Nảy lửa “cuộc chiến không tiếng súng” giữa Mỹ và Trung Quốc

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Dù không có bất kỳ tiếng súng nào vang lên, song “cuộc chiến” về công nghệ và khoáng sản quý hiếm giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc vẫn diễn ra nảy lửa và dự báo sẽ còn quyết liệt hơn khi ông Donald Trump trở lại cầm quyền tại Nhà Trắng từ cuối tháng 1-2025 này.

Cú ra đòn cảnh báo về sức mạnh răn đe

Mỹ và Trung Quốc đang tỏ ra ngày càng không khoan nhượng trong cuộc chiến công nghệ khi liên tiếp “ăn miếng trả miếng” bằng các đòn trả đũa lẫn nhau. Trong đó, mới đây nhất là việc Cục Quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc (SAMR) vào tháng 12 đã tuyên bố điều tra thương vụ tập đoàn bán dẫn lớn nhất thế giới Nvidia của Mỹ mua lại Công ty thiết kế chíp Mellanox Technologies từ hồi năm 2019 với cáo buộc vi phạm quy định về chống độc quyền.

“Cuộc chiến” công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc dự báo sẽ còn diễn ra quyết liệt trong tương lai

“Cuộc chiến” công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc dự báo sẽ còn diễn ra quyết liệt trong tương lai

Điều đáng nói là vào năm 2020, Nvidia đã đạt thỏa thuận với Chính phủ Trung Quốc để thông qua thương vụ mua lại Công ty Mellanox Technologies. Theo đó, ngoài hai điều khoản mật, thỏa thuận chủ yếu nhằm đảm bảo việc sáp nhập không gây ảnh hưởng tiêu cực đến khách hàng Trung Quốc của cả Nvidia và Mellanox, nhất là các doanh nghiệp sản xuất chíp. Tuy nhiên, đến ngày 9-12 vừa qua, phía SAMR lại bất ngờ tuyên bố, nghi vấn “ông lớn” Nvidia vi phạm luật chống độc quyền cũng như vi phạm thỏa thuận nêu trên. Song đến nay, cơ quan quản lý nhà nước của Trung Quốc vẫn chưa nêu rõ những điều khoản nào đã bị vi phạm.

Cho đến nay, khó ai có thể dự đoán trước được kết quả thương vụ tỷ đô đó, nhưng giới công nghệ và kinh tế lo ngại tác động của nó đối với công ty chíp và bán dẫn lớn nhất thế giới Nvidia. Bởi dù đối mặt nhiều biện pháp hạn chế từ cả Bắc Kinh và Washington, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng hàng đầu của Nvidia khi chiếm tới 15,4% tổng doanh thu “ông lớn” công nghệ này trong quý III-2024.

Hầu hết chuyên gia công nghệ cùng cho rằng, động thái chống lại Nvidia của SAMR không đơn thuần xuất phát từ lý do chống độc quyền, mà là một phần cuộc chiến công nghệ đã dù “không tiếng súng” song chẳng kém phần khốc liệt nhiều năm qua giữa hai cường quốc kinh tế số 1 và số 2 thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Cuộc chiến này được cho là nổi lên từ năm 2019, khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump lúc đó đưa Huawei và nhiều công ty Trung Quốc khác vào “danh sách đen” thương mại.

Từ đó đến nay, Mỹ và Trung Quốc thường xuyên công bố những quyết định và quy định ngặt nghèo mang tính chất trừng phạt và trả đũa lẫn nhau nhằm hạn chế khả năng phát triển công nghệ mới, công nghệ cao của nhau. Trước sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) và xe điện, “mục tiêu” được ưu tiên hàng đầu là các đòn tấn công hướng vào ngành công nghiệp chíp và các loại vật liệu hiếm.

Cú ra đòn vào “gã khổng lồ” lớn nhất của Mỹ diễn ra sau khi thương vụ mua bán đã diễn ra tới 5 năm và nhất là hai bên trước đó đã được chính Trung Quốc thông qua. Đặc biệt, cú đòn này được tung ra vào thời điểm chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là ông Donald Trump sẽ chính thức trở lại nắm quyền tại Nhà Trắng với cam kết gây sốc khi tranh cử là nâng hàng rào thuế quan áp với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 60%.

Chính vì thế, tờ Nhật báo Phố Wall (The Wall Street Journal) dẫn lời nhiều nhà quan sát cho rằng, việc điều tra Tập đoàn Nvidia chính là cách Trung Quốc phát tín hiệu cảnh báo nước này sẽ không khoanh tay trước những biện pháp trừng phạt về thương mại và công nghệ. Cũng có những nhận định cho rằng, đây là đòn thăm dò động thái từ vị chủ nhân sắp tới của Nhà Trắng Donald Trump. Giáo sư luật thuộc Đại học Southern California (Mỹ) Angela Zhang nhận định, bằng tấn công trực diện vào một trong những công ty giá trị nhất của Mỹ, Trung Quốc phát đi tín hiệu cảnh báo về sức mạnh chính sách của mình, đồng thời răn đe về việc có thể sẽ tung ra đòn đáp trả và ngăn chặn “các hành động gây hấn tiếp theo từ Mỹ”.

Kẻ tám lạng, người nửa cân

Cuộc điều tra nhiều đích nhắm của Trung Quốc hướng vào Nvidia còn là động thái leo thang căng thẳng trong cuộc chiến công nghệ cao giữa Mỹ - Trung Quốc. Trước đó, vào tháng 10-2022, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cấm xuất khẩu chíp bán dẫn tiên tiến để ngăn Trung Quốc phát triển AI, một biện pháp quyết liệt nhằm bảo vệ lợi thế công nghệ của Mỹ. Quyết định này vì thế đã đẩy cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung Quốc lên một cấp độ mới.

Trung Quốc vào tháng 7-2023 đã đáp trả bằng việc công bố hạn chế xuất khẩu gallium và germanium - hai khoáng sản có trong đất hiếm và là những khoáng chủ chốt trong sản xuất chíp. Chưa dừng ở đó, đến tháng 9-2024 Trung Quốc tiếp tục áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu chất hiếm antimony. Lệnh này không chỉ khiến giao dịch antimony giảm 97% mà còn đẩy giá của khoáng sản này tăng 200%. Đỉnh điểm là ngày 3-12-2024 khi Trung Quốc tuyên bố cấm hoàn toàn xuất khẩu antimony, gallium và germanium sang Mỹ.

Đất hiếm là khoáng sản mà Trung Quốc là quốc gia có trữ lượng lớn nhất thế giới. Ước tính trữ lượng đất hiếm của thế giới là 120 triệu tấn. Theo ước tính của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, 5 quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới gồm có: Trung Quốc (44 triệu tấn), Việt Nam (22 triệu tấn), Brazil (21 triệu tấn), Nga (21 triệu tấn) và Ấn Độ (6,9 triệu tấn).

Cũng theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, đất hiếm gồm 17 loại vật chất có từ tính và tính điện hóa đặc biệt. Là một loại khoáng sản đặc biệt, nguyên tố đất hiếm có vai trò rất quan trọng và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao như điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, bán dẫn, chất phát quang… Bên cạnh đó, đất hiếm được dùng để sản xuất các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, bột mài, gốm, chất phát quang. Việc chế tạo các máy điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính... không thể không dùng đất hiếm. Đất hiếm là chất không thể thiếu trong xe ô tô điện, pin lưu trữ, tấm pin Mặt trời và tua bin gió…

Các nhà khoa học thì gọi đất hiếm là những nguyên tố của tương lai. Nhiều nước coi đất hiếm là vàng của thế kỷ 21, thậm chí của cả thế kỷ 22. Theo một số nghiên cứu, thị trường đất hiếm thế giới có trị giá khoảng 8,1 tỷ USD và sẽ tăng lên đến 14,4 tỷ USD vào năm 2025. Không chỉ có trữ lượng đất hiếm nhiều nhất thế giới, Trung Quốc hiện còn khai thác tới 70% đất hiếm trên thế giới, xử lý 87% quặng khai thác và tinh chế 91% đất hiếm qua xử lý thành sản phẩm cuối. Những con số này cho thấy ưu thế vượt trội của Trung Quốc, đồng thời phản ánh sự phụ thuộc của thế giới vào nước này trong lĩnh vực công nghệ.

Trung Quốc thời gian qua đã đầu tư vào các quốc gia giàu khoáng sản như Indonesia, Mali, Bolivia và Zimbabwe. Những quốc gia này mang lại cho Trung Quốc thêm quyền kiểm soát nguồn cung đất hiếm, cobalt, nickel và lithium. Đây là điều mà giới quan sát cho rằng, giúp Trung Quốc tạo ra một “đế chế khoáng sản” quý hiếm có năng chi phối toàn cầu.

Nắm trong tay những thứ “vũ khí” rất quan trọng với hàng loạt công nghệ cao, công nghệ mới, đòn tấn công vào “ông lớn” chíp và bán dẫn Nvidia, vì thế cho thấy cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể còn khốc liệt hơn dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump sắp tới. Mỹ có thể tác động lớn “huyết mạch” thương mại thế giới, song đừng quên rằng Trung Quốc đang nắm “yết hầu” nhiều khoáng sản hiếm có vai trò sống còn với nhiều công nghệ cao, công nghệ mới toàn cầu. Cuộc chiến không tiếng súng giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ tác động lớn tới hai cường quốc này mà ảnh hưởng sâu rộng khắp thế giới.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã khởi động một cuộc điều tra mới nhằm vào ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Hà ([Tên nguồn])
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN