NASA nỗ lực khắc phục sự cố với tàu thăm dò cách Trái đất 24 tỷ km
Các kỹ sư của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang cố gắng giải quyết sự cố máy tính liên quan đến tàu thăm dò Voyager 1.
Tàu thăm dò Voyager 1
Voyager 1 hiện là tàu vũ trụ hoạt động ở xa Trái đất nhất với khoảng cách khoảng 24 tỷ km, trong khi tàu vũ trụ song sinh của nó - Voyager 2 - đã di chuyển hơn 20 tỷ km tính từ hành tinh của chúng ta. Cả 2 tàu đều ở trong không gian giữa các vì sao.
Ban đầu được thiết kế để hoạt động trong 5 năm, nhưng Voyager 1 và Voyager 2 là 2 tàu vũ trụ hoạt động lâu nhất trong lịch sử. Tuổi thọ đặc biệt dài của chúng có nghĩa là cả 2 tàu vũ trụ đã cung cấp thêm những hiểu biết sâu sắc về Hệ mặt trời sau khi đạt được mục tiêu ban đầu là bay ngang qua Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương nhiều thập kỷ trước.
Voyager 1 có 3 máy tính trên tàu, bao gồm 1 hệ thống dữ liệu chuyến bay thu thập thông tin từ các thiết bị khoa học của tàu vũ trụ và kết hợp nó với dữ liệu kỹ thuật phản ánh tình trạng hiện tại của tàu. Trong khi đó, nhóm vận hành trên Trái đất sẽ làm nhiệm vụ nhận dữ liệu đó dưới dạng mã nhị phân hoặc chuỗi số 1 và số 0.
Mặc dù tàu vũ trụ vẫn có thể nhận và thực hiện các lệnh được truyền từ nhóm vận hành, nhưng vấn đề ở đây là không có dữ liệu khoa học hoặc kỹ thuật nào từ tàu Voyager 1 được gửi về Trái đất.
Theo NASA, nhóm vận hành đã gửi lệnh vào cuối tuần qua để tàu vũ trụ khởi động lại hệ thống dữ liệu chuyến bay, nhưng vẫn chưa có dữ liệu nào được gửi về.
Calla Cofield, chuyên gia quan hệ truyền thông tại Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA ở Pasadena, bang California (Mỹ), cho biết các kỹ sư của NASA hiện đang cố gắng thu thập thêm thông tin về nguyên nhân gây ra sự cố trước khi xác định các bước tiếp theo để khắc phục. Quá trình này có thể mất vài tuần.
Được biết, Voyager 1 ở khoảng cách xa đến mức phải mất 22,5 giờ để các lệnh được gửi từ Trái đất đến được tàu vũ trụ. Ngoài ra, nhóm phải đợi 45 giờ để nhận được phản hồi.
Tàu vũ trụ OSIRIS-REx của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hôm 24/9 đã thả thành công viên nang chứa mẫu vật tiểu hành tinh xuống Trái đất ở khu vực sa mạc bang Utah.
Nguồn: [Link nguồn]