NATO đối mặt loạt khủng hoảng bủa vây tứ phía
Các quốc gia thành viên NATO đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng xảy ra cùng một lúc ở Trung Đông và châu Âu.
Cuộc gặp giữa các ngoại trưởng các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại thủ đô Brussels (Bỉ) vào ngày 28 và 29-11 bàn nhiều về xung đột Nga-Ukraine.
Tuy nhiên bên cạnh đó, cuộc họp lần này cũng nhận được sự chú ý từ những mối lo ngại mới, tiêu biểu là cuộc xung đột Israel-Hamas, sự an toàn của lực lượng NATO ở Iraq và căng thẳng gia tăng ở khu vực bán đảo Balkan, theo tờ The Wall Street Journal.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại cuộc họp ngoại trưởng NATO ở thủ đô Brussels (Bỉ) hôm 29-11. Ảnh: NATO
Về xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, thuộc Palestine), sau khi hai bên gia hạn thỏa thuận ngừng bắn trong tuần này, NATO đang nỗ lực tái khẳng định cam kết đối với các quốc gia thành viên ở đông Địa Trung Hải - những nước gần với khu vực Trung Đông.
Một nhóm chuyên gia của NATO đang xem xét các chiến lược tăng cường an ninh cho các thành viên ở phía cực nam của liên minh này.
Theo các quan chức châu Âu tại NATO, khối này ngày càng lo ngại về những điểm yếu do tình trạng bất ổn ở Trung Đông và năng lực của châu Âu trong việc chống lại những mối đe dọa đó trong bối cảnh có sự căng thẳng trong khối liên quan cam kết đối với cuộc chiến ở Ukraine và nỗ lực giải quyết tình trạng nhập cư bất hợp pháp.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các ngoại trưởng NATO có thảo luận về tình hình ở Dải Gaza “nhưng nó không làm mất đi sự tập trung cao độ mà chúng tôi có trong vài ngày qua về Ukraine cũng như Tây Balkan".
Tổng Thư ký NATO - ông Jens Stoltenberg phát biểu trong cuộc họp ngoại trưởng NATO rằng Trung Đông nằm ngoài phạm vi trách nhiệm của liên minh và khối quân sự này không có ý định tham gia cuộc xung đột Israel-Hamas.
Tuy nhiên, một số nước thành viên nhấn mạnh rằng NATO với tư cách là một tổ chức không nên làm ngơ trước những tác động an ninh của cuộc xung đột ở Dải Gaza. Trong khi đó, một số quốc gia bày tỏ sự thất vọng với Mỹ và Anh vì hỗ trợ Israel trong cuộc tấn công vào Dải Gaza, làm hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng.
“Các thành viên bày tỏ sự quan ngại về cuộc xung đột ở Trung Đông. NATO với tư cách là một liên minh không đóng vai trò tích cực trong cuộc xung đột Israel-Hamas. Một số đồng minh đang hoạt động theo những cách khác nhau” - ông Stoltenberg nói.
Dù vậy, ông Stoltenberg cảnh báo về hậu quả tiềm tàng của cuộc xung đột Israel-Hamas.
“Một trong những thông điệp từ NATO là cuộc xung đột này không leo thang thành một cuộc xung đột khu vực lớn hơn. Thông điệp gửi tới Iran là… họ phải kiềm chế lực lượng ủy nhiệm của mình” - ông Stoltenberg nói, ám chỉ Hamas và nhóm vũ trang Hezbollah.
Trong khi đang phải vật lộn với hai cuộc chiến ở Ukraine và Gaza, NATO cũng phải lo giải quyết những căng thẳng gia tăng gần đây giữa Serbia và Kosovo ở bán đảo Balkan. NATO đã duy trì lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kosovo kể từ năm 1999.
Bên cạnh đó, phái bộ của NATO tại Iraq, được thành lập vào năm 2018, gồm hàng trăm nhân viên quân sự và cố vấn dân sự đang huấn luyện lực lượng Iraq. Tuy nhiên, những cuộc tấn công gần đây nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq và Syria làm dấy lên mối lo ngại sự an toàn của phái bộ NATO tại Iraq.
Ngoài ra, với tư cách là nhà bảo đảm an ninh ở châu Âu, NATO trong những năm gần đây đã phải chịu trách nhiệm về những rủi ro đối với lục địa này, chẳng hạn tình trạng di cư không kiểm soát và khủng bố từ các khu vực phía nam, bao gồm Trung Đông và châu Phi.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thư ký NATO đã gặp ngoại trưởng các nước thành viên trong bối cảnh có một số trở ngại ở Mỹ và châu Âu về việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine.