NATO khẳng định không mở rộng lá chắn phòng không đến Ukraine
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không có ý định sử dụng hệ thống phòng không của liên minh để che chắn cho Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định. Bình luận của ông được đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi Mỹ và các đồng minh giúp Kiev bắn hạ tên lửa Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters
Trả lời phỏng vấn tờ New York Times tuần trước, Tổng thống Zelensky cho biết ông thấy không có vấn đề gì với sự tham gia của NATO, đồng thời cho rằng việc giúp đánh chặn tên lửa Nga ở Ukraine sẽ không giống với việc “tiến hành một cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga”.
Ông Zelensky viện dẫn việc Mỹ và Anh giúp bắn hạ tên lửa và máy bay không người lái Iran nhắm vào Israel hồi tháng trước. Nhưng cả Washington và London đều lập luận rằng hai kịch bản này không thể so sánh được.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Welt am Sonntag của Đức xuất bản hồi cuối tuần, Tổng thư ký NATO Stoltenberg nói: “Chúng tôi đang tăng cường hỗ trợ cho hoạt động tự vệ của Ukraine, nhưng không có kế hoạch gửi quân NATO tới Ukraine hoặc mở rộng lá chắn phòng không của NATO tới Ukraine”.
Người đứng đầu khối quân sự khẳng định: “NATO sẽ không trở thành một phần của cuộc xung đột này”.
Ông cũng cho rằng Kiev vẫn có thể giành lại thế chủ động dù Nga hiện có vẻ đã đạt được điều đó. Ông lý luận, để đảm bảo điều này, các quốc gia thành viên NATO nên “gửi thêm vũ khí và đạn dược tới Ukraine, bao gồm các hệ thống phòng không và vũ khí tầm xa”.
Hôm 22/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ba Lan Pawel Wronski nói với truyền thông Ukraine rằng Warsaw đang xem xét "từ quan điểm pháp lý và kỹ thuật" khả năng sử dụng hệ thống phòng không của mình để bắn hạ tên lửa Nga trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, nhà ngoại giao cấp cao này nói thêm rằng vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.
Tuần trước, một số đảng đối lập ở Đức cũng tuyên bố ủng hộ ý tưởng này. Tuy nhiên, Thủ tướng Olaf Scholz bác bỏ đề xuất thiết lập “vùng cấm bay” của NATO trên bầu trời Ukraine, gọi đây là việc liều lĩnh và nguy hiểm.
Thủ tướng nhấn mạnh rằng mặc dù điều quan trọng là tiếp tục hỗ trợ Kiev, nhưng cả Đức, Liên minh châu Âu (EU) hay NATO đều không nên trở thành một bên trong cuộc xung đột và không nên được yêu cầu làm vậy, vì diễn biến như vậy có thể gây ra “phản ứng khó lường” từ Mátxcơva.
Các quan chức Nga đã nhiều lần nói rằng việc cung cấp vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo và huấn luyện quân đội Ukraine có nghĩa là các quốc gia phương Tây trên thực tế đã trở thành các bên tham gia cuộc xung đột.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngoài động thái chung ở biên giới với Nga và Belarus, 6 quốc gia thành viên NATO đã thống nhất tìm kiếm tài trợ từ EU cho các nỗ lực phòng thủ chung.