Nạn săn "phù thủy" kinh hoàng ở quốc gia Nam Á hơn 9 triệu ca nhiễm Covid-19

Những ca tử vong không rõ nguyên nhân trong dịch Covid-19, hệ thống chăm sóc y tế yếu kém, hiểu biết pháp luật hạn chế đang thổi bùng ngọn lửa mê tín, săn “phù thủy” ở quốc gia Nam Á có hơn 9 triệu ca nhiễm virus, SCMP đưa tin.

Mối lo ngại về nạn “săn phù thủy” gia tăng ở Ấn Độ trong dịch Covid-19 (ảnh: SCMP)

Mối lo ngại về nạn “săn phù thủy” gia tăng ở Ấn Độ trong dịch Covid-19 (ảnh: SCMP)

Trong khi bà Shakriben, 60 tuổi, đang làm việc trên cánh đồng, người anh chồng tên Babubhai bất ngờ kéo một đám đông đến hành hung. Những người này cáo buộc bà Shakriben là “phù thủy” và đã “hút linh hồn” mẹ chồng.

Vụ việc xảy ra ở huyện Panchmaal, bang Gujarat, Ấn Độ.

2 tuần trước đó, mẹ chồng bà Shakriben bị ốm và qua đời đột ngột không rõ nguyên nhân.

Người anh chồng của bà Shakriben mời một thầy cúng đến. Thầy cúng đổ lỗi cho bà Shakriben, cáo buộc bà là “phù thủy” đã “sử dụng ma thuật hắc ám để sát hại mẹ chồng”.

Đám đông nhanh chóng mang theo đuốc, gậy và gạch đá tìm đến nhà bà Shakriben – người phụ nữ góa chồng – để tấn công.

“Chúng tôi đã cố chạy vào nhà. Nhưng họ bao vây, nhốt tôi và con trai ở bên trong”, bà Shakriben kể lại.

“Bà ta là phù thủy. Bà ta đã ăn thịt mẹ tôi và làm cho cả làng bị ốm”, ông Babubhai hét lên.

Con trai bà Shakriben vì can ngăn đám đông đã bị đánh mù một mắt. Án mạng có thể đã xảy ra nếu cảnh sát không đến kịp thời.

Theo SCMP, từ tháng 3 đến tháng 10 năm nay, ít nhất 11 người ở Ấn Độ đã bị giết hại vì nghi là “phù thủy” – một con số đáng sợ.

Những người bị cáo buộc là “phù thủy” thường bị đám đông đánh đập, hành hạ, làm nhục, cuối cùng là sát hại.

Hôm 14.10, một người đàn ông 80 tuổi, sống ở bang Meghalaya bị cáo buộc là “phù thủy” bị dân làng chôn sống.

Theo Cơ quan Lưu trữ Hồ sơ Tội phạm Ấn Độ (NCRB), từ năm 2000 đến năm 2016, hơn 2.500 người dân nước này đã tử vong vì nạn “săn phù thủy”. Những năm gần đây Ấn Độ đã nỗ lực dẹp bỏ quan niệm mê tín dị đoan trong xã hội. Tuy nhiên, nạn “săn phù thủy” đang xuất hiện trở lại trong dịch Covid-19.

Nhiều người yếm thế ở Ấn Độ bị cáo buộc là “phù thủy” và nhận cái kết thương tâm (ảnh: SCMP)

Nhiều người yếm thế ở Ấn Độ bị cáo buộc là “phù thủy” và nhận cái kết thương tâm (ảnh: SCMP)

“Dịch Covid-19 khiến đời sống của mọi người trở nên khó khăn hơn. Ở khu vực nông thôn nghèo, thiếu cơ sở y tế, nhiều người thường nghe lời các thầy cúng và đổ lỗi dịch bệnh cho ai đó mà họ nghi ngờ”, Sanal Edamaruku – nhà hoạt động chống mê tín ở Ấn Độ – nhận xét.

“Trong dịch Covid-19, nhiều người vì sợ bị kỳ thị nên từ chối tìm bác sĩ thăm khám khi gặp triệu chứng. Họ có nguy cơ tử vong đột ngột ở nhà và nguyên nhân cái chết lại bị đổ lỗi cho một người khác”, Neeta Hardikar – điều phối viên của Anandi-India (Tổ chức hoạt động bảo vệ quyền phụ nữ Ấn Độ) – nói.

Sau vụ tấn công, bà Shakriben gửi đơn trình báo tới cảnh sát địa phương. Tuy nhiên, cảnh sát từ chối khởi tố vụ án, cho rằng đây chỉ là “xích mích trong gia đình”. Bà Shakriben thậm chí còn bị dân làng xa lánh và hắt hủi.

Các nhà hoạt động của Anandi-India nhanh chóng vào cuộc, kêu gọi cảnh sát huyện Panchmaal nhanh chóng bắt giữ những người đã hành hung bà Shakriben và con trai.

“Tôi sẽ chiến đấu đến cùng. Tôi không phải là phù thủy”, bà Shakriben nói trong nước mắt.

Nguồn: [Link nguồn]

TQ: Lò phản ứng điện hạt nhân ”cây nhà lá vườn” đầu tiên ra mắt

Trung Quốc vừa hoàn thành lắp đặt và cho khởi động lò phản ứng hạt nhân đầu tiên được xây dựng bằng công nghệ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Ấn Độ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN