"Nạn nhân" của căng thẳng Mỹ - Trung, ông chủ TikTok là ai?
Hôm 9.8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi việc Mỹ chuẩn bị cấm ứng dụng TikTok là “chiêu trò thao túng chính trị” và cảnh báo Washington không nên thách thức sự kiên nhẫn của Bắc Kinh nếu không muốn “gánh hậu quả”.
Mỹ đã nhiều lần cáo buộc TikTok là ứng dụng gián điệp của Trung Quốc (ảnh: NY Times)
Dư luận Trung Quốc đang sôi sục sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra “tối hậu thư” buộc ByteDance phải bán nền tảng mạng xã hội video TikTok hoạt động ở Mỹ cho một công ty Mỹ hoặc bị cấm hoạt động.
Một số chuyên gia cho rằng, Mỹ đang muốn “cướp trắng” thành quả của ByteDance bằng chiến thuật ép bán “kiểu mafia”, theo Thời báo Hoàn cầu.
Việc Mỹ ép ByteDance bán chi nhánh ở Mỹ của TikTok cho một công ty Mỹ là sự leo thang căng thẳng và chắc chắn nhận lại đòn đáp trả tương xứng từ Bắc Kinh. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, Mỹ có thể đẩy mạnh hơn nữa việc đàn áp các công ty Trung Quốc ở nước ngoài, Thời báo Hoàn cầu viết.
Hôm 3.8, ông Trump tuyên bố, ByteDance phải bán chi nhánh TikTok ở Mỹ cho một công ty của nước này trước ngày 15.9, nếu không muốn bị cấm hoàn toàn ở xứ cờ hoa.
Hơn 100 triệu người Mỹ đang sử dụng mạng xã hội TikTok.
“Mỹ không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào nhưng lại lạm dụng khái niệm về an ninh quốc gia, đàn áp một cách vô lý những công ty không phải của Mỹ”, Vương Văn Bân – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – phát biểu.
Tập đoàn Microsoft đang đàm phán thương vụ mua chi nhánh TikTok ở Mỹ của ByteDance.
Trương Nhất Minh – nhà sáng lập của ByteDance và TikTok – có lẽ là “nạn nhân” cuối cùng của vụ việc này, theo New York Times.
Ông Trương đang bị nhiều người chỉ trích trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc khi có ý định bán chi nhánh TikTok ở Mỹ cho một công ty Mỹ.
“Là một doanh nghiệp, chúng tôi không còn cách nào khác là tuân thủ quy định của Mỹ”, thông báo của TikTok viết.
Thông báo của TikTok cũng đề cập đến việc công ty bị cuốn vào cuộc canh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng, ông Trương Nhất Minh đã “thiếu bản lĩnh” trước sức ép từ Washington.
“Nếu chúng ta không đáp trả, Mỹ sẽ ngày càng càng lấn tới. Mỹ có thể nhắm mục tiêu tới nhiều công ty khác của Trung Quốc. Chúng ta có thể nói với một công ty Mỹ rằng, họ phải bán hoạt động tại Trung Quốc cho chúng ta nếu không muốn bị cấm”, Shen Yi – chuyên gia Quan hệ Quốc tế tại Đại học Phục Đán – nhận xét.
Nhà sáng lập TikTok – ông Trương Nhất Minh (ảnh: NY Times)
Trước đó, ByteDance đã đề nghị thoái vốn chi nhánh TikTok tại Mỹ như một cách để cứu doanh nghiệp khỏi bị chính quyền của ông Trump “cấm cửa”. Theo đề xuất của ByteDance, Tập đoàn Microsoft sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ tất cả dữ liệu người dùng TikTok tại Mỹ.
ByteDance cũng tìm cách giữ lại cổ phần tối thiểu của TikTok tại Mỹ nhưng chính quyền của ông Trump không đồng ý đề xuất này.
Ông Trương Nhất Minh sinh năm 1983 tại Phúc Kiến, Trung Quốc trong một gia đình công chức nhà nước. Từ nhỏ ông đã thể hiện sự hứng thú với kinh doanh và công nghệ.
Năm 2016, ông Trương bắt tay vào phát triển ứng dụng TikTok (được biết đến với tên Douyin ở Trung Quốc), cho phép người dùng có thể tự quay và chỉnh sửa video rồi chia sẻ lên mạng xã hội.
Năm 2018, công ty ByteDance do ông Trương sáng lập chi ít nhất 1 tỷ USD để mua lại Musical.ly, nền tảng cho phép người dùng chia sẻ công khai màn nhảy, hát của họ thông qua những video ngắn. Tiktok sau đó sáp nhập với Musical.ly và tạo ra một mạng xã hội lớn trên toàn thế giới.
Công ty ByteDance hiện được định giá hơn 100 tỷ USD. Ông Trương trở thành một trong những tỷ phú trẻ tuổi nhất Trung Quốc.
Trong một bức thư gửi cho nhân viên ByteDance hôm 2.8, ông Trương nói rằng, TikTok đã nhiều lần thay đổi để giải quyết mối lo ngại từ Mỹ. Tuy nhiên, việc phải bán chi nhánh là khó tránh khỏi.
TikTok hiện có khoảng một tỷ người sử dụng trên khắp thế giới. Giới chức Mỹ đã nhiều lần cáo buộc TikTok bị Bắc Kinh thao túng và sử dụng cho mục đích gián điệp.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng so sánh TikTok với Huawei và ZTE - 2 công ty Trung Quốc bị chính quyền ông Trump cáo buộc là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Nguồn: [Link nguồn]
Phong cách ngoại giao “chiến binh sói” của Trung Quốc đã gây nhiều tranh cãi khi nước này bị phương Tây cáo buộc khiến...