Nếu Israel rút quân, ai sẽ tiếp quản Dải Gaza?

Khi nào Israel chấm dứt cuộc tấn công vào Dải Gaza là một câu hỏi chưa dễ có lời đáp. Nhưng, có một câu hỏi khó hơn: Ai sẽ quản lý dải đất với hơn 2 triệu dân này trong trường hợp Israel rút quân?

Vấn đề ai cũng thấy

Khi các nhà lãnh đạo phương Tây và Arab nhìn xa hơn về cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza, hầu hết đều đồng ý rằng họ muốn người Palestine điều hành vùng đất này.

Nhưng, họ không thể đạt được sự nhất trí về việc thực thể chính trị quản lý Dải Gaza nên bao gồm những lực lượng nào. Hay, nói một cách đơn giản: Ai sẽ quản lý Dải Gaza?

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (bên trái) cho biết Mỹ muốn Chính quyền Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas quản lý Dải Gaza. Ảnh: Bloomberg

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (bên trái) cho biết Mỹ muốn Chính quyền Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas quản lý Dải Gaza. Ảnh: Bloomberg

Một điểm đồng thuận đang nổi lên là chính quyền Palestine (PA) - hiện đang vận hành và giám sát Bờ Tây - không đáp ứng được công việc. Nhưng, không có sự thay thế dễ dàng cho PA.

Các cuộc thảo luận ở Washington, Jerusalem và những nơi khác tại Trung Đông đang tập trung vào việc cải cách PA hoặc gạt họ sang một bên để tìm kiếm một điều gì đó tốt hơn nhằm quản lý khoảng 2,2 triệu người dân Dải Gaza.

Israel cho biết họ không muốn quản lý vùng đất này sau khi cuộc tấn công kết thúc, có thể là vài tháng nữa, nhưng muốn duy trì an ninh để đảm bảo Dải Gaza không được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Israel. Dù vậy, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông phản đối PA quản lý Dải Gaza.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không chấp nhận sự hiện diện của Hamas ở Dải Gaza nhưng cũng không tin Chính quyền Palestine đủ sức quản lý vùng đất này. Ảnh: Times of Israel

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không chấp nhận sự hiện diện của Hamas ở Dải Gaza nhưng cũng không tin Chính quyền Palestine đủ sức quản lý vùng đất này. Ảnh: Times of Israel

Về phần PA, nhà lãnh đạo 88 tuổi của họ, Tổng thống Mahmoud Abbas, cho biết ông sẽ trở lại Dải Gaza chỉ trong khuôn khổ các cuộc đàm phán hòa bình rộng lớn hơn giữa Israel và Palestine hướng tới giải pháp hai nhà nước.

Tuy nhiên, ít người tin sẽ có một thỏa thuận hòa bình nhanh chóng ngay sau vụ tấn công ngày 7/10 của nhóm chiến binh Hamas làm hơn 1.200 người ở Israel thiệt mạng, khiến Israel tấn công Dải Gaza để đáp trả.

Brett McGurk, quan chức hàng đầu về Trung Đông của Nhà Trắng và Barbara Leaf - Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Cận Đông của Bộ Ngoại giao Mỹ, đã đến thăm Brussels và Trung Đông trong những ngày gần đây, nhằm tìm kiếm một cách tiếp cận mang tính phối hợp cho cuộc xung đột. Nhưng, Mỹ và các đồng minh vẫn không chắc liệu họ có thể tìm giải pháp trước khi Israel kết thúc chiến dịch quân sự chống lại Hamas hay không?

Ghaith al-Omari, cựu quan chức của chính quyền Palestine, hiện làm việc tại Viện Chính sách Cận Đông của Washington, cho biết: “Mọi người đều nhìn thấy vấn đề. Nhưng, dường như không ai biết phải làm gì với nó”.

Bối cảnh phức tạp

Làm phức tạp thêm tình hình là quan điểm của một số quốc gia Arab, chẳng hạn như Ai Cập, vốn tin rằng Hamas nên đóng một vai trò trong chính trị Palestine - một viễn cảnh mà chắc chắn Israel và nhiều nước phương Tây phản đối.

Các nhà lãnh đạo Arab lập luận rằng dù Israel có thể tiêu diệt khả năng quân sự của Hamas, nhưng điều đó sẽ không thể loại bỏ nhóm này như một phong trào chính trị và các nhà lãnh đạo Hamas phải tham gia để thúc đẩy sự ổn định ở Dải Gaza.

Trên thực tế, việc Israel tiêu diệt khả năng quân sự của Hamas không phải là một kết cục dễ đoán trước được. Quân đội Israel đã nắm quyền kiểm soát phần lớn miền Bắc Dải Gaza trên mặt đất, nhưng các chiến binh Hamas vẫn cố thủ vững vàng trong mạng lưới đường hầm và còn giữ nhiều con tin, làm phức tạp thêm giai đoạn tiếp theo của cuộc tấn công.

Hiện tại, Israel đang chuyển trọng tâm chiến dịch quân sự của mình sang miền Nam Dải Gaza, nơi họ có thể phải đối mặt với giai đoạn khó khăn nhất của cuộc chiến vốn đã kéo dài 6 tuần. Israel cần tìm cách đè bẹp Hamas và giải cứu các con tin trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza ngày càng sâu sắc.

Lực lượng Israel phần lớn đã thành công trong việc giành quyền kiểm soát phía Bắc Gaza. Tuy nhiên, các quan chức và nhà phân tích cấp cao của Israel cho biết, họ chỉ phá hủy một phần khả năng quân sự của Hamas và chưa bắt giữ hoặc giết chết nhiều lãnh đạo hàng đầu của tổ chức này.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi bác bỏ khả năng nước này quản lý Dải Gaza. Ảnh: CNN

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi bác bỏ khả năng nước này quản lý Dải Gaza. Ảnh: CNN

Mỹ và các nước châu Âu phản đối việc di dời người Palestine khỏi Dải Gaza về lâu dài, cũng như phản đối việc Israel tái chiếm khu vực này hoặc việc Hamas quay trở lại theo cách đe dọa Israel. Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Dải Gaza và Bờ Tây nên được thống nhất dưới sự quản lý của PA.

Một số quan chức PA cũng nói với người phụ trách chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell hôm Thứ sáu rằng nước này có thể giúp quản lý Dải Gaza bằng cách sử dụng hàng nghìn công chức của mình. Nhưng, hiện tại, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đang tập trung nhiều vào việc thúc đẩy lệnh ngừng bắn hơn là bàn đến những gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Trong cuộc gặp với McGurk và Leaf, nhà lãnh đạo Palestine đã yêu cầu Mỹ gây áp lực lên Israel để tạm dừng cuộc chiến đang tiếp diễn ở Dải Gaza, đẩy nhanh việc cung cấp viện trợ nhân đạo và ngăn chặn các cuộc tấn công của những người định cư chống lại người Palestine ở Bờ Tây, Mahmoud Habbash - một nhà phân tích chính trị đang làm cố vấn cho Tổng thống Abbas tiết lộ.

Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã yêu cầu Israel thực hiện các bước khẩn cấp để ngăn chặn bạo lực do những người định cư Israel thực hiện chống lại người Palestine ở Bờ Tây.

Như một sự thỏa hiệp với khối Arab, các quan chức Mỹ trong những tuần gần đây đã công khai đề nghị rằng một lực lượng quốc tế, với quân đội từ các đồng minh Arab láng giềng, có thể tiến vào Dải Gaza. Một số nhân vật trong chính giới Israel cũng ủng hộ ý tưởng này, với lập luận rằng chính quyền Palestine chưa chứng tỏ được mình là đối tác tốt trong việc thúc đẩy hòa bình lâu dài với Israel.

Các quan chức Đức và một số nước châu Âu khác cũng đề xuất vai trò của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc hoặc sự hiện diện do Liên hợp quốc ủy quyền để hỗ trợ quản trị và an ninh.

Tuy nhiên, khi Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi gặp Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ William Burns vào ngày 7/11, ông đã từ chối đề xuất để quốc gia Bắc Phi này quản lý an ninh ở Dải Gaza cho đến khi chính quyền Palestine có thể tiếp quản sau thất bại của Hamas. Tổng thống Ai Cập cho biết chính phủ của ông sẽ không tham gia tiêu diệt Hamas vì Ai Cập cần nhóm chiến binh này giúp duy trì an ninh ở biên giới với Dải Gaza.

Hiện tại, cũng chẳng có quốc gia Arab nào khác sẵn sàng giúp quản lý an ninh ở Dải Gaza. “Sẽ không có đội quân Arab nào tới Dải Gaza. Không có. Chúng tôi sẽ không bị coi là kẻ thù”, Ngoại trưởng Jordan, Ayman Safadi nói tại một hội nghị an ninh ở Bahrain.

Xe tăng Israel trước những tòa nhà bị phá hủy tại phía bắc Dải Gaza. Ảnh: LA Times

Xe tăng Israel trước những tòa nhà bị phá hủy tại phía bắc Dải Gaza. Ảnh: LA Times

Chưa ai thay được Hamas?

Chính quyền Palestine (PA) thì tuyên bố họ sẽ phản đối một lực lượng quốc tế trong khi một số quan chức an ninh Israel đã cảnh báo rằng một thỏa thuận đưa lực lượng Liên hợp quốc vào Dải Gaza sẽ không hiệu quả. Họ chỉ ra rằng dù phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở biên giới với Lebanon đã theo dõi Hezbollah, song lực lượng dân quân này vẫn thường xuyên đọ súng với Israel.

Một quan chức quân sự Israel cho biết PA không đạt được trình độ năng lực trong việc duy trì an ninh mà Israel yêu cầu để đảm bảo người Palestine không tổ chức các cuộc tấn công vào lãnh thổ Israel từ Dải Gaza. Ngay cả những người từng phục vụ trong chính quyền Palestine cũng nói rằng họ không được trang bị đầy đủ để có thể quản lý Dải Gaza.

Các quan chức chính quyền Palestine cho biết các chính sách của Israel - bao gồm cả việc gia tăng các hạn chế đối với việc di chuyển qua các trạm kiểm soát - đang làm suy yếu khả năng bảo đảm an ninh của nước này ở Bờ Tây cũng như các khu vực khác nếu được giao quản lý. Tướng Talal Dweikat, chỉ huy lực lượng an ninh Palestine, cho biết trong tháng này, chính quyền không thể thanh toán cho lực lượng an ninh của mình sau khi Israel chặn việc chuyển gần 200 triệu USD tiền thuế của người Palestine.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Dải Gaza ngày càng trầm trọng. Ảnh: AP

Cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Dải Gaza ngày càng trầm trọng. Ảnh: AP

Theo các quan chức phương Tây, Mỹ hiện đang ép Israel giải phóng tiền. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết “đây là tiền của Palestine. Ngoại trưởng (Blinkel) đã nói rõ rằng những khoản thu nhập đó, những khoản tiền đó, phải được chuyển cho người dân Palestine”.

Bên cạnh khó khăn về mặt kỹ thuật, vị thế của PA cũng đã bị ảnh hưởng bởi sự hợp tác của họ với Israel về an ninh ở Bờ Tây, tiến sĩ Khalil Shikaki - người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu chính sách và khảo sát Palestine có trụ sở tại Ramallah, cho biết.

Ông Shikaki nhận định cách duy nhất mà PA có thể quay trở lại Dải Gaza là đạt được những nhượng bộ từ Israel, ví dụ như việc khởi động các bước đi hướng tới một nhà nước Palestine tại đây, song đấy lại là điều mà Israel hiện không muốn chấp nhận.

Nhà phân tích này nói: “Về cơ bản, tôi không thấy ai sẵn sàng thay thế quân đội Israel, kể cả chính quyền Palestine. Trong ngắn hạn... Israel sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc trực tiếp quản lý 2,2 triệu người Palestine sống ở Dải Gaza. Tôi chưa thể thấy bất kỳ sự thay thế nào khác”.

Lối thoát căn bản để giải quyết vòng xoáy xung đột Israel - Hamas

Cộng đồng quốc tế nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu hiện nay cho khu vực Dải Gaza là ngăn chặn tình hình trở nên xấu đi, đặc biệt là không để xảy ra một cuộc khủng hoảng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hamas Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN