Nếu Mỹ phủ đầu Triều Tiên, HQ sẽ lãnh hậu quả khủng khiếp

Một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ nhằm vào các cơ sở hạt nhân Triều Tiên sẽ dẫn đến đòn đáp trả thảm khốc của Bình Nhưỡng, nhằm vào quốc gia láng giềng Hàn Quốc.

Nếu Mỹ phủ đầu Triều Tiên, HQ sẽ lãnh hậu quả khủng khiếp - 1

Binh sĩ Hàn Quốc canh gác tại khu phi quân sự (DMZ).

Theo New York Times, sau khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14, Mỹ đã cảnh báo về khả năng hành động quân sự chống Bình Nhưỡng. Giải pháp quân sự như vậy bao gồm cả đòn tấn công phủ đầu bằng các tên lửa hành trình tầm xa.

Ngày 5.7, tư lệnh Mỹ ở Hàn Quốc, tướng Vincent K. Brooks tuyên bố sẵn sàng chờ lệnh tấn công từ các nhà lãnh đạo trong liên minh. Ông Brooks nói “tự kiềm chế là ranh giới duy nhất ngăn cách giữa chiến tranh và ngừng bắn”.

Giới phân tích nhận định, bất kỳ nỗ lực tấn công phủ đầu nào của Mỹ sẽ kích động Triều Tiên phản công dữ dội vào Hàn Quốc, thậm chí là cả đòn đáp trả bằng vũ khí hạt nhân.

“Mỹ sẽ lún sâu vào xung đột trên bán đảo Triều Tiên bởi những hành động đáp trả kiểu ăn miếng trả miếng”, Anthony H. Cordesman, nhà phân tích an ninh quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington nói. “Một khi chiến tranh bùng nổ, việc dừng lại sẽ rất khó khăn”.

Đòn tấn công Seoul

Nếu Mỹ phủ đầu Triều Tiên, HQ sẽ lãnh hậu quả khủng khiếp - 2

Xe tăng Triều Tiên trong một cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng.

Triều Tiên và Hàn Quốc trên lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Hai nước chỉ ký thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1953 chứ không phải thỏa thuận hòa bình.

Ngày nay, biên giới Hàn Quốc-Triều Tiên là khu vực quân sự hóa quy mô nhất thế giới. Triều Tiên không sở hữu nhiều vũ khí hiện đại, nhưng một nửa dân số Hàn Quốc nằm trong phạm vi 80km từ khu phi quân sự (DMZ), bao gồm 10 triệu người ở thủ đô Seoul.

Triều Tiên có ít nhất 8.000 khẩu pháo, bệ phóng rocket ở DMZ. Các nhà phân tích nhận định, kho vũ khí như vậy đủ sức phóng loạt mưa đạn pháo 300.000 viên trong giờ đầu tiên nước này phản công. Điều này sẽ tạo ra thương vong lớn dù Bình Nhưỡng chưa sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD).

Triều Tiên luôn đe dọa nhấn chìm Seoul, nhưng chỉ có 3 loại vũ khí có thể bắn tới thủ đô Hàn Quốc, bao gồm: pháo Koksan 170mm, tổ hợp phóng rocket cỡ nòng 240mm và tổ hợp rocket 300mm, đủ sức tấn công mục tiêu xa hơn cả Seoul.

Có khoảng 1.000 vũ khí như vậy gần DMZ, đa số được cất giấu trong hang động, đường hầm và boongke. Theo chiến thuật pháo binh truyền thống, Triều Tiên sẽ không dồn toàn lực khai hỏa ngay lập tức mà giữ lại một bộ phận pháo binh để tránh để lộ toàn bộ vị trí, cũng như tiết kiệm đạn dược.

Nếu Mỹ phủ đầu Triều Tiên, HQ sẽ lãnh hậu quả khủng khiếp - 3

Pháo binh Koksan 170mm của Triều Tiên khai hỏa trong cuộc tập trận.

Mức độ thiệt hại của cuộc đợt tấn công sẽ phụ thuộc vào số vũ khí và số chất nổ được sử dụng. Năm 2010, Triều Tiên bắn khoảng 170 đạn pháo vào một hòn đảo ở Hàn Quốc, giết hai thường dân và hai binh lính.

Viện nghiên cứu An ninh và Tính bền vững Nautilus năm 2012 ước tính, nếu Triều Tiên dùng pháo binh tập trung vào các mục tiêu quân sự của Hàn Quốc, 3.000 người sẽ chết ngay lập tức. Còn nếu cuộc tấn công tập trung vào mục tiêu dân thường, 30.000 người sẽ thiệt mạng.

Triều Tiên có thể gây thêm thiệt hại bằng cách bắn tên lửa đạn đạo vào Seoul. Joseph S. Bermudez Jr., chuyên gia về Triều Tiên tại hãng tư vấn quốc phòng AllSource Analysis nhận định, Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ để dành tên lửa chiến lược cho các căn cứu quân sự của Hàn Quốc và căn cứ Mỹ ở Nhật Bản.

Năng lực phòng vệ của Hàn Quốc

Theo giới chuyên gia, Mỹ và Hàn Quốc không có nhiều biện pháp để phòng vệ Seoul trước một cuộc tấn công pháo binh Triều Tiên.

Nếu Mỹ phủ đầu Triều Tiên, HQ sẽ lãnh hậu quả khủng khiếp - 4

Mỹ và Hàn Quốc diễn tập bắn đạn thật hồi tháng 4.

Hàn Quốc có thể đánh chặn một số tên lửa đạn đạo với Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mới được Mỹ đưa đến nước này. Hàn Quốc cũng có các tổ hợp Patriot và Hawk. Nhưng nước này không có năng lực đánh chặn đạn pháo tầm gần như hệ thống Iron Dome của Israel.

Thay vào đó, quân đội Hàn Quốc và Mỹ sẽ dùng chiến thuật đáp trả truyền thống. Lực lượng quân đội hỗn hợp sử dụng radar và các kỹ thuật khác để xác định vị trí pháo binh Triều Tiên ngay khi chúng được đưa ra khỏi boongke và dùng các đòn không kích phá hủy.

David Maxwell, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh của Đại học Georgetown cho biết Lầu Năm Góc đã không ngừng cải thiện năng lực đáp trả. Nhưng ông Maxwell thừa nhận, “không có cách đối phó nào ngăn chặn được toàn bộ đòn tấn công bằng pháo binh của Triều Tiên, trước khi chúng gây ra thiệt hại đáng kể”.

Dựa trên năng lực chiến đấu của Mỹ ở Iraq, viện Nautilus ước tính Triều Tiên sẽ mất 1% số lượng pháo binh mỗi giờ hay gần 25% trong một ngày giao tranh.

Toàn cảnh vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 của Triều Tiên.

Vấn đề nguy hiểm nhất là việc một trong hai bên sẽ leo thang thành chiến tranh toàn diện. Mỹ và Hàn Quốc có thể đánh vào mục tiêu khác ngoài pháo binh, bao gồm nguồn tiếp tế và cơ sở thông tin liên lạc. Trong khi đó, Triều Tiên có thể điều xe tăng và binh sĩ qua biên giới và đưa đặc nhiệm vào các cảng của Hàn Quốc.

Nếu Mỹ đe dọa đến giới lãnh đạo Triều Tiên, khả năng Bình Nhưỡng đáp trả bằng vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học là điều hoàn toàn có thể xảy ra, theo các chuyên gia.

Thiệt hại đối với dân thường

Nếu đúng như dự đoán, Mỹ và Hàn Quốc sẽ cần 4 ngày để vô hiệu hóa năng lực pháo binh Triều Tiên.

Mức thiệt hại mà Triều Tiên có thể gây ra một phần phụ thuộc vào khả năng sơ tán người dân đến nơi an toàn của Hàn Quốc. Con số thương vong sẽ giảm đi đáng kể sau những giờ giao tranh đầu tiên.

Viện Nautilus đưa ra con số 60.000 người thương vong đối với lực lượng Mỹ-Hàn Quốc và 300.000 người dân trong ngày giao tranh đầu tiên.

Nếu Mỹ phủ đầu Triều Tiên, HQ sẽ lãnh hậu quả khủng khiếp - 5

Biển chỉ dẫn tìm nơi trú ẩn ở Seoul.

Chính quyền Seoul cho biết, thành phố có khoảng 3.300 hầm tránh bom, đủ để chứa 10 triệu người dân. Tại tỉnh Gyeonggi bao quanh Seoul, Hàn Quốc còn có 3.700 hầm trú ẩn khác. Nhiều nhà ga trong khu vực cũng có thể được sử dụng làm nơi ẩn náu và hầu hết tòa nhà lớn đều có hầm để xe, nơi người dân có thể tránh đạn pháo nếu không kịp tới hầm trú ẩn.

Nhưng các nhà phân tích nói rằng giới chức địa phương chưa đánh giá chính xác nguy cơ bị tấn công bằng pháo binh và người dân cũng không đề phòng viễn cảnh chiến tranh.

Chính phủ Hàn Quốc tổ chức diễn tập khẩn cấp chỉ 5 lần một năm, mỗi lần kéo dài khoảng 20 phút. Nhiều cư dân Seoul còn không biết nơi trú ẩn gần nhất. Rất ít người dự trữ lương thực và nước, trong khi số lượng mặt nạ phòng độc có thể không đủ để cung cấp cho toàn bộ người dân.

"Nếu chiến tranh xảy ra, trong 72 giờ đầu tiên, mỗi cá nhân sẽ phải tự cứu mình", Nam Kyung, thống đốc tỉnh Gyeonggi nói.

Viễn cảnh chiến tranh Triều Tiên lần hai tàn khốc

Chiến tranh là điều không một ai mong muốn nhưng các bên liên quan luôn có kế hoạch phản ứng nhanh, đề phòng khả năng xấu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - NY Times ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN