Nền kinh tế Ukraine tê liệt sau 6 tháng xung đột, Nga cũng bị ảnh hưởng nặng nề
Đã có những hậu quả nặng nề xảy ra với nền kinh tế Ukraine bởi cuộc xung đột với Nga và sẽ rất khó để khắc phục trong tương lai gần. Về phía Nga, kinh tế nước này cũng bị "thiệt đơn thiệt kép".
Chuyên gia Maksym Nefyodov - người đứng đầu dự án hỗ trợ cải cách tại Viện nghiên cứu thuộc Trường Đại học Kinh tế Kyiv cho rằng nền kinh tế Ukraine rất khó phục hồi sau xung đột với Nga bởi đã có quá nhiều hệ lụy đi kèm.
“Con số mới nhất về thiệt hại trực tiếp của nền kinh tế Ukraine do xung đột là khoảng 113,5 tỷ USD. Có một hướng nghiên cứu khác của chúng tôi - nhu cầu phục hồi. Dự án ''Nga sẽ bồi thường' là hướng đi đang được xem xét”, ông Nefyodov nói.
Nhà kinh tế cho biết việc lưu trữ các hình ảnh vệ tinh, ảnh và video về sự tàn phá ở Ukraine sẽ là một công cụ có giá trị để xác định họ sẽ tốn bao nhiêu tiền để xây dựng lại các thành phố sau này.
Khi xung đột tiếp diễn, hàng chục triệu người vẫn đang sống ở Ukraine, họ đang "chiến đấu" để tìm việc làm trong điều kiện kinh tế tồi tệ nhất mà đất nước này trải qua.
Một báo cáo do Ngân hàng Quốc gia Ukraine công bố đã tiết lộ tỷ lệ thất nghiệp ở nước này tăng gấp ba lần lên mức 35%, có nghĩa là 5,2 triệu người trong độ tuổi lao động đang tìm kiếm việc làm khi các doanh nghiệp tiếp tục đóng cửa hàng loạt.
Báo cáo mô tả "sự suy giảm mạnh trong hoạt động kinh tế và di cư từ các khu vực giáp ranh" là nguyên nhân trực tiếp khiến tình trạng thất nghiệp gia tăng đáng kể.
Cuộc xung đột Ukraine cũng đã tàn phá các nền kinh tế bên ngoài. Chính phủ Thụy Điển đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng trong năm tới, cảnh báo rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine sẽ khiến lạm phát tăng vọt và điều kiện kinh tế ở nước này trở nên tồi tệ hơn.
Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền đã nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay lên 2,3%, cao hơn so với dự đoán ban đầu là 1,9% vào tháng 6, nhưng đã hạ dự đoán cho năm 2023 xuống 0,4% từ 1,1%.
Nền kinh tế Nga cũng nhận hậu quả không nhỏ. Các học giả của Đại học Yale đã mô tả trong một bài báo xuất bản vào tháng 7 về cách Moskva đối mặt với "sự lãng quên kinh tế" sau khi bị các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU làm tê liệt.
Nga hy vọng sẽ xây dựng lại nền kinh tế của mình bằng chiến lược “Xoay vòng sang châu Á”, từ đó chứng kiến Điện Kremlin củng cố mối quan hệ sâu sắc hơn với các nước châu Á, bao gồm Trung Quốc và Triều Tiên, như biện pháp tìm thị trường mới.
Quan hệ Trung Quốc - Nga, vốn có đặc điểm là cạnh tranh từ lâu, giờ đang trở nên đồng phụ thuộc khi phương Tây tìm cách tách các nền kinh tế của mình khỏi Nga càng nhiều càng tốt, và trong một số trường hợp, cả với Trung Quốc.
“Tôi nghi ngờ rằng nền kinh tế Ukraine có thể sớm phục hồi sau khi bị phá hủy bởi cuộc xung đột” một cựu quan chức cấp cao của Bộ Tài chính trong chính quyền Tổng thống Obama nói.
Thách thức lớn là liệu những công ty hoặc tổ chức tài chính nào sẽ muốn đầu tư vào Ukraine nếu chiến sự chưa được giải quyết dứt điểm?
Nếu cuộc xung đột đóng băng và trở thành phiên bản lớn hơn của những gì đã xảy ra tại Donbass, nền kinh tế Ukraine sẽ sụp đổ với tỷ lệ thất nghiệp cao và thiếu vốn đầu tư cần thiết.
Ukraine muốn phương Tây đưa cho họ khoản tiền 300 tỷ USD ngoại hối bị đóng băng của Nga, nhưng để làm được điều này, việc đầu tiên phải là chiến thằng hoàn toàn trên chiến trường, điều rất khó trong giai đoạn trước mắt.
Nguồn: [Link nguồn]
Cuộc chiến Nga - Ukraine kéo dài đã tròn nửa năm với bao mất mát, đau thương nhưng vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc khi cả hai vẫn giằng co ở nhiều nơi.