Điều xảy ra khi NATO lần đầu kích hoạt Điều 5
Vài tuần sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ, liên minh quân sự NATO đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt có ảnh hưởng đến tương lai của liên minh trong hơn hai thập kỷ về sau. Đó là lần đầu tiên NATO kích hoạt cơ chế mạnh mẽ nhất: Điều khoản số 5.
NATO từng chật vật trong một thời gian dài cho đến khi tìm ra mục tiêu mới để duy trì hoạt động.
Sau khi Liên Xô tan rã, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từng rơi vào khủng hoảng vì không còn mục đích hoạt động. Loạt bài này sẽ điểm lại các dấu mốc quan trọng dẫn đến sự thay đổi trong mục đích và vai trò của NATO, thông qua những lần liên minh quân sự này can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp ở một số quốc gia. |
Điều 5 của NATO quy định "bất cứ cuộc tấn công vũ trang nào vào một hay một số nước thành viên của liên minh đều được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh và NATO sẽ đáp trả ngay lập tức".
Đây là quy định được đề ra từ khi NATO thành lập vào năm 1949 trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Mục đích là đề phòng trường hợp Liên Xô tấn công nước thành viên NATO ở châu Âu. Mỹ và các nước khác khi đó sẽ can thiệp.
Tuy nhiên, Mỹ - quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất trong NATO -cũng lường trước về hệ lụy đối với quy định can thiệp quân sự tự động như vậy.
Vì vậy, bất chấp áp lực từ các đồng minh châu Âu, Mỹ đã không quy định rõ điều khoản số 5 của NATO sẽ buộc các nước thành viên có trách nhiệm can thiệp quân sự như thế nào trong trường hợp đồng minh bị tấn công. Điều này dẫn đến những rắc rối một cách không thể lường trước trong tương lai, chuyên gia Constantine Atlamazoglou am hiểu về an ninh châu Âu, nhận định trên tờ Insider.
Điều 5 của NATO thực tế chưa từng được kích hoạt trong thời Chiến tranh Lạnh. Lần duy nhất quy định này được áp dụng không phải là nhằm bảo vệ các quốc gia châu Âu trước Liên Xô, mà là bảo vệ Mỹ trước mối đe dọa khủng bố ở Trung Đông.
Một ngày sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 khiến gần 3.000 người chết và hơn 6.000 người bị thương ở Mỹ, một số quốc gia thành viên NATO kêu gọi kích hoạt Điều 5. Vụ tấn công là đòn giáng mạnh vào niềm kiêu hãnh của nước Mỹ, cho thấy chủ nghĩa khủng bố có thể len lỏi tới đất Mỹ để gây ra sự tàn phá và chết chóc.
Tuy nhiên, một vụ tấn công khủng bố xảy ra trên lãnh thổ Mỹ có được coi là một vụ tấn công từ bên ngoài hay không để kích hoạt Điều 5 là vấn đề mà nhiều quốc gia thành viên NATO tranh cãi.
Vụ khủng bố ngày 11/9/2001 là sự kiện mang tính bước ngoặt không chỉ với Mỹ mà còn cả NATO.
Gần một tháng sau, ngày 2/10/2001, Tổng thư ký NATO khi đó là George Robertson tuyên bố vụ tấn công khủng bố ở Mỹ được thực hiện dưới sự chỉ đạo từ bên ngoài nên phù hợp để kích hoạt Điều 5.
Theo chuyên gia Atlamazoglou, đây là một thời điểm bước ngoặt đối với NATO. Liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu khi đó đã phải chật vật tìm lý do để tồn tại sau khi Liên Xô tan rã. Điều 5 chưa từng được kích hoạt cũng đặt dấu hỏi về vai trò của NATO.
Do đó, có thể nói Mỹ đã tạo ra một sứ mệnh cho NATO khi lôi kéo liên minh vào cuộc chiến chống khủng bố và chiến tranh ở Afghanistan.
Sứ mệnh mang tính bước ngoặt của NATO
Nhiều quốc gia thành viên NATO như Anh, Canada, Đức và Italia đã cùng Mỹ đưa quân đến Afghanistan ngay từ giai đoạn đầu. Quân đội Anh giáng đòn không kích đầu tiên nhằm vào các mục tiêu của Taliban và Al-Qaeda. Các lực lượng đặc nhiệm Đức và Anh phối hợp chiến đấu cùng Mỹ trong trận Tora Bora nổi tiếng.
Các quốc gia thành viên NATO khác không trực tiếp tham chiến, nhưng cung cấp nhân lực, máy bay, hỗ trợ hậu cần cho chiến dịch Anaconda giúp đẩy lùi Al-Qaeda ở Afghanistan.
Sau khi loại bỏ mạng lưới hoạt động của Taliban và Al-Qaeda tại các thành phố lớn ở Afghanistan, vai trò của NATO từ đó càng mở rộng.
Năm 2003, theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc và chính phủ hợp pháp ở Afghanistan, NATO xây dựng Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF). Đây một lần nữa là thời điểm mang tính bước ngoặt đối với liên minh.
Mỹ cùng các quốc gia thành viên NATO đã phát động cuộc chiến ở Afghanistan sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001.
ISAF là lực lượng triển khai đầu tiên của NATO bên ngoài châu Âu và Bắc Mỹ. Tất cả các thành viên NATO sẽ đóng góp nhân sự cho ISAF, một số nước thành viên có dân số khiêm tốn nhưng cũng đóng góp binh sĩ một cách đáng kể.
Nhiệm vụ của ISAF là mở rộng từ việc bảo vệ Kabul ra toàn bộ lãnh thổ Afghanistan. Trên danh nghĩa, NATO đã toàn quyền kiểm soát cuộc chiến ở Afghanistan.
Cuộc chiến phơi bày điểm yếu của NATO
Việc đảm nhận việc một nhiệm vụ mang tính rủi ro cao như vậy đã mang lại kinh nghiệm tổ chức và hoạt động đáng kể cho NATO. Tuy nhiên, khi thương vong của cuộc chiến ở Afghanistan ngày càng gia tăng, những điểm yếu trong liên minh đã bộc lộ.
Việc tham gia vào cuộc chiến ở Afghanistan ngay từ đầu đã là một vấn đề gây tranh cãi trong nội bộ nhiều nước châu Âu.
Ở một số nước thành viên NATO như Tây Ban Nha, việc đưa quân tới Afghanistan chưa được Quốc hội chấp thuận. Ở những nước khác như Đức và Italia, quân đội bị hạn chế bởi các ràng buộc pháp lý.
Hầu hết các thành viên NATO đã không tham chiến trong nhiều thập kỷ. Do đó, thương vong gia tăng cũng gây ra phản ứng dữ dội trong nước.
Vụ đánh bom xe lửa ở Madrid (Tây Ban Nha) năm 2004 và vụ đánh bom ở London (Anh) năm 2005 là hai vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ. Sự can thiệp của NATO ở Afghanistan đã kéo theo làn sóng Hồi giáo cực đoan gia tăng ở các nước châu Âu.
Kết quả là nhiều nước NATO bắt đầu giảm quy mô hoạt động, cố gắng tránh tham gia các nhiệm vụ chiến đấu ở Afghanistan. Pháp thậm chí còn đơn phương rút quân vào năm 2012.
Lính dù Pháp tham gia một cuộc huấn luyện quân sự.
Theo chuyên gia Atlamazoglou, Điều 5 của NATO vốn không quy định cụ thể trách nhiệm của các nước trong liên minh, khi đó trở thành cơ sở để các nước rút khỏi cuộc chiến ở Afghanistan.
Năm 2015, ISAF được đổi tên thành Sứ mệnh Hỗ trợ Kiên quyết (RSM). Do là nhiệm vụ phi chiến đấu, số lượng binh sĩ NATO được triển khai ở Afghanistan giảm đáng kể. NATO khi đó rút về vai trò hỗ trợ và cố vấn cho lực lượng an ninh Afghanistan.
Ở giai đoạn đỉnh điểm vào năm 2019, RSM triển khai 17.000 quân ở Afghanistan, một nửa trong số đó là Mỹ đóng góp. Tuy nhiên, một số nước thành viên NATO đối phó bằng cách gửi binh sĩ có quy mô chỉ hai con số, hoặc thậm chí là một con số. Điều này càng lộ rõ mâu thuẫn nội bộ của NATO, theo chuyên gia Atlamazoglou.
Ngoài lực lượng Mỹ đóng vai trò chủ chốt, chỉ còn một số ít binh sĩ NATO vẫn còn ở Afghanistan cho đến khi kết thúc hoàn toàn sứ mệnh vào năm 2021.
Dấu hiệu cảnh báo
Cuộc chiến ở Afghanistan mang lại kết quả trái chiều đối với NATO. Một mặt, đây là sứ mệnh quy mô đầu tiên của NATO ở phạm vi ngoài châu Âu và Bắc Mỹ. Điều này giúp NATO rút ra bài học về tổ chức và tương tác giữa các lực lượng quân sự trong liên minh.
Mặt khác, vấn đề cốt lõi khó giải quyết của liên minh đã bộc lộ. Đó là gần như không thể có được sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên cũng như cam kết của thành viên trong sứ mệnh quân sự và chính trị.
Nói cách khác, ngay cả khi Điều 5 được kích hoạt, không có gì đảm bảo rằng tất cả các nước thành viên sẽ cùng chung tay đối phó với mối đe dọa hoặc một số nước ban đầu có thể tham gia nhưng sau đó đơn phương rút lui.
Mỹ với tư cách là quốc gia lãnh đạo NATO, sẽ luôn đóng vai trò dẫn đầu trong các sứ mệnh quân sự của liên minh.
_____________________________
NATO ban đầu được xây dựng là liên minh phòng thủ nhưng vào năm 2011, một loạt các quốc gia thành viên NATO đã phối hợp không kích dữ dội ở một quốc gia khác. Động cơ nào dẫn đến hành động này của NATO và hệ lụy ra sao? Mời độc giả đón đọc bài dài kỳ 2 xuất bản 12h ngày 17/3.
Tất cả những cuộc thảo luận về khả năng NATO gửi quân đến Ukraine thực chất có mục đích khác, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 13/3 nêu nhận định.
Nguồn: [Link nguồn]