ B-1, B-52 cùng các chiến đấu cơ cất cánh từ tàu sân...