NATO sẽ thay đổi lớn nhằm đối phó Nga?
NATO đang lên kế hoạch hiện diện quân sự thường xuyên ở biên giới của mình nhằm đối phó với nguy cơ Nga tấn công trong tương lai, The Telegraph dẫn lời của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Tổng Thư ký Jens Stoltenberg nói NATO đang đứng trước những thay đổi cơ bản (ảnh: NATO)
Trả lời phỏng vấn của tờ The Telegraphm, ông Stoltenberg cho rằng, NATO đang đứng trước “sự biến đổi rất cơ bản” và những biến đổi này là “hệ quả” từ các hành động của Nga.
“Những gì chúng tôi thấy bây giờ là một thực tế mới, một bình thường mới đối với an ninh châu Âu. Chúng tôi đã yêu cầu chỉ huy quân đội đưa những lựa chọn cho cái mà chúng tôi gọi là tái lập, nhằm bảo đảm sự thích ứng lâu dài cho an ninh NATO”, ông Stoltenberg nói.
Ông Stoltenberg cho biết, kế hoạch hiện diện quân sự thường xuyên ở biên giới của NATO sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh của khối này được tổ chức ở Madrid (Tây Ban Nha) vào tháng 6 tới.
Trong khi thiết lập lại lực lượng quân sự, NATO cũng không ngừng tìm cách mở rộng quy mô thành viên. Thụy Điển và Phần Lan là 2 nước châu Âu nhiều khả năng có thể gia nhập khối quân sự này trong tương lai.
Theo RT, một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, tỷ lệ ủng hộ gia nhập NATO của người dân ở Thụy Điển và Phần Lan lần lượt là 50% và 60% - tăng gần gấp đôi so với thời điểm trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Điều đáng lưu ý là, hàng thập kỷ qua, Thụy Điển và Phần Lan vẫn nổi tiếng là các quốc gia theo đường lối trung lập ở châu Âu.
Quân đội Thụy Điển tập trận chung với NATO (ảnh: CNN)
Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thụy Điển mới đây cho biết, dựa trên yêu cầu an ninh, họ có thể nộp đơn đề nghị gia nhập NATO ngay cả khi không được sự ủng hộ của các đảng phái còn lại.
“Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, yêu cầu an ninh của Thụy Điển đã thay đổi về cơ bản”, Tổng thư ký Đảng Dân chủ Xã hội, Tobias Baudin, nói hôm 11.4.
Ở Phần Lan, Thủ tướng Sanna Marin cho biết, chính phủ của bà sẽ gửi quốc hội một bản báo cáo đánh giá an ninh vào tuần sau, trước khi quốc hội bỏ phiếu về việc có gia nhập NATO hay không. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy, chỉ có 6 trong tổng số 200 nghị sĩ Phần Lan phản đối ý tưởng gia nhập NATO.
“Chúng tôi sẽ thảo luận cẩn thận nhưng không mất thời gian”, bà Sanna Marin nói.
Cả Thụy Điển và Phần Lan đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của NATO nếu đệ đơn gia nhập. Trong khi đó, hôm 11.4, Nga cảnh báo việc 2 nước này gia nhập NATO “sẽ không mang lại sự ổn định cho châu Âu”.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng tin Al Jazeera, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, ông thực sự lo ngại khi quân đội Nga chuyển hướng tiến công sang vùng Donbass ly khai.