Nắng nóng kỷ lục tàn phá nhiều quốc gia và lời cảnh báo đáng sợ

Nắng nóng chưa từng thấy thời gian qua tàn phá khắp các quốc gia ở bắc bán cầu, gồm Mỹ, Canada, Ấn Độ, Iraq và Nga, dấy lên nhiều lo ngại. 

Khói bốc lên từ đám cháy ở hồ Long Loch và Derrickson, miền Trung Okanagan, Canada ngày 30.6.

Khói bốc lên từ đám cháy ở hồ Long Loch và Derrickson, miền Trung Okanagan, Canada ngày 30.6.

Thị trấn Lytton nhỏ bé lập kỷ lục ghi nhận mức nhiệt độ cao nhất Canada hồi tuần trước, lên tới 49,6 độ C. Đợt nắng nóng chưa từng thấy đã gây ra hơn 240 vụ cháy rừng ở tỉnh British Columbia của Canada.

Thị trấn Lytton ghi nhận nắng nóng kỷ lục với mức nhiệt độ vào ban đêm còn lớn hơn ban ngày. 250 người sống ở thị trấn hầu như không lắp điều hòa vì nhiệt độ thường chỉ ở mức 25 độ C.

Do ảnh hưởng của cháy rừng và nắng nóng, người dân thị trấn Lytton đã phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán, theo CNN.

Các nhà khoa học cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ tạo ra nhiều đợt nắng nóng kỷ lục và với tần suất ngày càng dày đặc hơn. Đó có thể là thực tế đang diễn ra ở Canada và nhiều quốc gia khác ở bắc bán cầu.

Tuần trước, người dân thành phố New York được yêu cầu hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện lớn như điều hòa, máy sấy để đảm bảo an toàn lưới điện. Nhiều con phố ở Mỹ ghi nhận mặt đường bị nóng chảy vì nắng nóng kỷ lục.

Người dân Ấn Độ trải qua những ngày nắng nóng hơn 40 độ C.

Người dân Ấn Độ trải qua những ngày nắng nóng hơn 40 độ C.

Ở Nga, Moscow ghi nhận mức nhiệt độ cao nhất trong tháng 6, lên tới 34,8 độ C vào ngày 23.6. Các nông dân vùng Siberia cố gắng bảo vệ hoa màu trong đợt nắng nóng chưa từng thấy.

Ngay cả ở khu vực vòng Bắc Cực, nhiệt độ cũng lên tới hơn 30 độ C. Trạm khí tượng ở vùng Verkhoyansk ghi nhận mức nhiệt độ 38 độ C vào ngày 20.6.

Ở Ấn Độ, hàng chục triệu người sống ở vùng tây bắc bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt sóng nhiệt. Cơ quan Khí tượng Ấn Độ tuần trước cảnh báo thủ đô New Delhi và nhiều thành phố khác về “nắng nóng cực đoan” lên tới hơn 40 độ C, cao hơn 7 độ C so với bình thường.

Ở Iraq, giới chức nước này thông báo cho người dân nghỉ lễ từ ngày 1.7 vì đơn giản là quá nóng. Nhiệt độ vượt quá 50 độ C khiến mạng lưới điện tê liệt.

Một chuyên gia trả lời trên CNN, rằng rất khó để xác định nguyên nhân cụ thể, nhưng các khu vực ở bắc bán cầu đồng thời trải qua nắng nóng kỷ lục không phải là ngẫu nhiên.

Không khí nóng bị mắc kẹt ở các khu vực tại bắc bán cầu trong suốt nhiều tuần là nguyên nhân xảy ra nắng nóng. “Đó là lý do nhiệt độ không chỉ tăng vài độ C, mà còn tăng vọt chưa từng thấy”, Liz Bentley, Giám đốc Hiệp hội Khí tượng Hoàng gia Anh, nói trên CNN.

Người đàn ông đứng trước những chiếc quạt phun sương ở Baghdad, Iraq ngày 30.6.

Người đàn ông đứng trước những chiếc quạt phun sương ở Baghdad, Iraq ngày 30.6.

Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đồng ý rằng biến đổi khí hậu đang là nguyên nhân xảy ra nắng nóng và mưa bão khắc nghiệt.

“Biến đổi khí hậu tạo ra sự kết hợp nguy hiểm của nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán kéo dài", Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tuần trước nói. “Chúng ta đang chứng kiến những đám cháy rừng có cường độ lớn hơn, với tốc độ nhanh hơn và kéo dài hơn qua những tháng mùa khô”.

Các nhà khoa học đã sử dụng công cụ tinh vi để tính toán ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với thời tiết nắng nóng. 

“Chúng tôi nhận thấy rằng nếu không có sự tác động của con người, thì không thể đạt được kỷ lục tháng 6 nóng chưa từng thấy ở bắc bán cầu”, nhà khí tượng học ở Anh, Nikos Christidis, nói.

Theo Christidis, trong quá khứ, nếu không có con người gây ra biến đổi khí hậu, nắng nóng “vài ngàn năm mới xuất hiện một lần”.

Ngày nay, nó xảy ra thường xuyên với tần suất 15 năm một lần, Christidis nói. Nhưng chuyện gì xảy ra nếu các quốc gia tiếp tục phát thải nhà kính ở mức cao? Christidis nói nắng nóng sẽ xảy ra thường xuyên mỗi 1 hoặc 2 năm trong một thế kỷ tới, theo CNN.

Nhiều quốc gia như Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu đã cam kết giảm khí thải nhà kính để giữ nhiệt độ ở mức tăng 1,5 độ C so với trước thế kỷ 19.

Canada: Nắng nóng kỷ lục 49,6 độ C, cả thị trấn bắt lửa bốc cháy

Hơn 1.000 người ở một thị trấn tại Canada và khu vực xung quanh đã phải sơ tán khẩn cấp ngay trong đêm khi phát hiện lửa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - CNN ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN