Thái độ khác thường của NATO với Trung Quốc

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

NATO lần đầu tiên coi Trung Quốc là một trong những thách thức chiến lược trong thập kỷ tới, cảnh báo về tham vọng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, vấn đề Trung Quốc căng thẳng với Đài Loan và các nước láng giềng khác cũng như mối quan hệ ngày càng chặt chẽ của Trung Quốc với Nga.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thảo luận với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 29.6.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thảo luận với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 29.6.

Mặc dù vấn đề xung đột ở Ukraine chiếm trọng tâm trong các cuộc thảo luận của NATO tại hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra ở Madrid, Tây Ban Nha, Trung Quốc ngày 29.6 được NATO nhắc đến là một trong những thách thức an ninh đáng lo ngại.

“Trung Quốc ngày càng xây dựng lực lượng quân sự, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, bắt nạt các nước láng giềng, đe dọa Đài Loan, giám sát công dân qua công nghệ, lan truyền các thông tin sai sự thật liên quan đến Nga”, Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg nói, sau khi trình bày Khái niệm Chiến lược mới của NATO trong một thập kỷ tới.

“Trung Quốc không phải là đối thủ của chúng ta”, ông Stoltenberg nói. “Nhưng chúng ta phải nhìn rõ những thách thức nghiêm trọng mà Trung Quốc tạo ra”.

Tài liệu chiến lược được NATO công bố hôm 29.6 chỉ trích Nga mạnh mẽ, nhưng việc Trung Quốc cũng được nhắc tên là dấu hiệu đáng chú ý. Trong Khái niệm Chiến lược của NATO năm 2010, Trung Quốc chưa từng được nhắc đến.

Sự chuyển hướng chính thức của NATO có nghĩa rằng liên minh quân sự lớn nhất thế giới đang dè chừng Trung Quốc - quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và quân đội đang phát triển nhanh chóng, cả về số lượng và công nghệ hàng đầu.

“Một trong những điều Trung Quốc đang làm là tìm cách phá vỡ trật tự quốc tế dựa trên quy tắc mà chúng ta tuân thủ, tin tưởng và giúp xây dựng”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói. "Và nếu Trung Quốc đang thách thức nó bằng cách này hay cách khác, chúng ta sẽ chống lại điều đó”.

Các nhà lãnh đạo phương Tây lo ngại rằng, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine có thể thúc đẩy Trung Quốc hành động quyết liệt hơn trong vấn đề Đài Loan.

Phát biểu tại một sự kiện ở Madrid, Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói, “có nguy cơ rõ ràng rằng Trung Quốc có thể đưa ra một số ý tưởng sai lầm, ví dụ như tấn công Đài Loan”.

Đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand được mời đến dự hội nghị NATO. Các nhà lãnh đạo đã tham gia một phiên họp của NATO về những thách thức toàn cầu mới sau khi tham gia một cuộc họp bên lề.

Kết thúc cuộc họp, Thủ tướng Úc Anthony Albanese kêu gọi Trung Quốc lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Trước đó, cũng trong ngày 29.6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cáo buộc các thành viên NATO “gây căng thẳng và kích động xung đột” bằng cách đưa tàu chiến và máy bay vào các khu vực gần với lục địa Châu Á và Biển Đông.

NATO nên “từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh, không cố gắng gây rắc rối cho châu Á và toàn thế giới sau những gì xảy ra ở châu Âu”, ông Triệu nói.

Bắc Kinh cáo buộc NATO và Mỹ kích động Nga dẫn đến xung đột quân sự. “Thực tế đã chứng minh rằng các biện pháp trừng phạt không phải là một lối thoát cho xung đột và việc phương Tây tiếp tục hỗ trợ vũ khí sẽ không thể giúp hiện thực hóa hòa bình”, ông Triệu nói thêm.

Các nhà lãnh đạo NATO hiện đang thảo luận về cách tiếp cận với Trung Quốc. Các quan chức ngoại giao cấp cao của Tây Ban Nha và Pháp nói với hãng tin AP, họ coi Trung Quốc là một “thách thức” chứ không phải là một “mối đe dọa” như Nga.

Nhưng có một điều rõ ràng, đó là NATO không còn có thể phớt lờ Trung Quốc. “Những thách thức mà tất cả chúng ta phải đối mặt thực sự mang tính toàn cầu. Cán cân quyền lực quốc tế đang thay đổi và cạnh tranh chiến lược đang gia tăng”, ông Stoltenberg nói.

Hai quốc gia muốn gia nhập nhóm BRICS: Trung Quốc lên tiếng

Việc Iran và Argentina chính thức nộp đơn xin gia nhập nhóm có Nga và Trung Quốc là động thái được Bắc Kinh hoan nghênh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - AP ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN