Nếu gây chiến Qatar, Ả Rập Saudi sẽ thiệt hại nặng nhất?

Việc Ả Rập Saudi cùng đồng minh cô lập Qatar có thể khiến Riyadh phải đối mặt với những thế lực đáng gờm hơn cũng như những tổn hại về mặt kinh tế.

Nếu gây chiến Qatar, Ả Rập Saudi sẽ thiệt hại nặng nhất? - 1

Binh sĩ quân đội Ả Rập Saudi.

Theo Bloomberg, Ả Rập Saudi để ngỏ mọi giải pháp nhằm buộc Qatar phải chấp nhận các yêu cầu mà nước này nêu ra trong tối hậu thư gửi đến Doha cách đây vài ngày.

Nhưng giới chuyên gia nhận định, nếu xung đột nổ ra ở vùng Vịnh, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới mới là nước chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Hiện tại, Ả Rập Saudi và các đồng minh tăng cường sức ép Qatar, cắt đứt quan hệ ngoại giao, phong tỏa biên giới, đường biển và hàng không. Tất cả những biện pháp này nhằm buộc Qatar ngừng giao thiệp với Iran và hỗ trợ các nhóm Hồi giáo trong khu vực. Qatar nói nước này bị trừng phạt bởi những điều mà họ không hề làm.

Mâu thuẫn giữa các quốc gia vùng Vịnh đã tồn tại từ lâu, nhưng căng thẳng rơi xuống mức tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ thì là điều đáng lo ngại.

Ả Rập Saudi thất bại trong việc áp đặt chính sách lên Syria hay Yemen. Và giờ đây, quốc gia láng giềng nhỏ bé Qatar lại làm Ả Rập Saudi nổi giận.

“Điều đáng lo ngại nhất là Ả Rập Saudi và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đang lặp lại sai lầm, giống như việc phát động chiến tranh ở Yemen”, Yezid Sayigh, nhà phân tích vùng Vịnh tại Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie nói. “Họ không có chiến lược chính trị rõ ràng. Hành động của giới chức Ả Rập Saudi chỉ khiến nước này phải gánh những chi phí quân sự khổng lồ và cả những tổn thất về con người”.

Trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực căng thẳng, thế lực bên ngoài đang sẵn sàng can thiệp, và không phải tất cả thế lực này đều đứng về phía Ả Rập Saudi.

Nếu gây chiến Qatar, Ả Rập Saudi sẽ thiệt hại nặng nhất? - 2

Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ủng hộ động thái cô lập Qatar của Ả Rập Saudi. Nhưng Lầu Năm Góc lại duy trì quan điểm trung lập, khi nói Mỹ vẫn cam kết duy trì căn cứ quân sự lớn nhất vùng Vịnh ở Qatar.

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia sốt sắng nhất trong việc đưa quân đến Qatar, trong khi Iran lại đề nghị mở hải cảng với Qatar, cung cấp nhu yếu phẩm mà Doha không còn có thể nhập khẩu từ Ả Rập Saudi.

Sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran chứng minh khả năng giành chiến thắng chớp nhoáng của Ả Rập Saudi là điều không thể.

“Thổ Nhĩ Kỳ có lực lượng quân đội hùng mạnh”, Paul Sullivan, chuyên gia về Trung Đông tại Đại học Geogretown ở Washington nói. “Iran gửi đến Qatar lương thực và nước uống. Chúng ta đang nói về hai thế lực mạnh mẽ hỗ trợ Qatar”.

Một tuần căng thẳng ở vùng Vịnh sắp trôi qua với việc Qatar đứng vững trước sức ép. Hàng hóa vốn nhập khẩu từ Ả Rập Saudi hiện đã đến Qatar thông qua những nguồn cung cấp khác.

Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Mohammed Al Thani nói với các phóng viên ở Doha: “Chúng tôi có thể sống vĩnh viễn như hiện nay. Chúng tôi không chấp nhận bất cứ hành động nào nhằm can thiệp chủ quyền Qatar”.

James Reeve, chuyên gia tài chính đến từ London, Anh nhận định, căng thẳng vùng Vịnh sẽ khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn. “Giới đầu tư sẽ biết rằng vùng Vịnh là khu vực mà các vấn đề chính trị có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực”, ông Reeve nói.

Nếu gây chiến Qatar, Ả Rập Saudi sẽ thiệt hại nặng nhất? - 3

Thủ đô Doha, Qatar nhìn từ trên cao.

Đây là điều mà Ả Rập Saudi không hề mong muốn, trong bối cảnh nước này muốn thu về hàng tỷ USD bằng cách bán cổ phần gã khổng lồ dầu mỏ Saudi Aramco.

Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash cũng thừa nhận, việc thổi bùng lên mối bất hòa với Qatar có thể dẫn đến nhiều hậu quả khó lường. UAE hiện phụ thuộc vào đường ống dẫn khí đốt từ Qatar để đáp ứng một nửa nhu cầu sử dụng điện ở quốc gia này.

Nếu Qatar muốn đáp trả, nước này có thể đe dọa rời khỏi GCC, chuyên gian phân tích vùng Vịnh, Theodore Karasik nhận định. Đây là đòn giáng mạnh vào nỗ lực liên kết chặt chẽ hơn giữa các nước vùng Vịnh của Ả Rập Saudi.

“Qatar có thể bắt đầu quá trình rời khỏi GCC”, ông Karrasik nói. “Đây là thông điệp mạnh mẽ gửi đến tất cả các quốc gia liên quan. Nhiều khả năng Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và cả Nga sẽ ủng hộ quyết định này”.

Thành viên khác của GCC, Kuwait đang nỗ lực để tình hình không căng thẳng đến mức khiến vùng Vịnh chia rẽ. Nhà lãnh đạo Kuwait đã có chuyến thăm đến Ả Rập Saudi và cả Qatar để tìm cách tháo gỡ căng thẳng.

Vùng Vịnh từng được coi là một trong những “nơi yên bình nhất trên Trái đất”, nhưng khu vực này lại đang đối mặt với nguy cơ xung đột. “Đó là điều mà tôi cảm thấy lo ngại”, chuyên gia Paul Sullivan nói.

Lá bài

Qatar đang chịu nhiều sức ép vì bị thế giới Ả Rập cô lập, nhưng nước này vẫn nắm trong tay quân bài quyết định đến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Bloomberg ([Tên nguồn])
Khủng hoảng ngoại giao Qatar Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN