NATO nói về “tử huyệt” nếu xung đột với Nga

Giám đốc hậu cần châu Âu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kêu gọi các quốc gia trên lục địa này thiết lập khu vực “Schengen quân sự”.

Mục đích của hành động trên là cho phép di chuyển nhanh chóng quân đội, thiết bị và đạn dược trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga.

"Chúng ta đang cạn kiệt thời gian. Những gì chúng ta không làm trong thời bình sẽ không sẵn sàng trong trường hợp khủng hoảng hoặc xung đột" - Trung tướng Alexander Sollfrank nói với Reuters trong bài phỏng vấn được đăng ngày 23-11.

Ông Sollfrank phụ trách Bộ Tư lệnh phân quyền và hỗ trợ chung của NATO (JSEC), một cơ sở tại thị trấn Ulm của Đức. Theo đài RT, JSEC chịu trách nhiệm điều phối hoạt động di chuyển của quân nhân và trang thiết bị của NATO trên toàn châu Âu.

Theo ông Sollfrank, mặc dù JSEC được thành lập vào năm 2021 để đơn giản hóa việc chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng với Nga, song hoạt động của cơ quan này vẫn bị cản trở bởi các quy định cấp quốc gia.

Việc vận chuyển đạn dược qua biên giới châu Âu thường cần có giấy phép đặc biệt, trong khi việc vận chuyển số lượng lớn quân đội hoặc thiết bị có thể cần phải thông báo trước - theo ông Sollfrank.

Giám đốc hậu cần của NATO ở khu vực châu Âu Alexander Sollfrank. Ảnh: Hmzrinyi

Giám đốc hậu cần của NATO ở khu vực châu Âu Alexander Sollfrank. Ảnh: Hmzrinyi

Trung tướng Sollfrank đề nghị các nước châu Âu thành lập khu vực "Schengen quân sự" để khắc phục những vấn đề này, ám chỉ thỏa thuận cho phép tự do đi lại giữa phần lớn các nước Liên minh châu Âu (EU).

Ông Sollfrank không phải là quan chức quân sự đầu tiên nói đến vấn đề hậu cần của NATO ở châu Âu.

"Chúng ta không có đủ năng lực vận tải hoặc cơ sở hạ tầng cho phép lực lượng NATO di chuyển nhanh chóng trên khắp châu Âu" - ông Ben Hodges, người chỉ huy lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ ở châu Âu cho đến năm 2017, khẳng định với Reuters vào năm ngoái.

Ông Hodges chỉ ra rằng các quốc gia khác nhau có năng lực và hệ thống đường sắt khác nhau. Chẳng hạn, nhà điều hành đường sắt Đức Deutsche Bahn chỉ có khả năng di chuyển cùng lúc một lữ đoàn rưỡi thiết giáp – khoảng 4.000 quân, 90 xe tăng và 150 xe bọc thép.

NATO hiện có 10.000 binh sĩ đóng quân ở tiền phương Đông Âu. Ảnh: AP

NATO hiện có 10.000 binh sĩ đóng quân ở tiền phương Đông Âu. Ảnh: AP

Việc di chuyển bằng đường bộ cũng có nhiều trở ngại khác nhau. Một nhóm xe tăng Pháp đi qua Đức để đến Romania tập trận vào năm ngoái đã bị dừng lại vì trọng tải của chúng vượt quá quy định giao thông đường bộ của Đức - theo Reuters.

Kể cả khi đoàn xe tăng này được phép đi qua Đức, chúng cũng không thể đi qua Ba Lan do chất lượng cầu ở nước này kém - Breaking Defense khẳng định.

NATO hiện có 10.000 binh sĩ thuộc 8 nhóm tác chiến đóng quân ở tiền phương Đông Âu. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg năm ngoái thông báo mục tiêu hỗ trợ nhóm binh sĩ này với 300.000 quân dự bị được đặt trong tình trạng sẵn sàng cao. Theo kế hoạch của Tổng Thư ký Stoltenberg, trong trường hợp xảy ra xung đột, 100.000 binh sĩ trong số này sẽ có thể đến tiền tuyến trong vòng một tuần, phần còn lại sẽ đến sau đó một tháng.

Điện Kremlin phản ứng trước thông tin NATO chuẩn bị cho xung đột cường độ cao với Nga

Điện Kremlin đã đưa ra phản ứng sau khi CH Czech cảnh báo NATO đang chuẩn bị kịch bản xảy ra một cuộc “xung đột cường độ cao“ với Nga.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Lực ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN