Nếu Hitler chết dưới tay người lính này ngay từ Thế chiến I, lịch sử sẽ thay đổi ra sao?

Thế giới có Hitler, mọi chuyện đã thành lịch sử. Nhưng đặt giả thuyết trùm phát xít bị giết trong Thế chiến I - trái với cái kết của câu chuyện nhiều người nhắc tới, thế giới có còn đi theo đúng tiến trình như nó đã từng hay không?

Binh sĩ Anh Henry Tandey (trái) và Adolf Hitler. Ảnh: Getty

Binh sĩ Anh Henry Tandey (trái) và Adolf Hitler. Ảnh: Getty

Adolf Hitler cùng chủ nghĩa phát xít Đức thất bại thảm hại trong Thế chiến II và đã bị xóa sổ. Tuy nhiên, liệu lịch sử có xoay theo hướng khác nếu những nhân vật trong cuộc đưa ra quyết định khác vào những thời điểm quan trọng? Một số học giả nước ngoài nêu ra những điều khác nhau mà Hitler và những người liên quan có thể đã lựa chọn hoặc "tặc lưỡi" không chọn, và phân tích về chiều hướng của dòng chảy lịch sử dựa trên những "biến số" đó. Mời quý độc giả đón đọc trong loạt bài này. 

Một câu chuyện kể rằng, vào ngày 28/9/1918, Adolf Hitler - khi đó còn là lính cấp thấp nhất - bị thương và bị phát hiện bởi binh sĩ Anh, Henry Tandey, người khi đó sắp được trao huy chương Victoria Cross vì những hành động quả cảm ở làng Marcoing, Pháp.

Thay vì bắn chết kẻ thù, Tandey tha cho Hitler vì thương hại người lính Đức đang khập khiễng bước đi.

Dù các nhà sử học cho rằng câu chuyện này là do chính Hitler dựng lên, nó cũng đặt ra một câu hỏi: "Liệu lịch sử nhân loại sẽ khác biệt như thế nào nếu binh sĩ Anh bắn chết Hitler ngày hôm đó? Hay nói cách khác, Thế chiến II có xảy ra hay không?".

Hitler trong Thế chiến I (mũi tên đỏ). Ảnh: Wikimedia

Hitler trong Thế chiến I (mũi tên đỏ). Ảnh: Wikimedia

Đức quốc xã vẫn nắm quyền ngay cả khi không có Hitler?

Tiền thân của đảng Đức quốc xã là đảng Công nhân Đức (DAP), được thành lập bởi một thợ khóa tên là Anton Drexler. Hitler ban đầu được tình báo quân đội Đức giao nhiệm vụ xâm nhập vào DAP sau Thế chiến I nhưng cuối cùng lại trở thành lãnh đạo của đảng này năm 1921.

Vì vậy, một đảng cực hữu thuộc tầng lớp lao động chắc chắn vẫn xuất hiện ở Đức, ngay cả khi không có Hitler, kéo theo khủng hoảng kinh tế và cơn cuồng nộ báo thù khi quân đội hoàng gia Đức "bất khả chiến bại" bị "đâm sau lưng” và phải đầu hàng trong Thế chiến I.

Đức quốc xã vươn lên nắm quyền từ những hoàn cảnh bất thường gắn với Hitler. Ảnh: AP

Đức quốc xã vươn lên nắm quyền từ những hoàn cảnh bất thường gắn với Hitler. Ảnh: AP

Nhưng mặt khác, có bằng chứng rõ ràng về việc Đức quốc xã vươn lên nắm quyền từ những hoàn cảnh bất thường gắn với Hitler.

Trong cuộc bầu cử năm 1932, đảng Đức quốc xã của Hitler khi đó chỉ nhận được 37% phiếu bầu. Với 53% phiếu bầu, chính khách Paul von Hindenburg, người được các đảng trung hữu và trung tả ủng hộ, giành chiến thắng.

Tuy nhiên, vị chính khách 84 tuổi Hindenburg gặp khó khăn trong việc thành lập một liên minh nên dù không ưa Hitler, ông vẫn bị thuyết phục bổ nhiệm kẻ đứng đầu Đức quốc xã lên làm thủ tướng Đức.

Sau một cuộc tấn công vào Reichstag - tòa nhà quốc hội Đức, Hitler thuyết phục Hindenburg giải tán Reichstag, mở đường cho việc cai trị bằng sắc lệnh.

Do đó, việc Đức quốc xã nắm quyền lực (khi không nhận được đa số sự ủng hộ) có thể sẽ không xảy ra nếu Hitler bị bắn chết trước đó bởi binh sĩ Anh.

Hitler bắt tay chính khách Paul von Hindenburg. Ảnh: BILD

Hitler bắt tay chính khách Paul von Hindenburg. Ảnh: BILD

Nếu Đức quốc xã không nắm quyền, Đức có bắt đầu các chiến dịch quân sự ở châu Âu?

Câu trả lời có lẽ là có nhưng không phải trong ngắn hạn.

Một số ý kiến cho rằng Đức bị đối xử tồi tệ với Hòa ước Versailles (dù Đức chỉ trả 1/8 số tiền bồi thường chiến tranh trước khi phần còn lại được miễn năm 1932) và nhiều nhân vật cấp cao hoan nghênh việc Hitler tập trung xây dựng lại sức mạnh quân sự Đức.

Quân đội đặc biệt tin rằng Đức xứng đáng lấy lại vị thế của mình là một cường quốc và ủng hộ một xã hội quân phiệt và độc đoán hơn. Đầu những năm 1920 - thời điểm trước khi Hitler lên nắm quyền, các nhà kỹ thuật trong quân đội Đức đã bí mật phát triển xe tăng, tàu chiến và máy bay chiến đấu bất chấp điều khoản hạn chế trong Hòa ước Versailles.

Tuy nhiên, giới lãnh đạo cấp cao của Wehrmacht (quân đội Đức quốc xã) cho rằng các cuộc chiến tranh của Hitler đầy bất ổn và một số thậm chí có âm mưu đảo chính, chống lại Hitler. Những người này không tới mức phản đối nguyên tắc chinh phục nước ngoài của Hitler nhưng cho rằng Đức cần thêm 6 đến 10 năm để xây dựng lực lượng.

Vì vậy, Đức có khả năng trở lại thành một cường quốc quân sự nhưng không cần thiết phải ở tốc độ chóng mặt như Đức quốc xã đã tạo ra.

Một nước Đức không có Đức quốc xã vẫn có thể chuyển sang chủ nghĩa dân tộc quân phiệt. Các vùng lãnh thổ biên giới gây tranh cãi như vùng Sudetenland ở Tiệp Khắc hay khu vực "hành lang Ba Lan", sẽ là nơi tiềm năng để chủ nghĩa dân tộc quân phiệt trỗi dậy.

Liên Xô, Trung Quốc và Nhật Bản

Joseph Stalin. Ảnh: REX

Joseph Stalin. Ảnh: REX

Cách đối phó của Anh và Pháp với Hitler bị tác động phần nào bởi sức ảnh hưởng của Liên Xô dưới thời lãnh tụ Joseph Stalin.

Ngay cả trong khủng hoảng Munich năm 1938, Paris và London đã từ chối hình thành liên minh với Moscow vì sợ Liên Xô hơn Đức quốc xã. Một số nhà sử học cho rằng Liên Xô sẵn sàng xâm chiếm Đức. Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Tây Âu và Liên Xô xảy ra.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của Hitler đã làm gián đoạn cuộc cạnh tranh này. Nếu Hitler không xuất hiện, một cuộc "chiến tranh lạnh" giữa Tây Âu và Liên Xô có thể đã sớm xảy ra.

Với người Nhật Bản và Trung Quốc, Thế chiến II không phải bắt đầu vào tháng 9/1939, mà xảy ra vào tháng 7/1937 khi đế quốc Nhật Bản bắt đầu cuộc xâm lược quy mô lớn lần thứ 2 vào Trung Quốc sau một chiến dịch vào năm 1933.

Tinh thần của chủ nghĩa dân tộc quân phiệt ở Tokyo đã trỗi dậy để đối đầu với chủ nghĩa thực dân châu Âu thay vì chủ nghĩa phát xít. Vì vậy, cuộc xâm lược của Nhật Bản vào Trung Quốc có thể vẫn xảy ra dù cho có Hitler (kẻ tạo ra chủ nghĩa phát xít) hay không. Và điều này cũng dẫn đến việc Mỹ áp dụng lệnh cấm vận dầu mỏ với Nhật, khiến đế quốc Nhật lên kế hoạch tấn công Trân Châu Cảng.

Nhưng theo lịch sử, nguyên nhân dẫn tới lệnh cấm vận của Mỹ là do Nhật Bản thế chân Pháp ở khu vực Đông Dương - một điều khó xảy ra nếu Pháp không bại trận dưới tay người Đức năm 1940.

Thực tế, tính toán chiến lược của Nhật Bản giai đoạn 1940-1941 sẽ rất khác nếu không có một cuộc chiến tranh ở châu Âu. Cuộc tấn công Trân Châu Cảng là để đế quốc Nhật Bản có thêm thời gian để chiếm được các vùng lãnh thổ của Anh và Hà Lan ở châu Á, nhất là một số mỏ dầu ở Đông Ấn Hà Lan.

Một thế giới khác

Đầu Thế chiến II, có 6 cường quốc với các phạm vi ảnh hưởng đa quốc gia khác nhau: Anh - Pháp với các thuộc địa rộng lớn ở châu Phi và châu Á; Đức chiếm ưu thế ở Trung Âu; Nhật Bản kiểm soát khu vực châu Á Thái Bình Dương; Liên Xô với tầm ảnh hưởng ở một phần châu Âu và Trung Á; và Mỹ có các thuộc địa ở Mỹ La tinh và Philippines.

Thế chiến II kết thúc phá hủy mộng xưng hùng xưng bá của Đức và Nhật Bản. Anh và Pháp cũng chỉ còn là cái bóng của chính mình dù ở phe thắng trận. Liên Xô và Mỹ đều nổi lên là các cường quốc quân sự đáng gờm với chỗ đứng ở châu Âu và châu Á.

Từ sự thay đổi mạnh mẽ trật tự toàn cầu này, nhiều tổ chức liên minh và hiệp ước trên thế giới ra đời như Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, Hiệp ước Warsaw...

Nếu không có Thế chiến II, nhiều công nghệ thay đổi thế giới như vũ khí hóa học, tên lửa, bom hạt nhân... sẽ được phát triển ở những thời điểm và địa điểm khác so với các mốc ghi nhận như hiện tại. Các phong trào dân quyền hay đòi độc lập cũng sẽ có những bước ngoặt khác nhau.

Nếu Hitler bị bắn chết ở thời điểm Thế chiến I, các lý thuyết diệt chủng của trùm phát xít này sẽ không được thực hiện, các cuộc tàn sát hàng triệu người Do Thái và các nhóm thiểu số khác cũng không xảy ra.

Thế giới vẫn sẽ bị ràng buộc và trải qua các cuộc xung đột lớn, diễn ra vào thời gian, địa điểm khác nhau nhưng chủ yếu vẫn nhằm giải quyết căng thẳng quen thuộc giữa chủ nghĩa thực dân và độc lập dân tộc; giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế.

_____________

Nhiều người có chung một câu hỏi liên quan tới Hitler và Thế chiến II, đó là: "Nếu Đức không tuyên chiến với Mỹ, Hitler có thể thắng trong Thế chiến II?". Câu trả lời cho thắc mắc này sẽ được làm rõ trong bài thứ 2 đăng sáng 15.6.2020 trên mục Thế giới. Mời độc giả đón đọc!

Nếu Hitler không tuyên chiến với Mỹ, phe phát xít có thể đánh bại Đồng Minh?

Đức tuyên chiến với Mỹ dẫn tới việc Washington tham chiến và gia nhập phe Đồng Minh trong Thế chiến II. Nhiều học giả...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - National Interest ([Tên nguồn])
Trùm phát xít Hitler Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN